Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Môi trường đầu tư phải cạnh tranh hơn
Nguyên Đức - 29/03/2013 14:33
 
Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục cải thiện, làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam không những thuận lợi hơn so với trước, mà phải hấp dẫn, cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.
TIN LIÊN QUAN

Đó là ý kiến chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 27/3 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những hạn chế, bất cập trong thu hút vốn FDI đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể, để sớm khắc phục trong thời gian tới.

Để thu hút, sử dụng hiệu quả FDI, cần cải thiện môi trường đầu tư và tăng sức cạnh tranh
so với các quốc gia khác trong khu vực. Ảnh: Đức Thanh

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, như tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.

Thực tế, Việt Nam đã bắt đầu có những định hướng rõ ràng hơn trong thu hút FDI thời gian tới, nhất là sau khi nhìn nhận lại những mặt được và chưa được của FDI trong 25 năm qua, và sau một thời gian, các địa phương đã cạnh tranh thu hút đầu tư và thu hút đầu tư bằng mọi giá, gây phá vỡ cả quy hoạch, chồng lấn lên nhau.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ thực hiện chiến lược mới, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do vậy, cần tạo bước chuyển mạnh để thu hút các dự án FDI có chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

“Để đánh giá đúng về những hạn chế của FDI, cần có quan điểm lịch sử, đồng thời cần có khảo sát cụ thể, không vì một số ít dự án vi phạm pháp luật mà quy kết chung cho cả khu vực FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư nêu ý kiến.

Các giải pháp thực hiện chiến lược mới thu hút FDI mới cũng đã được đề xuất. Tuy nhiên, để triển khai trong thực tế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cũng cần sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đơn cử việc hiện nay, đầu tư vào các KCN sẽ không được ưu đãi về thuế cũng là cả một vấn đề.

Ông Lê Minh Châu, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì than rằng, việc từ năm 2009, đầu tư vào các KCN không còn được hưởng ưu đãi nữa chẳng khác nào dụ nhà đầu tư vào rồi lại... cắt cổ họ.

Còn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, đã đề xuất và sẽ tiếp tục đề xuất về việc khôi phục ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Hiện nay, Bộ Tài chính đã đưa quy định này vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, song nhiều ý kiến không đồng tình về vấn đề này.

Trong khi đó, cũng liên quan vấn đề ưu đãi đầu tư, khi phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới việc thời gian qua, đích thân Thủ tướng đã phải xem xét ưu đãi đầu tư cho từng dự án, như dự án mở rộng của Samsung ở Bắc Ninh, rồi Samsung Thái Nguyên, và một loạt dự án lớn khác, để nói rằng, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam “có vấn đề”. “Chừng nào mà Thủ tướng còn phải xem xét, xử lý từng dự án như vậy, thì Việt Nam không thể cạnh tranh kịp các nước trong khu vực được đâu”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh rằng, cơ chế ưu đãi đầu tư thời gian tới phải được xây dựng sao cho đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh, để thu hút các dự án đầu tư lớn.

Một ví dụ khác, Dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới, đã đề xuất việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án có quy mô vốn từ 100 triệu USD trở lên, dự án thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh trở lên, dự án có tác động lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam mà có đề xuất được hưởng ưu đãi bổ sung… Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán, nhiều địa phương đã bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này. Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội… đều cho rằng, cần phải cân nhắc, tính toán lại quy định về phân cấp.

“Với Hà Nội, phải phân cấp ở mức cao hơn”, ông Sửu nói.

25 năm nhìn lại, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực và vai trò không thể thay thế của dòng vốn FDI. Việt Nam cũng đã xác định, sẽ “bắt” dòng vốn FDI phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mình, dựa trên cam kết sẻ chia lợi ích và thành công, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói. Nhưng cũng như Thủ tướng đã khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém cần ra sức khắc phục để có thể thu hút FDI chủ động hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Nếu không có sự đồng thuận, quyết tâm cao và sự quyết liệt triển khai ngay lập tức các giải pháp đã đề ra, thì e Việt Nam sẽ chậm chân và lại không thể chủ động thu hút FDI như mong muốn.

Hiện tại, dư luận đang trông chờ, sau Hội nghị, Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới sẽ sớm được ban hành.

Ý kiến - Nhận định

Cam kết chia sẻ lợi ích với nhà đầu tư

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chính phủ Việt Nam cam kết sẻ chia lợi ích và thành công với các nhà đầu tư. Tới đây, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút FDI. Các bộ, ngành phải rà soát, bổ sung để có chính sách ưu đãi cao, hấp dẫn với những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, lan tỏa, đẩy mạnh thu hút FDI vào các dự án đối tác công - tư (PPP), cũng như phải bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao, trước mắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao có kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng nhiều lao động… Đồng thời, cần rà soát, bổ sung chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ, ưu đãi cao hơn cho các dự án nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.

Việc phân cấp đầu tư trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh, nhưng phải đi liền với quản lý tập trung. Phải làm sao vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, vừa đảm bảo quản lý tập trung của Trung ương, vừa khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao, vừa yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm luật pháp Việt Nam và thực hiện các cam kết của nhà đầu tư.

Chúng ta cần phải vượt qua thách thức

- GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI

Các tập đoàn lớn như Samsung không phải ngẫu nhiên mà chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất của mình và đầu tư một trung tâm R&D lớn. Đây là một điển hình cần nghiên cứu kỹ. Tôi cho rằng, trong thời hiện đại, các nhà đầu tư khi đánh giá Việt Nam sẽ không chỉ nhìn ở mặt trái về thủ tục hành chính, lạm phát, mà chính là ở sự ổn định chính trị, khả năng yên tâm phát triển trong một đất nước có chiến lược rất rõ ràng. Gần đây, rất nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, EU đã vào Việt Nam. Tôi cho rằng, cơ hội mới là rất rõ, nhưng cái chính là chúng ta phải vượt qua các rào cản, thách thức.

Phải thay đổi cơ bản tư duy, phương thức quản lý, từ cách tiếp cận nhà đầu tư cho đến cấp phép, rồi triển khai dự án, thẩm tra, hướng dẫn nhà đầu tư và đánh giá hiệu quả đầu tư.

Nội lực sẽ quyết định ngoại lực

- Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Tôi cho rằng, cần phải nhấn mạnh mệnh đề nội lực quyết định ngoại lực. Chúng ta thu hút đầu tư được bao nhiêu, số lượng thế nào, chất lượng ra sao là phụ thuộc vào chính chúng ta, phụ thuộc vào các quy hoạch, chiến lược rõ ràng, phụ thuộc ở chất lượng nguồn nhân lực. Muốn thu hút đầu tư nhiều, chất lượng tốt, thì chúng ta phải chăm lo bên trong, chăm lo vấn đề quản lý, điều hành, xây dựng cơ chế chính sách…

Nên chọn những địa bàn có khả năng thu hút FDI tốt để tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Vừa rồi, Hải Phòng khởi công xây dựng Sân bay Cát Bi. Và do biết có sân bay này, mà đã có nhà đầu tư lớn tìm đến với chúng tôi.

Xúc tiến đầu tư phải tập trung hơn

- Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản

Phải thấy rằng, bối cảnh bây giờ đã khác trước, không đổi mới, cải cách môi trường đầu tư thì sẽ không thể thu hút FDI được. Các cơ chế, chính sách phải làm rõ hơn. Chẳng hạn, 10 năm nay, chúng ta nói rất nhiều đến thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nhưng mà có những chính sách gì, muốn thu hút vào những lĩnh vực nào thì lại không rõ ràng. Nhà đầu tư Nhật Bản rất băn khoăn về vấn đề này.

Để tranh thủ thu hút đầu tư của Nhật Bản, chúng ta cần chú ý xử lý tốt vấn đề thủ tục hành chính, thực hiện tốt Sáng kiến chung Việt - Nhật. Công tác xúc tiến đầu tư cũng cần phải đổi mới, tập trung hơn, chuẩn bị kỹ hơn, tránh làm theo kiểu phong trào như trước. Nên đề xuất những dự án lớn, cụ thể, nếu nhà đầu tư quan tâm thì cùng thương thảo. Và cũng nên bàn đến việc xúc tiến đầu tư mang tính chất liên vùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư