Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Na Chi Lăng - Trái ngọt vùng biên ải
Phương Linh - 16/08/2023 18:02
 
Na Chi Lăng thường được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót, đi qua Chi Lăng vào mùa thu hoạch na, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân cheo leo trên những ngọn núi để thu hoạch trái chín.

Nếu như trước đây, bà con canh tác theo kiểu tự nhiên, có đến đâu bán đến đó thì hiện nay cây na đã được chăm sóc bài bản hơn, quy mô hơn và đem lại giá trị cao hơn, tiêu biểu nhất là rải vụ. Do đó, na Chi Lăng đã trở thành thương hiệu của tỉnh và nổi tiếng khắp cả nước, giúp nhiều người dân không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn ăn nên làm ra.

Na Chi Lăng được ví như "vàng" mọc trên núi đá vôi.

Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng. 

Việc liên kết tạo thành vùng sản xuất không chỉ giúp người trồng na đứng vững trước giá cả thị trường mà còn giúp họ cải thiện từng chi tiết trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng trọt. 27 hộ dân trồng na theo chuẩn VietGAP tại đây đều có chất lượng đồng đều, có chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền. 

Điều này gần như tạo nên “thương hiệu” mà thương lái không thể ép giá. Đó là cách mà nông dân Chi Lăng đã tự mình vượt qua điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, mang lại thu nhập tăng đều hàng năm.

Theo đó, năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha.

Người dân Chi Lăng vận chuyển na từ những ngọn núi đá vôi xuống dưới mặt đất bằng hệ thống cáp treo tự chế.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, nơi trồng nhiều na nhất tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm trước đây, na chỉ chín tập trung trong vòng 1 tháng, tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn với địa phương và bà con nông dân.

Trước những thách thức đó, lãnh đạo huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai một số đề tài để giải quyết vấn đề này. Đề tài đầu tiên là nghiên cứu canh tác rải vụ na và đề tài sử dụng chế phẩm AVG để kéo dài thời gian chín của quả na. Sau 2 năm nghiên cứu đã có kết quả rất tốt và đã chuyển giao kết quả này cho bà con thực hiện. 

“Điều này đã làm áp lực tiêu thụ giảm đi rõ rệt, ngoài ra giá na về cuối vụ có xu hướng tăng dần, giúp người nông dân nâng cao được giá trị kinh tế của cây trồng này”, ông Lương Thành Chung nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này tại các vườn na ở huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) rất nhộn nhịp. Người dân liên tục hái na, di chuyển bằng xe máy đưa ra vườn nhập cho các thương lái, hoặc người mua đã đặt trước.

Là chủ vườn na bở, có khoảng 700 gốc cây, ông Lê Hải Dũng (vườn na số 6, thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trung bình mỗi năm trước tôi bán được khoảng 6 tấn na, năm nay ước tính sản lượng sẽ nhiều hơn. Theo ông Dũng, mỗi ngày khách đặt hơn một đến hai tạ na.

“Mặc dù na bở rất khó chăm sóc, nhưng đổi lại giá thành sẽ gấp đôi na dai. Năm nay giá na bở cao hơn năm trước, khoảng 120.000 đồng/kg, nhưng tôi và nhiều hộ dân ở đây không lo na ế, vì khách hàng rất ưa chuộng”, chủ vườn na ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết thêm.

Để quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm Na Chi Lăng năm 2023, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu Na Chi Lăng bao gồm: Tổ chức chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” vào ngày 19/8, tại chợ Nông sản, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng; tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Không dừng lại ở đó, huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung luôn nỗ lực tìm đường cho na Chi Lăng bước vào thị trường truyền thống. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu nông sản số một của nước ta, trong đó có na Chi Lăng. Tuy nhiên, na Chi Lăng sang Trung Quốc chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch, nhỏ lẻ và hiệu quả không cao, thương hiệu cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Hiện nay, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Trong thời điểm thị trường ổn định, na Chi Lăng được bán với giá từ 35.000 đồng đến 120.000 đồng/ kg. Trong đó:
Loại nhỏ: 35.000 đồng - 40.000 đồng/ kg.
Loại nhỡ: 55.000 đồng - 60.000 đồng/ kg.
Loại to: 85.000 đồng - 120.000 đồng/ kg.
Đây là một mức giá không thấp nhưng nó xứng đáng với chất lượng, thương hiệu và công sức của người nông dân.
Đưa 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để chinh phục khách hàng
TP.HCM đang tiến tới xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP để giúp mọi người hiểu sản phẩm hơn cũng như nắm bắt nhu cầu tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư