Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mua sắm trực tuyến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020
Thế Hải - 16/09/2016 08:16
 
Mua sắm hàng hóa thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh như sữa, mỳ gói, dầu gội, thực phẩm, đồ uống qua kênh thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.
TIN LIÊN QUAN

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel về xu hướng thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh cho thấy, hiện nay, gần 6% hộ gia đình thành thị ở Việt Nam đã trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh ít nhất một lần trong năm và khi mua, họ có xu hướng chi tiêu nhiều gấp 3-4 lần so với mức trung bình vì họ không cần phải mang tất cả lên xe của họ.

Theo Kantar Worldpanel, hiện nay ở Việt Nam, thương mại điện tử mới chiếm 0,2% thị phần ngành hàng tiêu dùng (trong khi mức trung bình của thế giới là 3,9%). “Khoảng trống” này là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng và thiết yếu này với người tiêu dùng.

.
.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Fabrice Carrasco, Tổng giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam cho hay, thương mại điện tử sẽ đem lại lợi ích rất lớn trong việc phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Fabrice Carrasco chỉ ra rằng, thương mại điện tử rất có khả năng trở thành thương mại di động với việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh (với 80% người trẻ ở các thành phố lớn). Với một người tiêu dùng được kết nối liên tục và sống cuộc sống số, họ sẽ mong đợi nhiều hơn từ thế giới số hơn một người tiêu dùng thông thường. Họ sẽ đòi hỏi những trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn.

“Bên cạnh đó, có tới 69% hộ gia đình có các bà nội trợ đi làm, bởi thế họ có nhu cầu về sự tiện lợi trong mua sắm, tiết kiệm thời gian cho cuộc sống cá nhân”, ông Fabrice Carrasco nhấn mạnh.

Khảo sát của Kantar Worldpanel cho thấy, ở Việt Nam, thử nghiệm nhiều nhất với loại hình mua sắm trực tuyến này là nhóm người trẻ tuổi và khá giả.

Trong những năm gần đây, kênh siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi là loại hình nổi lên nhanh chóng ở Việt Nam, với sự gia tăng của hàng loạt chuỗi cửa hàng như Circle - K, Vinmart +, Family Mart…, phục vụ một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đô thị. “Nếu như sự xuất hiện của loại hình mới này đã và đang góp phần vào sự phát triển của kênh mua sắm hiện đại ở khu vực thành thị, thì nhiều  nhà làm marketing, các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất đang kỳ vọng, thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ là một kênh đầu tư hiệu quả và có xu hướng phát triển trong tương lai”, báo cáo của Kantar Worldpanel chỉ ra.

Minh chứng rõ nhất của việc đáp ứng xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng tăng đó là, lần đầu tiên sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu làm đẹp đến từ Nhật Bản, Shiseido Cosmetics Vietnam đã chính thức bán hàng qua kênh online cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Adayroi.com.

Như vậy, ngoài hệ thống cửa hàng đặt tại các thành phố lớn, từ nay, người tiêu dùng có thể tìm mua sản phẩm làm đẹp chính hãng từ thương hiệu này qua hình thức trực tuyến.

Cũng giống như việc người tiêu dùng của các nước đang phát triển tiếp cận với màn hình LCD thay vì ti-vi thông thường, do vậy, người tiêu dùng cũng có thể chuyển sang kênh thương mại điện tử mà không cần thông qua các giai đoạn phát triển của thương mại hiện đại. Rõ ràng, đây chính là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến và tận dụng lợi thế về thương hiệu của mình trên thị trường hiện nay. Đó có thể là các nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Amazon hay Lazada, những đơn vị đã tạo ra bước tiến lớn đầu tiên trong việc đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến ở Việt Nam bằng cách làm việc nhiều hơn với các nhà sản xuất để đưa các sản phẩm tiêu dùng nhanh vào danh sách bán hàng trực tuyến.

Theo thông tin từ sàn thương mại điện tử Adayroi.com của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce - một thành viên của Vingroup, dù mới gia nhập thị trường tháng 8/2015, nhưng đã có tổng lượng hàng hóa lên đến 200.000 sản phẩm, đến từ 4.000 nhà cung cấp trong và ngoài nước, mức độ tăng trưởng 961%. Mỗi tháng có khoảng 140.000 đơn hàng được giao dịch.

Các nhà bán lẻ cho rằng, thương mại điện tử đang nở rộ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh là một xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người. Trong đó,  doanh số thương mại điện tử B2C (loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư