Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Mô hình khu kinh tế tổng hợp miền Trung: Phát huy thế mạnh trên nền tảng liên kết
Ngọc Tân - 27/06/2017 10:24
 
Với lợi thế đường bờ biển dài, các khu kinh tế miền Trung có những thế mạnh cơ bản để phát triển trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn mạnh dựa trên nền tảng cảng biển - du lịch.
Bãi biển Chân Mây - Lăng cô, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung.
Bãi biển Chân Mây - Lăng cô, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung.

Gắn với cảng biển và du lịch

Đó là định hướng phát triển của hầu hết các khu kinh tế tại miền Trung hiện nay. Thậm chí, cảng biển và bãi biển đẹp được xem là yếu tố cạnh tranh mang tính chiến lược để các địa phương thu hút nhà đầu tư.

Tại Quyết định số 1874/QĐ - TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại.

Cũng tại Quyết định này, hình hài của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) và Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đã được định hướng rõ nét. Trong đó, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tập trung phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao; phát triển thành trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Với Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) được định hướng từng bước xây dựng để trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Campuchia, Lào và Thái Lan; là khu du lịch quốc gia với vai trò là một trong những trung tâm du lịch của vùng duyên hải miền Trung.

Thực tế hiện nay, khi cạnh tranh về thu hút đầu tư tại các địa phương đang diễn ra ngày một gay gắt, các khu kinh tế khác trong khu vực Miền Trung như Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam), Đông Nam (Quảng Trị)… cũng đã tập trung đầu tư vào xây dựng cảng biển, nhằm tạo cơ sở nền tảng cho thu hút nhà đầu tư, phát triển các lĩnh vực cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, chế biến sản xuất, dịch vụ logistics...

Không chỉ gắn với vai trò cảng biển, các khu kinh tế hiện nay đều đang mở rộng phạm vi sang cả lĩnh vực du lịch- du lịch nghỉ dưỡng. Điều này dễ hiểu khi tất cả các khu kinh tế trên địa bàn Miền Trung đều nằm dọc ven biển, có quỹ đất lớn, đặc biệt là sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp.

Chẳng hạn, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có bãi biển Lăng Cô, Khu kinh tế Nhơn Hội có bãi tắm Nhơn Hội, Khu kinh tế Chu Lai có biển Nam Hội An, Khu kinh tế Hòn La có bãi tắm Đá Nhảy… Đây đều là những bãi tắm được đánh giá đẹp nhất, nhì Việt Nam, do vậy, không quá khó hiểu khi những nhà đầu tư đã đổ vốn vào thực hiện các dự án lớn về nghỉ dưỡng biển ở đây. Điển hình như Laguna, Minh Viễn (Lăng Cô), FLC Nhơn Hội (Nhơn Hội), Nam Hội An… Các dự án này đã góp phần cho việc hình thành chuỗi đô thị nghỉ dưỡng ven biển miền Trung hiện nay.

Liên kết để cùng phát triển

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự đột phá, nhưng công tác thu hút đầu tư vào các khu kinh tế tại khu vực miền Trung đạt được những kết quả đáng khích lệ. Vấn đề còn tồn tại là việc các địa phương chưa xác định được lợi thế chuyên biệt của mình để tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư, hầu hết đều lấy cảng biển, sân bay… để kéo nhà đầu tư về phía mình, mà chưa có sự liên kết để phát huy thế mạnh khu vực.

Chúng ta không nên có tư duy cục bộ khép kín, mà phải nhìn vào lợi ích của toàn vùng.

Theo TS. Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), khóa XIII, quá trình phát triển vừa qua cho thấy, nếu chỉ dựa vào lợi thế tĩnh về điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương, nhằm thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, mà thiếu sự liên kết để tạo ra lợi thế động, nhằm tối ưu hoá nguồn lực hữu hạn, thì sẽ khó có thể nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Với sự quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất theo mô hình cơ cấu kinh tế tỉnh, dẫn đến sự phân tán nguồn lực và thiếu sự liên kết để giải quyết những vấn đề chung trong bài toán phát triển đã và đang đặt ra gay gắt cho mỗi địa phương.

“Vùng này có rất nhiều tiềm năng du lịch, nếu chúng ta liên kết quảng bá cho vùng, thì sẽ tạo nên hình ảnh chuỗi du lịch hấp dẫn, thay vì du lịch một điểm. Hay trong kêu gọi đầu tư, đã từng có xúc tiến đầu tư quy mô vùng, không kêu gọi riêng lẻ. Vì thế, chúng ta không nên có tư duy cục bộ khép kín, mà phải nhìn vào lợi ích của toàn vùng. Việc cuối cùng, rất quan trọng của liên kết, là đào tạo nguồn nhân lực, hình thành thị trường lao động chung”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.

Tại hội nghị bàn về việc liên kết vùng, diễn ra vào tháng 7/2016 tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến về liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo. Ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho rằng: “Nên có tăng cường liên kết, đặc biệt là hạ tầng, đường cao tốc phải gắn kết từ Huế đến Quy Nhơn. Hệ thống cảng biển, đường ven biển, sân bay lợi thế tỉnh nào cũng có, nhưng trong vùng phải có liên kết. Chính phủ cần có cơ chế đặc thù đối với vùng”.

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch góp ý, Chính phủ cần có chính sách khác biệt mang tính đặc thù so với mặt bằng chung cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để có khả năng huy động nguồn lực, phát triển vượt trội. Chính phủ nên mạnh dạn ủy quyền cho Hội đồng vùng thực hiện một số chức năng quản lý về kinh tế, thay vì phải xin - cho giữa địa phương và các bộ, ngành như hiện nay.

Ý kiến - Nhận định:

"Liên kết phải có sự điều tiết, định hướng”
Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị

Mỗi khu kinh tế có đặc điểm, tính chất, định hướng khác nhau, phụ thuộc vào sự điều hành quản lý của chính quyền, cấp uỷ địa phương. Do đó, việc liên kết phải có sự điều hành, điều tiết và quản lý gắn với vai trò của Nhà nước, Chính phủ.

Nếu liên kết thì phải xác định liên kết gì? Là liên kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, liên kết thị trường, hay liên kết trong quá trình lưu thông logistics... Có những lĩnh vực liên kết được, nhưng cũng có những lĩnh vực không thể liên kết được, vì mang tính cạnh tranh nhau, do đó phải có sự điều tiết, định hướng tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

"Muốn liên kết khu vực thì cần phải có cơ chế điều tiết của Trung ương"
Ths. Nguyễn Bá Trọng, Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển miền Trung

Muốn liên kết thì phải có một sợi dây để liên kết. Đi kèm với phê duyệt quy hoạch vùng thì phải xác định nguồn lực nào, chủ trương nào, cơ chế nào để phát huy được sự liên kết và phải xác định cho được là liên kết cái gì. Chính quyền các địa phương hiện nay hoạt động độc lập, vì thế, muốn liên kết khu vực thì cần phải có cơ chế điều tiết của Trung ương.

"Phải lựa chọn giải pháp nào để kích hoạt tiềm năng và lợi thế”
Ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên

Cũng như nhiều địa phương khác vùng duyên hải miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Phú Yên quy hoạch và phát triển KKT Nam Phú Yên với mục đích xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết hợp các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư có trọng điểm, hiệu quả. Trên cơ sở đó, KKT Nam Phú Yên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên xác định là một trong những động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Tỉnh Phú Yên nhận thấy, nếu chỉ dựa vào tiềm năng, lợi thế thôi thì chưa đủ, vấn đề là phải lựa chọn giải pháp nào để kích hoạt tiềm năng và lợi thế đó, để đưa KKT trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trên tinh thần đó, KKT Nam Phú Yên đang xây dựng hướng đi mới trong xúc tiến đầu tư.

Trước tiên, chúng tôi xác định, cần phải định vị lại lợi thế của mình và xây dựng danh mục các dự án phù hợp với sự phát triển của KKT Nam Phú Yên. Từ đó sẽ chọn giải pháp đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm lực, gõ cửa doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận với KKT Phú Yên.

Miền Trung - điểm nóng đầu tư thứ ba
Nhờ có những ưu đãi đầu tư hấp dẫn, miền Trung đã trở thành điểm thu hút đầu tư thứ ba cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư