Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với một số đối tác châu Á trước hạn chót ngày 1/8
Đông Phong - 24/07/2025 17:41
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác, những thỏa thuận này được kỳ vọng làm giảm bớt áp lực thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Đạt thỏa thuận với Nhật Bản, Philippines và Indonesia

Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã công bố một thỏa thuận vào ngày 23/7, theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, thấp hơn 10% so với mức thuế đối ứng 25% mà ông Trump công bố đầu tháng 4.

Thuế quan 15% mang lại sự nhẹ nhõm đáng kể đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota và Honda, khiến cổ phiếu của họ niêm yết tại Tokyo tăng vọt hai con số.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr tại Nhà Trắng vào ngày 22/7/2025 để phác thảo một thỏa thuận thương mại mới và thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr tại Nhà Trắng vào ngày 22/7/2025 để phác thảo một thỏa thuận thương mại mới và thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước. Ảnh: AFP

Ngoài đạt thoả thuận với Nhật Bản, Tổng thống Trump cũng công bố các thỏa thuận thương mại với Philippines và Indonesia. Sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Tổng thống Trump cho biết thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Philippines sẽ phải chịu mức thuế 19%, giảm 1% so với mức 20% mà ông đe dọa trước đó, theo tờ Global News.

Indonesia cũng sẽ phải chịu mức thuế 19%, thấp hơn mức 32% mà Tổng thống Trump đã tuyên bố gần đây sẽ áp dụng, và nước này phải cam kết xóa bỏ gần như tất cả các rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Thời gian đàm phán với Trung Quốc có thể được kéo dài

Washington đang đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hạn chót ngày 12/8 với Bắc Kinh có thể bị hoãn lại một lần nữa để hai bên có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán.

Bộ trưởng Bessent cho biết Mỹ và Trung Quốc dự kiến tổ chức một vòng đàm phán khác vào đầu tuần tới tại Thụy Điển. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết một chuyến thăm Trung Quốc có thể sẽ sớm diễn ra, ám chỉ những nỗ lực nhằm ổn định quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Một thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố vào tháng 6/2025 đã mở đường cho Bắc Kinh dỡ bỏ một số hạn chế đối với xuất khẩu đất hiếm, khoáng sản thiết yếu dùng cho công nghệ cao và các ngành sản xuất khác. Trước đó, vào tháng 5, Washington đã đồng ý giảm mức thuế quan 145% đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30% trong 90 ngày, trong khi Bắc Kinh nhất trí giảm mức thuế quan 125% đối với hàng hóa Mỹ xuống còn 10%.

Việc hoãn áp thuế của hai nước cho phép các công ty có thêm thời gian để cố gắng tránh mức thuế quan có thể tăng cao hơn, thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc và giảm bớt một số áp lực lên lĩnh vực sản xuất của nước này.

Chưa có thỏa thuận nào cho Hàn Quốc và các nước châu Á khác

Áp lực đang gia tăng lên một số quốc gia ở châu Á và các nơi khác khi thời hạn ký kết thỏa thuận với Mỹ, tức ngày 1/8, đang đến gần.

Chính quyền Tổng thống Trump vẫn tiếp tục áp dụng thuế quan cao đối với thép và nhôm nhập khẩu, trong khi nhiều quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc và Thái Lan, vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ. Nhìn chung, các nhà kinh tế cho rằng mức thuế quan này chắc chắn sẽ kéo giảm tăng trưởng ở châu Á và thế giới.

Kể từ đầu tháng này, Tổng thống Trump đã gửi thư nêu rõ mức thuế quan cao hơn mà một số quốc gia sẽ phải đối mặt nếu họ không đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo rằng các nước sẽ phải đối mặt với mức thuế quan thậm chí còn cao hơn nếu họ trả đũa bằng cách tự tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, mức thuế của Hàn Quốc được Mỹ ấn định là 25%. Hàng nhập khẩu từ Myanmar và Lào sẽ bị đánh thuế 40%, Campuchia và Thái Lan là 36%, Serbia và Bangladesh là 35%, Nam Phi và Bosnia và Herzegovina là 30% và Kazakhstan, Malaysia và Tunisia là 25%.

Hiện vẫn chưa rõ tiến triển đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ, nhưng tiến độ dường như phụ thuộc vào ngành nông nghiệp được bảo hộ chặt chẽ của quốc gia Nam Á này. Ngành nông nghiệp Ấn Độ đang phải đối mặt với mức thuế quan 26%.

Hầu như các quốc gia đều phải chịu mức thuế cơ sở 10% đối với hàng hóa của họ xuất khẩu sang Mỹ kể từ tháng 4, bên cạnh các mức thuế khác mà Washington áp dụng theo từng ngành hàng riêng biệt.

Các nhà kinh tế dự đoán thuế quan sẽ kìm hãm tăng trưởng của các bên ngay cả khi đạt được các thỏa thuận thương mại.

Ngay cả sau khi Tổng thống Trump rút lại mức thuế quan khắc nghiệt nhất mà ông từng đe dọa, sự tấn công dữ dội của bất ổn thuế quan và chi phí cao hơn đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đã làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của họ trong năm 2025 và sau đó.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương xuống còn 4,7% vào năm 2025 và 4,6% vào năm 2026, giảm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước.

ADB cho biết triển vọng của khu vực có thể càng trở nên u ám hơn do sự leo thang của thuế quan và xung đột thương mại. "Các rủi ro khác bao gồm xung đột và căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng giá năng lượng", cùng với sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Tương tự, các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tỏ ra kém lạc quan hơn khi dự báo mức tăng trưởng của Đông Nam Á và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á đạt 3,8% vào năm 2025 và 3,6% vào năm tới.

Mặc dù các quốc gia trong khu vực đã có động thái bảo vệ nền kinh tế của mình trước cú sốc thương mại từ Mỹ, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những bất ổn đáng kể, theo ông Dong He, chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO.

"Tiến độ đàm phán thuế quan không đồng đều và khả năng mở rộng thuế quan sang các sản phẩm khác có thể làm gián đoạn thêm các hoạt động thương mại và gây áp lực lên tăng trưởng của khu vực", ông Dong He lưu ý.

Tổng thống Trump: Mỹ đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ với Indonesia, áp thuế quan 19%
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/7 cho biết ông đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Indonesia, theo đó sẽ áp dụng mức thuế 19%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư