Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Minh bạch ngành điện: Nhiều thông tin đã công khai từ nhiều năm nay
Nam Hoàng - 01/06/2019 10:36
 
Chuyên gia trong nước cũng như tổ chức quốc tế đánh giá cao mức độ công khai mà ngành điện đã làm trong thời gian qua.

Thông tin công khai, minh bạch 

Là thành viên nhiều năm tham gia Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện hàng năm do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, dư luận cũng có nhiều hiểu lầm về các quy định đã có liên quan đến giá điện, thậm chí không tìm hiểu các quy định ấy để đọc, nên có những quan điểm chưa chính xác về minh bạch trong hoạt động điện lực.

Theo chuyên gia này, quy định về cách tính giá điện được thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương nhiều năm nay. Nếu để tâm tìm đọc thì sẽ thấy rất nhiều thứ đã được giải quyết ngay. Ví dụ, đầu tư ngoài ngành được quy định rất rõ ràng là không được tính vào các chi phí liên quan đến giá điện.

“Công thức tính giá điện khá rõ ràng so với những gì dư luận đang có ý kiến. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, không phải ai đọc cũng hiểu công thức tính ấy. Đó là thứ tương đối khó hiểu với nhiều người, vì phải có một chút kiến thức về kế toán và có một số hiểu biết nhất định về ngành điện”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Nói về hoạt động của đoàn kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh hàng năm, ông Đức cho biết, thành phần của đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, VCCI, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - như vậy là tương đối ổn. Có chăng, thì nên có đại diện một số bên mua điện lớn như Hiệp hội Xi măng, Hiệp hội Thép.

“Tôi đánh giá việc kiểm tra được thực hiện khá nghiêm túc. Đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo các số liệu, sau đó kiểm tra số liệu đó có khớp không. Các số liệu này đều đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte. Đoàn kiểm tra cũng xác định có khoản nào không phù hợp được tính vào giá điện hay không; hay việc phân bổ các chi phí có chuẩn không. Các số liệu từ báo cáo đã được kiểm toán và Deloitte đảm bảo rằng, họ làm đúng nghiệp vụ kiểm toán trong quá trình đó”, ông Đức nói.

Thông thường, Đoàn kiểm tra làm việc trong 2-3 tuần ở Hà Nội, sau đó đi một vài địa phương.  

Mỗi đợt kiểm tra, các thành viên được nhận khối lượng tài liệu không nhỏ, với nhiều con số chi tiết. Thậm chí chi tiết đến mức từng khoản vay đều có bảng thống kê chi phí lãi vay, chi phí mua điện của từng nhà máy, nhân công, tiền ăn ca ra sao…

Sau khi hoàn tất kiểm tra, Cục Điều tiết điện lực cũng tổ chức họp báo, công bố các loại chi phí đó.

Dẫu vậy, đại diện VCCI cũng cho rằng, Bộ Công thương có thể công bố nhiều con số hơn dựa trên Báo cáo kiểm toán của Deloitte, báo cáo của các tổng công ty, những con số liên quan đến giá thành mua điện các nơi, thậm chí chi phí nhân công…

trang bị công tơ điện tử đo xa giúp minh bạch số liệu ngành điện
Trang bị công tơ điện tử đo xa giúp minh bạch số liệu ngành điện

Chia sẻ nhận xét này, đại diện của Hiệp hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng ghi nhận, trên thực tế, ngành điện đã bắt đầu thị trường hóa với nguồn phát điện với nhiều nhà đầu tư tham gia chào hàng.

"Do cạnh tranh nên chi phí đầu tư xây dựng nhà máy điện, chi phí vận hành nhà máy cũng minh bạch với nhiều người, nên việc tính giá thành mỗi kWh điện cũng rất dễ, không tù mù như một số ý kiến bình luận hiện nay”, vị này nói.

WB chấp nhận Báo cáo kiểm toán của EVN

Đánh giá về ngành điện Việt Nam, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ, trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới.

Trong suốt vài thập kỷ qua, tiếp cận điện năng đã tăng từ mức 50% vào năm 1996 lên 99,6% vào năm 2018.

Vừa qua, WB đã hỗ trợ chiến lược tài chính bền vững cho EVN. Ban Năng lượng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới cũng đã hỗ trợ quá trình xếp hạng tín dụng của EVN, giúp đơn vị này được xếp hạng nhà phát hành nợ (Issuer Default Rating, IDR) mức ‘BB’ với ‘Viễn cảnh Ổn định’ về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ.

Đánh giá về mức độ minh bạch của EVN - một doanh nghiệp nhà nước, đại diện WB cũng cho hay, EVN đã cung cấp cho WB và các tổ chức tài chính quốc tế khác Báo cáo tài chính hàng năm được lập theo chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big4 trước ngày 30/6 hàng năm và “chất lượng Báo cáo này được WB chấp nhận”.

Cạnh đó, ông Franz Gerner cũng khẳng định, EVN được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều đã được công bố.

"Chúng tôi cũng biết rằng Bộ Tài chính có yêu cầu EVN công bố Báo cáo tài chính theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam hàng năm. Như vậy, các ngân hàng đang hợp tác với Bộ Tài chính có thể sử dụng cả hai báo cáo để hiểu thêm tính minh bạch của các thông tin tài chính của doanh nghiệp như EVN".

“Dẫu vậy, tôi cũng cho rằng, vẫn còn không gian để ngành điện minh bạch hơn nữa thông qua công khai các phương án tính toán tăng giá điện. Hiện các phương án tăng giá điện vẫn đang nằm trong Danh mục Mật và đợt công bố dự thảo sửa đổi danh mục ngành Công thương cũng vẫn giữ nguyên điều này”, ông Đức nói.

Vì sao chọn tháng 3 để tăng giá điện?
Trước thực tế hoá đơn tiền điện trong tháng 4 có sự tăng mạnh, đã không ít người cho rằng việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện là chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư