Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Môi trường kinh doanh đang cần một nghị quyết thực sự “sống”
Khánh An - 21/01/2022 09:38
 
Thực thi Nghị quyết 02/2022/NQ - CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 đang cần “thượng phương bảo kiếm”.
Đây là thời điểm doanh nghiệp cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để an tâm sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại nhà máy Woodland  	ảnh: đức thanh
Đây là thời điểm doanh nghiệp cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để an tâm sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại nhà máy Woodland ảnh: đức thanh

Nhiều mối lo cũ

Trong văn bản vừa gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ - CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi đến những kiến nghị… rất cũ.

Cụ thể, VCCI đề nghị bổ sung một số nội dung trong điều quy định chung về thủ tục hành chính, như cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này; cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần… Thực ra, đây là nội dung mà Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã đề cập, nhưng trong các nghị định có nội dung về thủ tục hành chính, VCCI luôn đề nghị nhắc lại. Có lẽ, các doanh nghiệp muốn tránh mọi rủi ro có thể phát sinh trong thực thi.

Thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng, năm 2021 so với năm 2020

-Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 44).

-Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ 73,8 điểm xuống 72,8 điểm và theo đó giảm 2 bậc từ thứ hạng 49 xuống thứ hạng 51).

-Quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc (từ 5,132 điểm xuống 4,995 điểm và giảm 6 bậc từ vị trí 78 xuống vị trí 84).

-Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 104). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bởi thực tế, khi lựa chọn các phương án quản lý nhà nước, các bộ, ngành thường có xu hướng chọn giải pháp chặt hơn.

Cũng trong Dự thảo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi bổ sung các quy định về điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi cũng đã chọn cách cấp giấy chứng nhận, thay vì hình thức không cần phải xác nhận mà Luật Đầu tư đồng thời đưa ra. VCCI đề nghị cân nhắc phương án đơn giản hơn, để giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp, đồng thời giảm gánh nặng về cấp phép cho cơ quan quản lý. Vì các điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn có thể được kiểm tra bằng hình thức hậu kiểm mà vẫn bảo đảm được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Nếu phương án này không được chấp thuận, VCCI đề nghị giảm thời gian cấp giấy chứng nhận còn khoảng 10 ngày, thay vì 35 ngày như Dự thảo, với lý do có thể áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục.

Đáng ra, những vấn đề này không còn là lo ngại của doanh nghiệp, vì trong nhiều năm trở lại đây, cam kết tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn luôn được Chính phủ đưa ra, cùng với đó là các kế hoạch hành động chi tiết, giao cụ thể cho các bộ, ngành.

Năm nay cũng vậy, trong Nghị quyết 02/2022/NQ - CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ - CP, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/1/2022.

Nhưng đến hạn, chưa phải tất cả các bộ, ngành đều thực hiện đúng.

Áp lực thực thi

Sự chậm trễ đang khiến bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cảm thấy lo lắng.

“Tác động của Covid-19 có thể sẽ tiếp tục là lý do để các bộ, ngành, địa phương chưa tập trung thực thi ngay các nhiệm vụ mà Nghị quyết 02/2022/NQ - CP giao. Có lẽ, cần một hình thức thúc đẩy thực thi, như hình thức tổ công tác của Chính phủ, với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn độc lập. Tổ này cần đủ về quyền lực và mạnh về chuyên môn”, bà Thảo lý giải.

Cũng phải nói rõ, trong phần tổ chức thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ - CP, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm tới các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trên nguyên tắc xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Thủ tướng cũng chỉ đạo thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc…

Nhưng từ năm 2020, theo bà Thảo, có thể do các bộ, ngành, địa phương chú trọng nhiều hơn tới phòng chống dịch và thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp, vì thế những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại. Theo đó, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ năm 2020 cũng bị chững lại và ít được quan tâm hơn.

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ để đề nghị tiếp tục ban hành nghị quyết thường niên về cải cách môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo tình trạng này. Nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng triển khai chậm hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi Nghị quyết còn nhiều hạn chế, trong khi đây chính là thời điểm khối doanh nghiệp càng cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành để họ an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện thành công chống dịch nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.

Chỉ riêng tình trạng thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục của hoạt động này, vì đây là nhóm các thủ tục hành chính cần được thực hiện liên thông sớm do tần suất thực hiện thường xuyên.

Tình hình này diễn ra ngay cả trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nên theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, một số giải pháp hỗ trợ chưa thật sự hiệu quả.

Hiện tại, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 đang được hướng dẫn thực thi, nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cải cách chung, rất có thể tình trạng trên sẽ quay lại.

Quan trọng là, sự chững lại, nếu có trong thực thi Nghị quyết 02, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thực thi Nghị quyết, mà tác động đến cả tốc độ phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Có cần “thượng phương bảo kiếm”?

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, cần sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực thi Nghị quyết, để tạo áp lực hành chính trong bộ máy, dưới là bộ phận cầm “thượng phương bảo kiếm” để giám sát tiến độ, chất lượng công việc.

“Vì Nghị quyết 02 năm nay chạm vào lãnh địa xin - cho của nhiều bộ, ngành”, ông Cung nói.

Có thể thấy rõ điều này khi phân tích các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/2022/NQ-CP.

Đó là, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát…

Những việc này không thể thực hiện độc lập ở một bộ, ngành nào. Ông Cung lấy ví dụ, việc rà soát sẽ không phải chỉ đề cắt giảm, đơn giản những quy định hiện hành, mà cần đánh giá, cân nhắc xem cùng một vấn đề, các quy định liên quan đang như thế nào, được thực thi ra sao, có thể đưa về một luật điều chỉnh hay không; việc tuân thủ ở các luật khác nhau có tương đồng không…

“Những cân nhắc này còn phải tính tới yêu cầu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Để triển khai hiệu quả, tôi cho rằng cần có tổ công tác của Chính phủ, với thẩm quyền để làm việc trực tiếp, thúc đẩy với các bộ, ngành liên tục. Vì nghị quyết này chỉ thực sự thành công khi luôn… sống”, ông Cung khuyến nghị.

Đầu năm 2021, khi đánh giá mô hình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kết quả cho thấy, thông qua sự theo dõi, đôn đốc và kiểm tra của Tổ công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương (trong đó bao gồm thực hiện các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh) đã có nhiều cải thiện tích cực. Đáng chú ý, Tổ công tác đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không cần thiết, bất hợp lý, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

“Thời điểm này, việc thực thi các nhiệm vụ của Nghị quyết 02/2022/NQ - CP cũng cần có áp lực trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư