Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Móng Cái tự tin bước vào năm mới
Quỳnh Nga - 02/01/2024 09:42
 
Năm 2023, kinh tế - xã hội TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là bước đệm tích cực, tạo đà để Móng Cái tiếp tục có những bước phát triển hơn nữa trong năm 2024.
Bãi Trà Cổ - bãi biển đẹp không chỉ của Móng Cái, mà còn nổi tiếng trong cả nước 	ảnh: hùng sơn
Bãi Trà Cổ - bãi biển đẹp không chỉ của Móng Cái, mà còn nổi tiếng trong cả nước ảnh: hùng sơn

Một năm thành công

Năm 2023, nền kinh tế cả nước nói chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, Quảng Ninh vẫn tạo được nhiều dấu ấn về phát triển, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Móng Cái là địa phương có đóng góp tích cực. Những lợi thế vốn có của một thành phố biên mậu được phát huy, khai thác tốt.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km được đưa vào hoạt động là “mảnh ghép” hoàn hảo cho tuyến cao tốc gần 600 km, kết nối cửa khẩu Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Từ đây, không gian kinh tế đã được mở rộng và tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển.

TP. Móng Cái hiện là trung tâm thương mại năng động, sầm uất của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối thị trường ASEAN với Trung Quốc. Đây cũng là nơi duy nhất có lợi thế “ven biên, ven biển”, có đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc; có cửa khẩu trên bộ, trên biển; là một trong hai mũi đột phá chiến lược trong phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Từ “chạm đáy” trong tăng trưởng du lịch do tác động của đại dịch Covid-19, với mục tiêu “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó; mở cửa phải an toàn; vừa làm vừa hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn” và để du lịch thích ứng linh hoạt, Móng Cái đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm du lịch đã có; chủ động tháo gỡ khó khăn trong hoạt động du lịch. Năm 2023, Móng Cái tiếp tục là “điểm đến du lịch”, lượng khách đến với Móng Cái ước đạt trên 2,5 triệu lượt, tăng 130% so với cùng kỳ, tăng trên 90% so với kế hoạch.


Quy hoạch là đi trước - mở đường, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển”; “giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, là chìa khóa thành công”. Từ đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế, nhất là xây dựng các sản phẩm mới về du lịch để TP. Móng Cái trở thành đô thị loại I trước năm 2030.

- Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái

Về đầu tư, với sự kiên trì thực hiện cơ chế lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, từ năm 2020 đến nay, vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TP. Móng Cái đạt gần 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 12.200 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm.

Thành phố đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình động lực như cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên; Cảng ICD Thành Đạt; cầu Bắc Luân II và đường dẫn, hạ tầng xuất nhập khẩu; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái; phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 2...

Thông thoáng về giao thông, cởi mở về thủ tục hành chính là những điều nhận thấy rõ ở TP. Móng Cái. Ở khối địa phương của tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, TP. Móng Cái là địa phương dẫn đầu về Chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), với 70,35 điểm và đánh giá cao ở hai nhóm chỉ tiêu: tiếp cận, minh bạch thông tin, chuyển đổi số; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Một trong những điểm nhấn trong năm qua của Móng Cái là Hội chợ Thương mại và Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15, năm 2023 (Móng Cái, Việt Nam - Đông Hưng, Trung Quốc), diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 4/12. Với sự thành công liên tiếp qua các kỳ tổ chức, hội chợ lần này tiếp tục trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các đối tác hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, du lịch. Kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng trong 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, với nhiều thành quả quan trọng.

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, TP. Móng Cái luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đặc biệt, mới đây, đình Trà Cổ, một trong những di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg, ngày 24/10/2023 về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định 3424/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với việc làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, Móng Cái đã và đang góp phầm làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của Thành phố, tỉnh, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điểm tựa vững chắc cho năm 2024

Theo ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái, năm 2023, Thành phố vẫn bám sát chủ trương chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nắm chắc thời cơ, khai thác dư địa phát triển, lãnh đạo toàn diện, có chiều sâu, đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có 15/16 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt tiến độ.

Nhờ những quyết sách đúng đắn, triển khai đồng bộ các giải pháp từ Thành phố tới cơ sở, những điểm sáng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2023 sẽ là điểm tựa, tạo động lực cho việc thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025.

Năm 2023, Móng Cái đã tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt các quy hoạch và giải phóng mặt bằng, khai thác hiệu quả dư địa về đất đai. Đến nay, TP. Móng Cái đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai có hiệu quả 4/9 quy hoạch phân khu chức năng (A1, A2, C1.1, A4.2); hoàn thành quy hoạch chung 5 xã (Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa, Bắc Sơn, Hải Sơn); đang hoàn thiện các quy hoạch phân khu A4.1, D1, A5, A6 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, sẽ trình phê duyệt 5 phân khu còn lại trong quý I/2024. Như vậy, so với các địa phương khác, Móng Cái là địa phương đi đầu trong tỉnh Quảng Ninh, với tỷ lệ bao trùm quy hoạch phân khu lớn nhất.

Cùng với đó, TP. Móng Cái đã triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 gắn với điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023, kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Đây đều là những dự án động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quy hoạch chi tiết xây dựng tạo lập quỹ đất ở cho người dân, tạo quỹ đất bố trí tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn. Nổi bật là điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị, thể dục - thể thao tại phường Hải Hòa; Quy hoạch chi tiết xây dựng đường và hai bên đường nối cửa khẩu Bắc Luân I; điều chỉnh quy hoạch khu phức hợp đô thị, công viên cây xanh kết hợp thương mại, dịch vụ tại xã Hải Xuân; Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án tái định cư Hải Hòa; Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án tái định cư tại xã Hải Xuân…

“Có thể khẳng định, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng với Móng Cái. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của tỉnh, Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, với chủ đề năm 2024 là “hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”, UBND Thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024”, ông Huy nói.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, TP. Móng Cái tiếp tục xác định, “quy hoạch là đi trước - mở đường, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển”; “giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, là chìa khóa thành công”. Từ đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế, nhất là xây dựng các sản phẩm mới về du lịch để TP. Móng Cái trở thành đô thị loại I trước năm 2030.

Theo ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, đến nay, Móng Cái có 18/20 chỉ tiêu vượt đạt và vượt tiến độ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Móng Cái lần thứ XXIV đề ra. Tận dụng tốt thời cơ hoạt động thông quan trở lại và hiệu ứng từ các dự án động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, một số vụ việc, “điểm nghẽn” đã từng bước được tháo gỡ. Thành phố cũng đã khắc phục tốt các tồn tại, hạn chế theo nguyên tắc “giữ vững ổn định để phát triển” và phương châm 5 an: “an ninh, an toàn, an sinh, an cư và an dân”; Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại thực chất hiệu quả, xây dựng “niềm tin chiến lược”, góp phần củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết giữ vững sự ổn định để cho sức bật về phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Trong hoạt động biên mậu, từ ngày 6/12/2023, cửa khẩu đường bộ Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) đã được phép làm thủ tục nhập khẩu thêm 3 mặt hàng là thủy hải sản ướp đá nhập khẩu, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm nhập khẩu, giống cây trồng nhập khẩu. Từ ngày 11/12/2023, khách sử dụng hộ chiếu và sổ thông hành du lịch biên giới chính thức được phép thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Khu vực Bắc Luân II).

Trong thời gian tới, TP. Móng Cái tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thiết thực giữ vững vị trí nhóm đứng đầu của tỉnh về Chỉ số DDCI, nâng cao chất lượng Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). “Tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay, Thành phố không còn hộ nghèo, hoàn thành chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, sửa chữa nhà cho hộ cận nghèo; đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số “hạnh phúc” của người dân được nâng lên. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, đi vào chiều sâu, là điểm sáng “hình mẫu” trong quan hệ hợp tác khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, ông Nam khẳng định.

Thúc đẩy du lịch biên giới qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc)
Ngày 1/12, tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Diễn đàn thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư