Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Năm 2021, đặt trọng tâm khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế
Hà Nguyễn - 10/09/2020 07:26
 
Chưa thể tính tới việc tăng trưởng cao trong năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như Chiến lược 10 năm 2021-2030. Mục tiêu “khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế” là quan trọng nhất.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đã gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế. Trong ảnh: Chế biển thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc. Ảnh: Đức Thanh
Làn sóng Covid-19 thứ hai đã gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế. Trong ảnh: Chế biển thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc. Ảnh: Đức Thanh

Cú chốt 2020 đầy khó khăn

Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020 sắp kết thúc bằng “cú chốt 2020” không thật sự suôn sẻ, nếu không muốn nói là quá khó khăn. Các kịch bản kinh tế liên tục được thay đổi và rất khó dự báo, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Ngay cả kịch bản mới đây nhất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, rất có thể, cũng sẽ không phải là hiện thực, nếu như có bất cứ diễn biến bất ngờ nào của đại dịch.

Mặc dù vậy, vào thời điểm này, ít nhiều, bức tranh kinh tế 2020 đã rõ nét hơn. Và theo như kịch bản kinh tế mới nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, tăng trưởng GDP quý III dự báo sẽ khoảng 1,04-1,69%, còn tăng trưởng GDP 9 tháng là 1,51-1,76%. Trong khi đó, sang quý IV, ở phương án thấp, tăng trưởng kinh tế là 2,06%, còn phương án cao là 2,86%. Cả năm, với phương án thấp, con số là 1,69%, còn với phương án cao, là 2,12%.

Kịch bản được xây dựng như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong điều kiện cho phép, thì phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%. Song để đạt con số này, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trên thực tế, không phải cho đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kịch bản tăng trưởng cập nhật, mà trước đó, nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra mức 2-3%. “Tôi cho rằng, tăng trưởng 2-3% trong năm nay là khả năng cao nhất. Và đây vẫn là một mức tích cực trong bối cảnh hiện nay”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nói như vậy.

Nếu tăng trưởng kinh tế chỉ là 2-3%, có nghĩa một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất năm 2020 đã không hoàn thành, ảnh hưởng đến cả việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2016-2020, cũng như Chiến lược 2011-2020. Điều này, cộng thêm những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng như những bất ổn, khó dự báo của kinh tế toàn cầu khiến cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trở nên khó khăn hơn.

Kinh tế 2021 sẽ thế nào?

Đây là câu hỏi rất khó trả lời, đối với cả kinh tế toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây còn đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ còn “nhiều năm tháng khó khăn ở phía trước”, đặc biệt là khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 đang không ngừng tăng lên. Cả IMF và Ngân hàng Thế giới đều cảnh báo về rủi ro của một cuộc khủng hoảng nợ mới. Còn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bày tỏ sự lo ngại khi thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý II/2020.

Kinh tế Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi vòng xoáy đó, nhất là sau cú bồi thêm của Covid-19 vào tháng 7/2020. Làn sóng Covid-19 thứ hai này đã gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Khu vực này đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động cộng hưởng của hai lần dịch bùng phát, chưa có thời gian để hồi phục.

Kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề như vậy, nên khi dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc “tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Mới chỉ là bản sơ thảo ban đầu, sẽ còn qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, song rõ ràng, ở thời điểm này, mục tiêu “khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế” là quan trọng nhất. Chưa thể tính tới việc tăng trưởng cao ở ngay trong năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như Chiến lược 10 năm 2021-2030.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bước đầu đề xuất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 6,7%. Tuy nhiên, kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, quý IV, cả năm 2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội. Trong đó, lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.

Cuối tháng 7/2020, khi Chỉ thị 31/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 được ban hành, mức tăng trưởng 7% đã được đề cập. Nhưng nay, các con số đã bắt đầu thay đổi. Điều này cho thấy sự thận trọng của Chính phủ trong xây dựng kế hoạch cho năm tới, đồng thời cho thấy tính bất định của nền kinh tế lớn như thế nào. Vì thế, câu hỏi “kinh tế 2021 sẽ thế nào” thực sự càng rất khó trả lời.

Được biết, khi dự thảo Kế hoạch năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tới 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng gần gấp đôi so với số chỉ tiêu của giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đáng chú ý có các chỉ tiêu như Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, Tỷ trọng kinh tế số trong GDP, Tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng…

Việc bổ sung các chỉ tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Kế hoạch hàng năm và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025), đồng thời tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hằng năm với đánh giá giữa kỳ và 5 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký ban hành phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 3/9/2020 về việc ban hành phương án Tổng điều tra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư