Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Một hoặc nhiều đại biểu Quốc hội có thể cùng yêu cầu Quốc hội họp bất thường
Nguyễn Lê - 14/02/2023 11:23
 
Bên cạnh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì một hoặc nhiều đại biểu có thể yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội.
.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Sáng 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Nghị quyết này dành riêng Chương II để quy định về tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thời gian qua, Quốc hội đã tiến hành 3 kỳ họp bất thường  vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo nội quy kỳ họp, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu, thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hơn, Dự thảo Nghị quyết quy định: trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi hồ sơ tài liệu về nội dung kèm văn bản yêu cầu tổ chức họp bất thường nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình.

Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì gửi văn bản yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường và nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất cụ thể về nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn bản yêu cầu có thể do một hoặc nhiều đại biểu Quốc hội cùng yêu cầu, ký tên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các yêu cầu của đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất trước đó đến trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp tiếp theo và xem xét, triệu tập kỳ họp bất thường khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường.

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật thì đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn.

Cụ thể, chỉ đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những nội dung bảo đảm các tiêu chí, điều kiện: là nội dung quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; để kịp thời thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền; không thuộc nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hồ sơ trình Quốc hội quyết định về nhân sự, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đối với người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo Luật Tổ chức Quốc hội, việc triệu tập kỳ họp bất thường phải trước 7 ngày khai mạc kỳ họp. Như vậy, có cần quy định cụ thể trong nghị quyết để đảm bảo việc triệu tập kỳ họp bất thường đảm bảo thời gian này hay không?

“Quy định như dự thảo thế này cũng không rõ yếu tố thời hạn. Phải quy định thế nào để đảm bảo quy định về thời gian. Vì nếu không quy định đúng, nếu đại biểu Quốc hội từ chối về họp thì là có cơ sở”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Tương tự, với quy định về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội cũng phải nghiên cứu quy định để đảm bảo khả thi. Ông Vương Đình Huệ nêu thực tiễn có kỳ họp bất thường chỉ nói triệu tập kỳ họp để làm công tác nhân sự chứ nội dung cụ thể thì chưa công bố được thì việc gửi hồ sơ, tài liệu cũng không thể đòi hỏi gửi trước 7 ngày.

Kỳ họp bất thường liên quan nhân sự thì không thể đòi hỏi 7 ngày như bình thường được, như kỳ họp bất thường vừa rồi, cho nên quy định phải làm sao chặt chẽ để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Sửa đổi nội quy kỳ họp để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội
Đề xuất 24 vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Nội quy, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư