Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Miếng bánh” khổng lồ từ mô hình du lịch wellness
Anh Hoa - 07/05/2019 09:49
 
Dự báo, mô hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe và tinh thần thông qua các hoạt động thể chất, tâm lý, tâm linh (wellness tourism) sẽ bùng nổ ở Việt Nam, với doanh thu vài chục tỷ USD mỗi năm.
Các khu du lịch wellness giúp du khách tận hưởng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thư giãn, tìm kiếm sự cân bằng về tinh thần
Các khu du lịch wellness giúp du khách tận hưởng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thư giãn, tìm kiếm sự cân bằng về tinh thần

Trải nghiệm độc, lạ 

Trong không gian xanh mát hòa mình với thiên nhiên, Alba Wellness Resort mang dáng dấp của một ngôi làng Việt giữa lòng cố đô Huế. Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe này là nơi thư giãn và tận hưởng những hoạt động duy trì sức khỏe với các dịch vụ đa dạng như tắm onsen, thiền, yoga, spa trị liệu… dành cho mọi lứa tuổi.

Alba Wellness Resort là một trong ít nơi sở hữu nguồn khoáng nóng quý hiếm, được hình thành trong lòng núi Trường Sơn. Từ nguồn nước này, Alba mang đến cho du khách trải nghiệm tắm ngoài trời giữa thiên nhiên và khu onsen được thiết kế theo 7 bước tắm đúng chuẩn Nhật Bản.

“Tôi đã đến đây 2 lần cùng nhóm bạn. Được hòa mình vào thiên nhiên khiến tôi tự gột bỏ mệt mỏi, phiền muộn và áp lực cuộc sống, từ đó tái tạo năng lượng cho cơ thể, tinh thần trở nên thanh thản, lạc quan hơn. Nhiều người cho rằng, những khu nghỉ dưỡng kiểu này chỉ dành cho người lớn tuổi hay có bệnh, nhưng không hẳn như vậy. Nơi đây mang đến cho tôi cảm giác thật khác lạ”, chị Hoàng Thu An, du khách 25 tuổi đến Alba Wellness Resort chia sẻ.

Gần đây, giới trẻ Hà Nội yêu thích một địa chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 40 phút lái xe mang tên Rùa House Hilltop. Nơi đây giống như một ốc đảo tách biệt hẳn cuộc sống ồn ã thường nhật. Leo bộ khoảng 500 m lên đỉnh núi Sơn Đồng (huyện Chương Mỹ) nằm giữa bạt ngàn tre, sấu và cây ngũ gia bì đã nhiều tuổi đời, du khách sẽ thực sự thích thú với không gian trong lành, nguyên sơ, ngập tiếng chim. Rùa House Hilltop là địa chỉ thực sự hấp dẫn cho những ai muốn trải nghiệm khóa thiền trà, ăn chay, luyện Ki-Aikido.

Một trải nghiệm khác không có gì tuyệt vời hơn là được thảnh thơi tận hưởng những liệu trình chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp trong không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp tại hệ thống quần thể FLC Hotels & Resorts (Quy Nhơn), cùng gia đình ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc, sum vầy đáng nhớ…

Nếu như trước đây, khi nhắc đến “thiên đường nghỉ dưỡng, spa”, du khách nước ngoài hay đến với trung tâm chăm sóc sức khỏe Vana Malaysia Estate tại Ấn Độ, Song Saa ở Campuchia – một ốc đảo tuyệt đẹp ngay sát Việt Nam…, thì giờ đây, tại Việt Nam, không khó để du khách có thể tận hưởng một kỳ nghỉ theo mô hình này.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Wellness tourism đang dần phổ biến và ngày càng được chú trọng trong ngành du lịch Việt Nam. Thực tế, đây là khái niệm rất khó để dịch ra tiếng Việt do không có từ tương ứng. Nếu “healthy” là sức khỏe về thể chất, “spiritual” là sức khỏe về tinh thần thì “wellness” là sự kết hợp của 2 khái niệm trên.

Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), năm 2017, ngành công nghiệp phong cách sống khỏe mạnh toàn cầu đạt giá trị 4.200 tỷ USD, riêng loại hình du lịch wellness đạt giá trị 639 tỷ USD và sẽ chạm mức 919 tỷ USD vào năm 2022. Trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch wellness. Chỉ trong vòng 2 năm, số lượng chuyến đi đã tăng trưởng bứt phá, tăng đến 258 triệu chuyến mỗi năm.

Tiềm năng từ thị trường wellness khiến hầu hết những tên tuổi lớn về du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam như Vingroup, Sungroup, BIM Group, MIK Group… đều đã tham gia phân khúc này và đang triển khai khá nhiều dự án nghỉ dưỡng để bung hàng trong năm 2019.

Mới đây, Tập đoàn Novaland cho biết, năm 2019 sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản và dịch vụ du lịch. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland tiết lộ, Tập đoàn đang triển khai hệ sinh thái dịch vụ NovaTourism với 3 dòng thương hiệu chính là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld.

Thương hiệu bất động sản nhà ở lớn khác là Địa ốc Phú Long cũng lấn sân sang nghỉ dưỡng bằng loạt dự án cao cấp tại Phú Quốc và Nha Trang; Tập đoàn W.C.G Holdings xúc tiến triển khai tổ hợp dự án khách sạn, villa hạng sang quy mô 400 ha tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); DIC Corp, Grand Hồ Tràm phát triển hàng ngàn căn condotel ở TP. Vũng Tàu.

Trong khi đó, Tập đoàn Deawoo bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải; FLC Group xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000 ha tại TP. Vũng Tàu; Dự án du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam với quy mô 1.169 ha sẽ triển khai tại Bình Thuận.

Báo cáo Tiềm năng và triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang dẫn đầu nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng giai đoạn 2019 - 2020. Bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vượt trội so với nhóm các nước

Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc. Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019 - 2022. Trung bình, có 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm.

Các chuyên gia đánh giá, việc gia tăng số lượng khách sạn cao cấp góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm các nước phát triển du lịch trong khu vực, là tiền đề tốt để phát triển loại hình wellness vốn phù hợp với đối tượng khách hàng có mức chi tiêu cao, có nhu cầu dịch vụ chuyên biệt, đặc thù.

Dịch vụ wellness chiếm khoảng 17% tổng mức chi phí cho mỗi chuyến du lịch. Theo GWI, nếu ngành du lịch wellness duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm như hiện tại, sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn thế giới.

“Đây là xu hướng tích cực cho đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, vì mức chi tiêu của du khách sử dụng loại hình dịch vụ wellness tại Việt Nam cao hơn 50% so với du khách thông thường”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel khu vực Đông Nam Á nói.

Điều này chứng tỏ, xu hướng du lịch wellness không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, mà những người có thu nhập trung bình cũng có thêm nhiều lựa chọn nhờ những ưu đãi hấp dẫn từ các khu nghỉ dưỡng.

Đầu tư bắt đúng gu du khách

Các chuyên gia cho rằng, lượng cầu lớn đã có, chỉ cần được đầu tư đúng chuẩn, thì ngành du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ đem lại cả lợi ích cho nhà đầu tư lẫn du khách.

Theo bà Châu Thị Hoàng Mai, Tổng giám đốc Alba Hotel, phân khúc wellness vốn thiên về cảm nhận cá nhân của khách hàng, nên cần nhiều thời gian để đào tạo nhân viên chuyên sâu, từ đó lan tỏa được lối sống wellness cho du khách và cộng đồng.

Cụ thể, trong kỳ nghỉ, du khách sẽ được thực hành khóa học đặc biệt để tìm kiếm sự cân bằng trong tinh thần. Các chuyên gia sẽ áp dụng liệu trình chăm sóc riêng biệt, thiền, yoga, massage hàng ngày… Du khách đến những điểm du lịch nghỉ dưỡng này sẽ được hướng dẫn các bài tập để thải độc, thanh lọc cơ thể với chế độ ăn uống riêng để trẻ hóa cơ thể.

Hầu hết khu du lịch theo mô hình wellness đều được thiết kế để du khách có thể dành thời gian cho bản thân, khám phá thiên nhiên và tận hưởng sự cách biệt với cuộc sống thường ngày. Các spa với phương pháp trị liệu cũng được xây dựng trong khuôn viên khu du lịch để du khách có thể phục hồi sức lực, tìm được sự cân bằng trong tâm thức.

Khoảng 2 năm gần đây, các doanh nghiệp mở rộng các dịch vụ wellness, đầu tư tinh tế hơn, kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, tận dụng nhiều sản phẩm hữu cơ, cây cỏ thảo dược đặc trưng… để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho rằng, Việt Nam có thế mạnh để phát triển loại hình du lịch wellness nhờ nhiều nguồn tài nguyên cây cỏ, thảo dược để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp phù hợp phát triển các khu vực thể thao, tập yoga, tập gym ngoài trời..., đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách hàng yêu thích các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel khu vực Đông Nam Á, để phát triển hiệu quả mô hình wellness resort hoặc wellness tourism, Việt Nam không nên phát triển riêng lẻ theo cá nhân, tổ chức hay dự án, mà cần một chiến lược chung, phối hợp giữa cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp, nhờ đó mới có thể mang đến trải nghiệm liền mạch và tốt nhất cho du khách đến đây.

Tốc độ tăng trưởng trung bình lượt khách quốc tế (CAGR) tại Việt Nam trong một thập niên qua (2008 - 2018) đạt mức ấn tượng với 13,8%,

lần lượt cao hơn khu vực Đông Nam Á (7,7%), châu Á - Thái Bình Dương (6,4%) và thế giới (4,4%).

Nếu so với các thị trường du lịch phát triển khác, chỉ số CAGR của Việt Nam cũng cao hơn Campuchia (10,9%), Thái Lan (10,1%), Indonesia (9,7%), Philippines (8,5%) và Singapore (6,1%).

Nguồn: Savills Việt Nam
Các CEO hiến kế phát triển du lịch: Việt Nam cần có chính sách mở hơn về visa
Trong phiên hiến kế về phát triển du lịch nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra hôm 2/5, vấn đề nổi cộm được các doanh nghiệp du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư