Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Mục tiêu chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh
Như Loan - 16/08/2022 19:39
 
Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp và hỗ trợ các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng và cần có những bước chuyển dịch cơ cấu và nguồn lực phù hợp.

Để có cơ sở tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực cho ngành năng lượng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đồng chủ trì với Bộ Công thương tổ chức "Hội thảo tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh" vào sáng ngày 17/8/2022 tại Hà Nội.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.

Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Việt Nam phải vượt qua thách thức phục hồi trong và sau COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Quan điểm của Đại hội XIII là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Phiên tọa đàm tại chương trình có sự tham gia Điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Phiên tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả đến từ Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải; các tổ chức: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam, Viện KHCN quốc tế Việt Nam – Nhật Bản.

Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí.

Chính phủ phê duyệt 8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư