Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Năm “ông lớn” thua lỗ, cứu hay không?
Mạnh Bôn - 04/11/2016 10:54
 
Đó là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi 5 dự án tai tiếng (Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam và Đạm Ninh Bình) bị nhiều đại biểu Quốc hội lên án do đầu tư kém hiệu quả.

Thưa ông, dù sao cũng thua lỗ rồi, vấn đề bây giờ là có cứu 5 dự án này hay không?

Sau nhiều lần điều chỉnh, nâng tổng mức đầu tư, đến bây giờ, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất 2.200 tỷ đồng; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II  8.000 tỷ đồng; Bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) 3.000 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình 12.000 tỷ đồng. Nhìn số tiền đầu tư quá lớn (32.200 tỷ đồng), nhiều người cho rằng, cần tiếp tục bỏ vốn ra để cứu, nếu không sẽ bị mất, có ý kiến là không cứu, vì càng bỏ tiền thì càng mất thêm, nên cho thanh lý, được đồng nào hay đồng đó.

Tôi cho rằng, người nói cứu, người nói buông, tất cả đều là cảm tính, nhận định chủ quan, vì chưa ai có phương án tài chính cụ thể.

.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hộ

Bắt đầu từ Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, quan điểm của ông thế nào?

Việc sản xuất ethanol làm nguyên liệu sản xuất xăng, dầu sinh học để bảo vệ môi trường là đúng và cũng theo xu hướng của thế giới. Nhưng sau khi doanh nghiệp đã đầu tư thì chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học chưa thỏa đáng, trong khi đó, Nhà nước không có cách gì bắt người tiêu dùng sử dụng xăng, dầu sinh học thay cho nhiên liệu truyền thống.

Để cứu các nhà máy sản xuất ethanol thì phải tìm được đầu ra cho sản phẩm xăng sinh học bằng chính sách thuế, tuyên truyền, thuyết phục, giải thích để người dân sử dụng nhiên liệu sinh học. Khi có được đầu ra thì các nhà máy này sẽ sống lại mà cũng không cần Nhà nước bỏ thêm tiền vào.

Thế còn Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ?

Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do muốn được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi không chỉ phải được sản xuất tại Việt Nam, mà nguyên, vật liệu, vật tư cũng phải có xuất xứ tại Việt Nam hoặc các nước tham gia hiệp định. Dệt may là ngành Việt Nam có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu, vì vậy, đầu tư sản xuất xơ sợi với mong muốn làm chủ nguyên liệu dệt may là đúng.

Thay vì mua hạt nhựa (PE) để sản xuất ra sản phẩm, Xơ sợi Đình Vũ lại tinh chế sản phẩm dầu mỏ thành hạt nhựa, sau đó mới sản xuất ra xơ sợi. Để tinh chế sản phẩm dầu mỏ thành các sản phẩm khác, không chỉ cần công nghệ rất tiên tiến, mà còn cần một đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề rất cao để vận hành thiết bị, dây chuyền vô cùng phức tạp. Xơ sợi Đình Vũ “chết” vì không có nguồn nhân lực này và trong nhiều năm nữa Việt Nam cũng không có đủ nguồn nhân lực làm chủ dây chuyền, thiết bị, máy móc. Vì thế, theo tôi, hoặc là Xơ sợi Đình Vũ bắt đầu quá trình sản xuất sản phẩm từ hạt PE hoặc phải thuê chuyên gia, lao động kỹ thuật có trình độ ở nước ngoài vào làm việc.

Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập phân bón mà Nhà máy đạm Ninh Bình bị “chết” là do đâu?

Là do sản phẩm không cạnh tranh được với chính sản phẩm trong nước sản xuất, chứ chưa nói gì đến sản phẩm nhập khẩu do suất đầu tư quá cao.

Bây giờ phải phân tích xem vì sao suất đầu tư của dự án này lại cao: do đầu tư hạ tầng quá lớn, do nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, do công nghệ không phù hợp hay do phải vay vốn thương mại để đầu tư với lãi suất quá cao? Chỉ có câu trả lời chính xác mới tìm được hướng xử lý.

Vậy còn Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Bột giấy Phương Nam?

Đối với Dự án Gang thép Thái Nguyên rất khó nói, vì vốn đầu tư cho dự án này là vốn vay nước ngoài theo hiệp định giữa hai Chính phủ.

Bột giấy Phương Nam chết là do sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu cây đay, không phù hợp với công nghệ, dây chuyền, máy móc. Nếu cho nhà máy này giải thể, “bán sắt vụn” như nhiều đề xuất thì quá đơn giản, dù Nhà nước phải mất đi tới 3.000 tỷ đồng. Nhưng phải xem hàng vạn nông dân ở khu vực trồng nguyên liệu cho nhà máy này chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả hơn không, nếu hiệu có thì có thể giải thể, phá sản. Ngược lại thì phải thay đổi công nghệ, thiết bị, dây chuyền máy móc để phù hợp với nguồn nguyên liệu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc PVtex
Sau khi nhận được báo cáo của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) về việc ông Vũ Đình Duy, Thành viên HĐQT Vinachem, cựu Tổng giám đốc Công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư