Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 11 năm 2024,
Mục tiêu kinh tế - xã hội 2019: Không được bàn lùi
Hà Nguyễn - 05/07/2019 08:58
 
Một lần nữa, tinh thần quyết liệt thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày hôm qua (4/7).
Nghe bài viết này tại đây :
.
Nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ đã được đặt ra nhằm đưa nền kinh tế bứt phá trong năm 2019.

Tinh thần đó được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là “không ai được bàn lùi”, mà phải “bàn tiến” để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Và không chỉ là “đạt”, mà phải “phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức” các chỉ tiêu đã được Trung ương và Quốc hội giao, với tinh thần “bứt phá và toàn diện”. Cũng cần nhắc lại rằng, cuối năm ngoái, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,6 - 6,8%, nhưng bằng tinh thần quyết liệt, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng trên (6,8%), thậm chí cao hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng, năm 2019, tăng trưởng kinh tế phải đạt mức cao hơn con số 7,08% của năm 2018.

Thực hiện mục tiêu này, ngay từ khi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô được ban hành, các kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng. 

Nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ cũng đã được đặt ra nhằm đưa nền kinh tế bứt phá trong năm 2019.

Nhưng quý I, quý II, rồi 6 tháng đầu năm, bối cảnh kinh tế thế giới biến động quá nhiều, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế khó khăn hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam qua từng quý đã không đạt được mục tiêu của kịch bản cao.

Qua 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 6,76%. Song đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Hơn thế, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, động lực hỗ trợ tăng trưởng vẫn được duy trì ở cả phía cung và phía cầu…

Xu hướng là tích cực, nhưng nếu nói đến sự bứt phá thì là chưa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Chính phủ trong phiên họp ngày hôm qua, đã đề cập vấn đề này.

Thực tế, có quá nhiều yếu tố “níu” sức bật của nền kinh tế. Từ sự tăng trưởng chậm lại của cả 3 khu vực kinh tế, đến tăng trưởng xuất khẩu không cao như kỳ vọng. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng, nhưng không đạt tốc độ bứt phá như cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do nhiều ngành chiếm tỷ trọng lớn như sản xuất sản phẩm máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, dệt, may, da giày… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Mặc dù việc đạt mức tăng trưởng cả năm 6.8% không phải là quá khó khăn, nhưng nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao là “toàn diện và bứt phá” đòi hỏi từ nay tới cuối năm, cả hệ thống chính trị phải tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Đặc biệt, quý III/2019 là quý rất quan trọng, có tính chất quyết định. Trong quý này, nền kinh tế phải tăng tốc hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng ít nhất đạt 6,91%, đồng thời vẫn phải duy trì mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.

Nhiệm vụ là nặng nề. Nếu không nỗ lực, nền kinh tế không thể bứt phá, không thể tạo đà cho sự tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2020 - năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển 5 năm 2016-2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011-2020. Bởi thế, như chỉ đạo của Thủ tướng, trong bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, tiếp tục diễn biến khó lường, tất cả các bộ, các ngành, các địa phương phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành… Càng không được để tình trạng “nói hay, làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp”.

Một khi cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân vào cuộc, tất yếu khó khăn cũng sẽ qua đi, nền kinh tế có thể bứt phá như kỳ vọng.

Kinh tế Việt Nam đang diễn biến tích cực, nhưng phải lường trước các rủi ro
Dù kinh tế Việt Nam vẫn trong xu thế tích cực, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, song những cảnh báo về việc phải lường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư