Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 09 năm 2024,
Nam Định xây dựng 5 huyện đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Phương Liên - 04/09/2024 08:37
 
Sau 5 năm trở thành một trong 2 tỉnh nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Nam Định vẫn tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu có và thịnh vượng. Tỉnh phấn đấu, năm 2024 có 4 huyện nông thôn mới nâng cao và 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao,  kiểu mẫu, ngày 12/8/2024
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ngày 12/8/2024

Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng

Năm 2019, tỉnh Nam Định được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đây là tiền đề, lợi thế quan trọng để Nam Định tiếp tục xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, xây dựng môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành các nghị quyết triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư cải thiện hạ tầng, giáo dục, y tế. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 82/KH- UBND và các kế hoạch, quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc sở, ngành, địa phương thực hiện.

Các huyện ủy, thành ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề; các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của đông đảo người dân Nam Định.

Từ đó, phong trào xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như được thổi một làn gió mới, động lực mới, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh.

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy các cách làm hay, ý nghĩa. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”; Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Thông qua phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong đóng góp làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, các mô hình sản xuất theo hướng bền vững.

Sau những nỗ lực, phấn đấu, tỉnh Nam Định liên tiếp đón tin vui. Đến năm 2024, Nam Định có 199/204 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40/188 xã (chiếm 21,2%) được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Giao Thủy là huyện đầu tiên của Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hạ tầng nông thôn huyện Giao Thủy ngày càng được đầu tư đồng bộ hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Hạ tầng nông thôn huyện Giao Thủy ngày càng được đầu tư đồng bộ hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Giao Thủy - huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên

Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân. Diện mạo nông thôn Giao Thủy thay đổi mạnh mẽ, sáng - xanh - sạch - đẹp. Kinh tế phát triển khá, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư hiện đại, khang trang. Văn hóa, y tế, giáo dục phát triển.

Đặc biệt, Giao Thủy trở thành điểm đến thu hút đầu tư. Huyện đã thành lập Cụm công nghiệp Thịnh Lâm và Cụm công nghiệp Giao Thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp như Công ty May Thiên Sơn, Công ty Sản xuất thiết bị điện Sotek, Công ty Sản xuất da giày Tuấn Việt...

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Tỉnh Nam Định đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long 1.100 ha tại huyện Giao Thủy. Khu công nghiệp Hải Long sẽ thu hút những dự án lớn, sử dụng công nghệ cao, tạo nguồn thu cho ngân sách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm tiếp theo.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện triển khai theo hướng hiện đại, hữu cơ, tuần hoàn. Tổ chức chăn nuôi an toàn, đưa vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định vào sản xuất. 20/22 xã, thị trấn đều có sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, tiêu biểu như sản phẩm gạo Đài thơm 8 và Bắc thơm 7 là sản phẩm gạo chất lượng cao của Giao Thủy; sản phẩm lạc sen đỏ, khoai tây, củ cải của xã Giao Phong; sản phẩm muối sạch của xã Bạch Long…

Toàn huyện có 11 vùng trồng lúa tập trung (395 ha) tại 11 xã, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng. Huyện Giao Thủy có 108 sản phẩm OCOP với 9 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Giao Thủy đạt tới 90 triệu đồng, 100% số xã đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đang được tích cực triển khai xây dựng với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Điển hình là các dự án cải tạo, xây mới cầu Diêm, cầu Giao Hà, cầu Giao Nhân, tuyến đường Lạc Lâm, Thiện Lâm, kè Giao Sơn, khu du lịch biển Quất Lâm. Các tuyến đường trọng điểm quốc gia và của tỉnh như đường bộ ven biển, tỉnh lộ 484 đang được tích cực triển khai, khi hoàn thành sẽ tạo động lực mới, tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế cho Giao Thủy.

Phấn đấu thêm 5 huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Mục tiêu phấn đấu thêm 5 huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được khẳng định trong Hội nghị Triển khai xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu do UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 12/8/2024. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, ông Trần Anh Dũng yêu cầu huyện Giao Thủy tập trung phấn đấu đến đầu tháng 12/2024 hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương xét công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

“Các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Nam Trực đã cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo quy định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tiêu chí thành phần chưa đạt. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn hoàn thiện”, ông Trần Anh Dũng nhấn mạnh.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu huyện Trực Ninh, Xuân Trường phấn đấu hoàn thành hồ sơ công nhận nông thôn mới nâng cao trong tháng 10/2024; huyện Hải Hậu phấn đấu hoàn thành hồ sơ trong tháng 12/2024; huyện Nam Trực phấn đấu hoàn thành trong quý I/2025, trong đó chú ý vấn đề xử lý môi trường tại các xã có nghề truyền thống.

Tinh thần quyết tâm không ngừng nghỉ của Nam Định trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là minh chứng cho chủ trương nhất quán của tỉnh, đó là phát triển kinh tế - xã hội luôn đi đôi với nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Nam Định đang cùng cả nước viết nên những trang mới về sự phát triển phồn thịnh của nông thôn Việt Nam.

Nam Định: 17/17 hộ dân Cồn Xanh đồng thuận bàn giao mặt bằng
Hiện tại, 17/17 hộ dân trong phạm vi dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư