Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Một năm thành công trong thu hút FDI vào Hải Phòng
Thanh Tân - 29/03/2013 00:29
 
Năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng đạt hơn 1,23 tỷ USD, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2011.
TIN LIÊN QUAN

Các dự án cấp mới chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Thành phố. Bên lề Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng về hoạt động này của địa phương.


Vốn FDI đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng. Ảnh: Thanh Tân

Thưa ông, năm 2012 được đánh giá là năm thành công trong hoạt động thu hút FDI của Hải Phòng. Ông có cùng quan điểm này?

Đó là một nhận định đúng. Hải Phòng coi đây là một điểm cộng tích cực trong hoạt động của lĩnh vực này. Nhìn nhận lại, có thể thấy, tổng vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng đạt 1,23 tỷ USD, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2011, đạt 123,3% kế hoạch thu hút FDI năm 2012. Phân chia theo địa bàn, các khu công nghiệp (KCN) có 17 dự án cấp mới, với vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm 97,8 triệu USD. Các dự án FDI cấp mới năm 2012 chủ yếu thuộc về hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, chiếm 82,05% về số dự án (32 dự án) và 99,7% về vốn đầu tư (1,11 tỷ USD).

Điều đáng quan tâm trong thu hút FDI năm qua của Hải Phòng không chỉ là tổng vốn, mà còn thể hiện ở lĩnh vực đầu tư và điểm đến của nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn kinh tế Nhật Bản có thương hiệu mạnh đã đầu tư vào Hải Phòng, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và khai thác cảng biển, tạo hiệu ứng khá tốt cho việc xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án cấp mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm 64,1% về số dự án và 98,9% về vốn đầu tư) cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Thành phố.

Một số dự án sản xuất công nghiệp có ý nghĩa quan trọng thu hút từ các tập đoàn lớn, danh tiếng của Nhật Bản, như Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe ô tô (công suất 24.700 chiếc/ngày) của Bridgestone Corporation, vốn đầu tư 574,8 triệu USD, sử dụng 102 ha đất tại KCN Đình Vũ; Dự án Sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation (công suất hàng năm: 20 triệu túi dịch truyền, 40 triệu ống thuốc tiêm, 2 tỷ viên thuốc uống…), vốn đầu tư 250 triệu USD, sử dụng 15 ha đất tại KCN VSIP; Dự án Sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox (công suất 1,3 triệu sản phẩm/năm), vốn đầu tư 119 triệu USD, sử dụng 17,67 ha đất tại KCN VSIP.

Trong số các dự án đầu tư cấp mới năm 2012, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với 16 dự án (chiếm 41,02%), vốn đầu tư 1,06 tỷ USD (chiếm 95,5%). Tiếp sau đó là Malaysia (3 dự án, chiếm 7,7%; vốn đầu tư 14,91 triệu USD, chiếm 1,3%); Hàn Quốc (7 dự án, chiếm 17,9%; vốn đầu tư 14,3 triệu USD, chiếm 1,3%); Hồng Kông (2 dự án, chiếm 5,1%; vốn đầu tư 7,9 triệu USD, chiếm 0,7%) và một số các quốc gia, vùng lãnh thổ khác có số vốn đầu tư chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, như Singapore, Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Philippines.

Hiện tại, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Hải Phòng, trong đó, Nhật Bản dẫn đầu về số dự án và số vốn đầu tư (95 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,64 tỷ USD); Hàn Quốc đứng thứ ba về số dự án (43 dự án) và đứng thứ hai về vốn đầu tư (1,06 tỷ USD).

Thu hút đầu tư đã là thành công, nhưng việc triển khai dự án trên thực tế còn quan trọng hơn. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai của các chủ đầu tư sau khi dự án được cấp phép?

Tổng vốn đầu tư thực hiện năm 2012 đạt 273,23 triệu USD, tăng 72% so với năm trước đó. Kết quả vốn đầu tư thực hiện năm 2012 tăng cao do nhiều dự án có vốn đầu tư lớn (đặc biệt là các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Đánh giá khái quát nhất, hầu hết các chủ đầu tư đều đã tích cực triển khai đầu tư, xây dựng công trình, lắp đặt máy móc, thiết bị, tuyển dụng, vận hành theo đúng tiến độ cam kết.

Tính đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 350 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,42 tỷ USD. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện bằng 45,6% tổng vốn đăng ký.

Trong 3 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/3/2013), thu hút FDI trên toàn Thành phố đạt 125,41 triệu USD. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đến Hải Phòng và đã tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động.

Khu vực doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn FDI được xác định là khu vực có tốc độ phát triển năng động nhất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

Năm 2012, trong tình hình kinh tế nói chung khó khăn, song một số doanh nghiệp chiếm tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn vẫn sản xuất ổn định, giữ mức tiêu thụ sản phẩm, doanh thu cao hơn hoặc bằng so với năm 2011, như Công ty cổ phần Cáp điện LS-Vina, Chi nhánh Công ty LG Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Yazaki... Dự án Sản xuất thiết bị văn phòng Kyocera Mita (vốn đầu tư 187,5 triệu USD) của nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã đi vào sản xuất thử từ tháng 9/2012 theo đúng tiến độ đăng ký. Sản lượng trong quý IV/2012 đạt 7.729 máy in.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp FDI trong các KCN có biểu hiện bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới, do sự tiết giảm tiêu dùng của một số thị trường, dẫn đến đơn hàng giảm.

Tổng doanh thu của khối doanh nghiệp FDI năm 2012 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 16,6%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dây điện, cáp điện, giày dép, sản phẩm plastic, hàng điện tử, hàng dệt may. Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 đạt 1,61 tỷ USD, tăng 12,18% so với năm 2011. Nộp ngân sách của khối doanh nghiệp FDI đạt 96,98 triệu USD, bằng 91,15% so với năm 2011. Số lao động trong khối FDI năm 2012 là 65.077 người (trong đó có khoảng 1.000 lao động nước ngoài), tăng 6,7% so với năm 2011.

Hoạt động thu hút FDI năm 2013 của Hải Phòng được định hướng và thực hiện thế nào?

Hải Phòng vẫn tiếp tục xác định vốn FDI là một kênh quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực kinh tế FDI sẽ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.

Năm 2013, kế hoạch thu hút FDI của TP. Hải Phòng là 1,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 310 triệu USD; các chỉ tiêu khác về doanh thu, số lao động, nộp ngân sách đều đặt kế hoạch tăng so với năm 2012, như doanh thu tăng 4%, lao động tăng 3%, nộp ngân sách tăng 13,4%.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, Hải Phòng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông qua việc công bố công khai quy hoạch không gian, quy hoạch ngành đến các nhà đầu tư; công khai, minh bạch hóa, cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính trong cấp phép và quản lý dự án ở mức tối đa; thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như hạ tầng cảng, hệ thống giao thông, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn, khu vui chơi đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tăng tính tiện ích cho nhà đầu tư trong triển khai dự án cũng như quá trình làm việc, sinh sống tại địa phương.

Hiện tại, TP. Hải Phòng đã và đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản để lập phương án thành lập các phân khu công nghiệp chuyên sâu trong một số KCN đang hoạt động thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để đón các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Thành phố đang xây dựng những chính sách phát triển nhân lực, đào tạo dạy nghề phù hợp, đặc biệt chú trọng lao động tay nghề cao, có trình độ ngoại ngữ cơ bản. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý hoạt động của các dự án FDI sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, tiến độ xây dựng, thực hiện dự án, công tác bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, như chuyển giá, gian lận thương mại…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư