Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Mang thai hộ: Nhân đạo hay mất nhân đạo?
Hà Tâm - 26/11/2013 15:38
 
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) sáng nay, đa phần đại biểu Quốc hội tán thành quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cảnh báo, cần quy định chặt chẽ hơn, nếu không, yếu tố mất nhân đạo, thương mại hóa sẽ nhiều hơn yếu tố nhân đạo. Cần bước đệm để công nhận hôn nhân đồng tính
TIN LIÊN QUAN

Dù đa phần ý kiến đều cho rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vào Luật là cần thiết, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, song các đại biểu đều cho rằng, quy định như dự thảo luật là còn lỏng lẻo, chưa giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay và những phức tạp có khả năng nảy sinh.

Dẫn ra số liệu cả nước có khoảng 70 nghìn đến 1 triệu cặp vợ chồng không có con, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung quy định mang thai hộ vào dự thảo luật. Trên thực tế, việc mang thai hộ đang diễn ra dù luật chưa cho phép, khiến việc khai sinh, hộ tịch, hộ khẩu rất khó quản lý.

Chưa kể, việc mang thai hộ lúc đầu thì có tính chất nhân đạo nhưng về sau mang tính chất thương mại, có những trường hợp thách đố không bàn giao trẻ cho những người nhờ mang thai hộ. Bên nhờ mang thai hộ cũng có trường hợp vì không đạt được ý muốn bởi vì đưa con khi sinh ra không đáp ứng được, có thể thiếu tinh thần trách nhiệm nên không nhận lại đứa trẻ, cũng gây khó khăn cho người mang thai hộ.

Mang thai hộ: nhân đạo hay mất nhân đạo?
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cảnh báo về khả năng thương mại hóa việc mang thai hộ (Ảnh: Đức Thanh)

Đồng tình với ý kiến này, song đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị phải xem xét thật kỹ quy định này.

Theo ông Phương, nên khuyến khích những người không sinh được con thì nhận con nuôi, tạo điều kiện cho nhiều trẻ khi sinh ra có gia đình hơn là cho phép mang thai hộ.

“Tôi xin lấy một số dẫn chứng nếu như chúng ta quy định như thế này thì chắc chắn yếu tố mất nhân đạo phải nhiều hơn yếu tố nhân đạo. Điều 94 quy định: nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con, trứng này không phải là trứng của vợ chồng mình, khi sinh ra một đứa con thì lại phải nuôi đứa con này. Hậu quả là đứa con này sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân nó không có tội tình gì”, ông Phương dẫn chứng thêm.

Ngoài ra, Điều 78 của dự thảo Luật quy định, nếu người nhờ mang thai hộ từ chối không nhận con, không chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về nuôi con thì phải có trách nhiệm về cung cấp, cấp dưỡng là rất vô lý và khó khả thi.

Cũng lo lắng về vấn đề mang thai hộ, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cảnh báo về khả năng thương mại hóa.

“Mang thai hộ là vấn đề bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại là rất khó xác định, khái niệm mang thai hộ như dự thảo luật nêu là chưa rõ, chưa có sức thuyết phục cao. Trường hợp vì nhân đạo mà người phụ nữ mang thai hộ phải gánh chịu những hậu quả, rủi ro từ khi mang thai đến sau sinh hoặc phải đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình thì sao? Người mang thai hộ có được xem là mẹ đẻ của đứa bé do chính mình sinh ra hay không?”, đại biểu Phúc đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải chặt chẽ hơn. Trước hết, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ từ khâu đăng ký với nhà nước để mang thai hộ, ban đầu chỉ tập trung đầu mối và những bệnh viện lớn nào có thể thực hiện được để quản lý và chăm sóc tốt.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) còn đề nghị, nếu luật và nghị định chưa thể giải quyết được các những bất cập mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, Chính phủ nên xem xét thực hiện quy định này khi nước ta có điều kiện xây dựng luật riêng về vấn đề mang thai hộ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư