Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Microsoft rót 3 triệu USD vào giáo dục và kinh doanh tại Việt Nam
Hải Hà - 24/03/2015 15:46
 
Microsoft sẽ đầu tư 3 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới nhằm trao cho các bạn trẻ nhiều hơn nữa các cơ hội giáo dục, việc làm và kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Microsoft đã công bố sẽ đầu tư 3 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ giới trẻ toàn cầu hội nhập và phát triển (YouthSpark) của tập đoàn, nhằm trao cho các bạn trẻ nhiều hơn nữa các cơ hội giáo dục, việc làm và kinh doanh. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để tổ chức các lớp học kỹ năng công nghệ cũng như kết nối tới các cơ hội việc làm và làm chủ doanh nghiệp cho các bạn trẻ trên khắp Việt Nam.

Microsoft rót 3 triệu USD vào giáo dục và kinh doanh tại Việt Nam
Microsoft trao chứng nhận cho VietNet-ICT và VCCI, hai đơn vị triển khai chương trình YouthSpark

Ông César Cernuda, Chủ tịch Microsoft khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Việt Nam là một thị trường mới nổi quan trọng đối với Microsoft tại khu vực Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng lớn. Với dân số trẻ, đông, năng động và tương tác xã hội cao, chúng tôi tin rằng Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng để tạo đà cho công nghệ phát triển và cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu. Do đó, chúng tôi đang nỗ lực trao quyền cho thế hệ kỹ thuật số của Việt Nam, giúp biến đổi tương lai và tiếp tục phát triển nền kinh tế đất nước thông qua chương trình YouthSpark của tập đoàn.”

Chương trình YouthSpark tại Việt Nam sẽ tập trung chính vào 3 lĩnh vực gồm phát triển nhân viên, mở rộng đầu tư cho thanh niên trên khắp Việt Nam và hỗ trợ các nhà lãnh đạo trẻ trong nước.

Việt Nam hiện là nơi đặt Nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft với hơn 10.000 nhân viên.

Ông Cernuda cũng cho biết, một phần của khoản đầu tư 3 triệu USD sẽ được sử dụng để tổ chức các khóa đào tạo CNTT trực tiếp cho các nhân viên nhà máy nhằm giúp họ phát triển các kỹ năng mới và khám phá những cơ hội mới.

Để triển khai chương trình YouthSpark, Microsoft đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm CNTT & Truyền thông VietNet (VietNet-ICT) và Học viện Kenan Châu Á.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh, “Khoản đầu tư mới nhất này phù hợp với những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển vốn nhân lực của đất nước và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. Đây cũng là bước tiến mới giúp đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về CNTT vào năm 2020 trong kế hoạch 10 năm phát triển ngành CNTT-TT của Chính phủ mà lực lượng thanh niên là nòng cốt chủ yếu. Chúng tôi mong được hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận trao cho thanh niên những kỹ năng CNTT cần thiết để biến điều này thành hiện thực.”

Với thế hệ sinh viên, chương trình sẽ thực hiện dạy lập trình lưu động cho khoảng 1.200 sinh viên của các trường đại học tại Bắc Ninh, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các thực tập sinh tại Nhà máy Microsoft cũng được hưởng chương trình tương tự như các sinh viên đại học.

Ngoài ra, khoảng 16.500 thanh thiếu niên thiệt thòi trên địa bàn 3 tỉnh Bắc Ninh, TP. Hà Nội và TP. HCM cũng sẽ được đào tạo trong vòng 3 năm tới. Các khóa học này sẽ trang bị các kỹ năng từ cơ bản về công nghệ số cho đến lập trình và khoa học máy tính, cũng như các cơ hội thực tập và dành học bổng.

Trước đó, từ 2013 đến nay, chương trình đã có những khóa đào tạo cơ bản về CNTT cho các giảng viên và Việt hóa bộ giáo trình CNTT dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2015, Microsoft sẽ hỗ trợ VCCI và VIETNET– ICT thực hiện dự án phát triển và nâng cao năng lực CNTT và truyền thông cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Microsoft sẽ phối hợp với với VCCI tổ chức đào tạo cho 5.000 công ty khởi nghiệp.

Theo đó, mục tiêu của dự án là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua ứng dụng được CNTT trong thương mại điện tử, kinh doanh điện tử. Dự án cũng kết nối các khóa đào tạo về kinh doanh, các khóa đào tạo của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại những quốc gia thực hiện chương trình này.

Đối tượng hưởng lợi từ dự án là các doanh nhân trẻ, các chủ hộ kinh doanh quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong độ tuổi từ 16-35.

Khẳng định hiệu quả từ mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử, ông Phùng Minh Hợp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bảo Quang cho biết, nhờ ứng dụng CNTT trong mở rộng thị trường, đến nay, mỗi năm Bảo Quang đã xuất khẩu hàng triệu sản phẩm có chất lượng cao mang đậm văn hóa dân gian qua những sản phẩm chóe, chum, bình hoa men rạn….. Thông qua ứng dụng CNTT, Bảo Quang đã có chỗ đứng trên các thị trường Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc….

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các doanh nghiệp khi số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện chiếm trên 97%, đóng góp 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước và tạo ra 62% việc làm cho người lao động, đóng góp 49% vào việc tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng cao trước nhu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN với thị trường rộng mở có dân số 600 triệu người và tổng GDP là 2.700 tỷ USD. Do đó, CNTT được xem là chìa khóa kết nối thông tin trong kinh doanh.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư