Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Năm gợi ý chiến lược với Khu kinh tế mở Chu Lai
- 16/08/2013 08:06
 
Những việc đã làm được 10 năm qua ở Khu kinh tế mở Chu Lai, tuy còn khiêm tốn, nhưng là đúng hướng và tích cực. Để Khu kinh tế mở Chu Lai  thực sự trở thành một điểm điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần có những giải pháp mang tính chiến lược.
TIN LIÊN QUAN

Năm gợi ý chiến lược với Khu kinh tế mở Chu Lai

Mười năm (2003-2013)  đã đi qua rất nhanh. 10 tuổi đối với một khu kinh tế mở (KKTM) có thể nói là vừa dài, vừa không dài.

   
  Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Nam  

Dài vì 10 năm đủ để một KKTM hình thành và trưởng thành, như Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc)…, song lại không dài vì những điều kiện thực tế của nước ta còn hạn chế và bối cảnh quốc tế 5 năm gần đây rất khắc nghiệt. Như vậy, có thể nhận xét rằng, những việc đã làm được ở KKTM Chu Lai tuy còn khiêm tốn, hạn chế, nhưng là đúng hướng và tích cực.

Thành công là cơ bản

KKTM Chu Lai đã hình thành khung cơ bản cả về quy hoạch, mặt bằng, hạ tầng, một số cơ sở kinh tế quan trọng, tổ chức bộ máy quản lý. KKTM Chu Lai đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam, chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Nam. KKTM đã có thử nghiệm và rút được kinh nghiệm, thấy được vấn đề cần giải quyết và hướng phát triển sắp tới để tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động. Đồng thời, KKTM đã kiến nghị với Trung ương giải quyết những vướng mắc, tồn tại về thể chế, cơ chế, chính sách, đầu tư, đồng thời tiếp tục mở rộng sự hợp tác với các địa phương trong vùng, cả nước và tích cực thu hút vốn FDI.

Xét toàn diện, có thể nói, KKTM Chu Lai cơ bản đã thành công, tạo được nền tảng nhất định để tiếp tục tiến lên phía trước.

Những công việc cần tập trung làm  

Dựa trên cơ sở thành công bước đầu của KKTM, xin đề xuất một số ý kiến về những công việc mà KKTM Chu Lai cần tập trung làm trong thời gian tới.

Một là, xác định rõ thêm mô hình KKTM Chu Lai; khẳng định những định hướng đã đề ra từ đầu, đây là một khu kinh tế tự do thật sự theo những chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, có những đặc điểm và quy định mới về thể chế, Việt Nam vẫn phải kiên trì tuân thủ và đi đầu thực hiện những cam kết của mình khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các định chế khác mà Việt Nam đã tham gia. Đặc biệt, là Việt Nam đang và sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới, cùng với áp dụng những quy chế về khu kinh tế tự do tốt nhất trên thế giới. Chỉ làm tốt, tốt hơn, ở mức cao hơn chứ không làm kém hơn, dù có khó khăn trong bước đầu. Vấn đề này cần được xem là cốt lõi của việc xây dựng, hoàn thiện, thực thi các thể chế, cơ chế trong KKTM. Mọi sự cản trở cần được nỗ lực giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của KKTM và đặc biệt đề xuất với Trung ương chỉ đạo và cho tổ chức thực hiện.

Hai là, hiện đang bàn nhiều về đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, có thể xem đây là một cơ hội lớn mà Quảng Nam và KKTM Chu Lai cần và có thể tranh thủ đi đầu thực hiện. Những vướng mắc về tư duy, quan điểm, chính sách cần có sự đột phá có thể thông qua thí điểm để rút kinh nghiệm và đi tới định hình.

Ba là, thể chế dù rất quan trọng, quyết định, song chỉ mới trả lời câu hỏi “làm thế nào”, dù rằng đây là câu hỏi khó nhất mà lâu nay ta thường không giải quyết được. Vấn đề quan trọng tiếp theo được đặt ra là “làm gì” cho đúng mục tiêu, định hướng, đúng với thế mạnh, lợi thế của KKTM Chu Lai đặt trong cả tỉnh Quảng Nam, phù hợp với điều kiện thực tế của KKTM, của tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác của các tỉnh khác và hợp tác quốc tế. Nói một cách khác, KKTM Chu Lai sẽ tiếp tục phát triển những ngành, lĩnh vực, cơ sở gì để có hiệu quả nhất, trước hết và chủ yếu là hiệu quả kinh tế, đi đầu nâng cao sức cạnh tranh.

Bốn là, một định hướng rất quan trọng là phải tạo ra sự khác biệt, đặc thù về cơ cấu kinh tế của mình, không thể có sự trùng lặp bất hợp lý với những nơi khác, nhất là ngay trong khu vực, địa bàn liền kề để gây ra sự cạnh tranh không cần thiết và làm giảm hiệu quả. Cần giữ lại những gì đã làm, đã có và phát huy hết hiệu quả của chúng, trừ những trường hợp đặc biệt, thì cần điều chỉnh một cách hợp lý theo mục tiêu chiến lược và nhu cầu của thị trường.

Năm là, một điểm quan trọng nữa là định ra những việc, những cơ sở cần làm mới. Quy hoạch cần định hướng, dự báo về những việc đó, nhưng cuối cùng, vẫn phải theo nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới luôn biến động. Chỉ những nhà đầu tư trực tiếp biết cần và có thể làm gì. Ban quản lý KKTM cần tìm mọi cách để xúc tiến đầu tư, đi sâu vào các thị trường để tìm đối tác, nhất là các đối tác chiến lược.

Những gợi ý về mặt chiến lược

Với cách nhìn chiến lược, xin được đề xuất một số gợi ý sau:

Thứ nhất, hướng chủ chốt của cơ cấu kinh tế trong KKTM là kinh tế công nghệ cao, tiến dần đến kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Do đó, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa công nghiệp và dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ chất lượng cao, với nông nghiệp. Trong mối quan hệ này, dịch vụ có phần phục vụ công nghiêp, nông nghiệp về đầu vào, có phần dựa vào công nghiệp và nông nghiệp, chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Tiến tới tỷ trọng dịch vụ cao hơn công nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp ngay trong KKTM và ở ngoài KKTM. Chú trọng phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng biển...), viễn thông, đào tạo, chuyển giao công nghệ để phục vụ cho cả vùng. KKTM liên kết với Đà Nẵng, Quảng Ngãi về vận tải hàng không, vận tải biển.

Thứ hai, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ có công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong KKTM đã có công nghiệp ô tô thì cần làm phụ tùng đi đôi với phát triển cơ khí chế tạo tinh xảo. Nếu KKTM có ý định đầu tư vào công nghiệp điện tử, thì cần đầu tư làm cả linh kiện, không phải tất cả, nhưng cố gắng làm được những gì có thể làm được trong chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu. KKTM Chu Lai sẽ phát triển các ngành chế biến từ nguyên liệu của các nhà máy lọc hóa dầu ở ven biển miền Trung (Dung Quất, Phú Yên, Bình Định, Nghi Sơn) và chế biến sản phẩm nông, ngư nghiệp.

Thứ ba, theo quy hoạch, KKTM Chu Lai còn một diện tích rất lớn (trên 70%) là nông thôn, với trên 50% là nông dân và ngư dân sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Vì thế, cần phát triển khu vực này theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, tập trung vào sản xuất thực phẩm (thịt cá, rau quả…) với chất lượng cao, sản phẩm sạch để cung ứng cho KKTM và thị trường bên ngoài, nâng cao đời sống của nông dân, ngư dân. KKTM có thể học tập công nghệ, kinh nghiệm và hợp tác với Israel trong lĩnh vực này (như Công ty cổ phần Sữa TH ở Nghệ An đã làm).

Thứ tư, để phát triển công nghiệp và dịch vụ, KKTM Chu Lai cần có một số doanh nghiệp lớn làm nòng cốt, trong đó thu hút mạnh doanh nghiệp FDI; đồng thời khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng có công nghệ cao, liên kết với nhau để có sức mạnh như doanh nghiệp lớn, hoặc làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn. Kinh tế nông, ngư nghiệp chủ yếu là dựa vào trang trại cùng hộ gia đình, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ.

Thứ năm, xây dựng một trường đại học quốc tế trong KKTM Chu Lai để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay cho KKTM và cho cả tỉnh và khu vực; gắn trường đại học này với doanh nghiệp để làm khu công nghệ cao.

Trên cơ sở có thể chế hiện đại cả về kinh tế lẫn hành chính, xây dựng cho được một bộ máy quản lý KKTM cũng có tầm hiện đại như nhiều khu kinh tế trên thế giới, trong đó yếu tố quyết định là tuyển chọn được những cán bộ, nhân viên có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực điều hành giỏi, bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, trong sạch không tham nhũng. Tổ chức Đảng và công tác Đảng cần được xây dựng thật sự phù hợp với yêu cầu và tính chất của KKTM, tạo ra mô hình mới về mặt này.

Trung ương coi việc xây dựng và phát triển KKTM Chu Lai là việc không chỉ của Quảng Nam, mà có sự chỉ đạo chặt chẽ trong từng việc lớn và từng bước phát triển; yêu cầu các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ cần thiết, quyết tâm thực hiện cho được các quyết định của Bộ Chính trị và Chính phủ về KKTM Chu Lai, sau 5 năm nữa tạo được mô hình hoàn chỉnh góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển của cả nước. Nếu điều kiện cho phép, có thể xem xét việc mở rộng KKTM Chu Lai thành một thành phố kiểu mới, một điểm điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

(*)  Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS. Lưu Bích Hồ (*)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư