Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nắm vững 4 nguyên tắc khi đầu tư ra nước ngoài
Bảo Giang - 27/09/2013 08:40
 
Bên lề Hội nghị Đầu tư ra nước ngoài và cơ hội giao thương quốc tế vừa diễn ra tại TP.HCM, bà Đỗ Thị Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Luật InvestPro - một doanh nghiệp có thâm niên tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài,  đã chia sẻ về những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.  Doanh nghiệp Việt nhận diện cơ hội đầu tư ra nước ngoài  

Thưa bà, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp hay vướng vào những vấn đề pháp lý nào?

Về mặt pháp lý, doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ thủ tục phải như thế nào. Thủ tục đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc xin giấy phép đầu tư tại nước ngoài thì thủ tục nào trước, thủ tục nào sau. Nhiều doanh nghiệp rất lúng túng về vấn đề này.

Bà Đỗ Thị Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Luật InvestPro

Doanh nghiệp cũng không biết rõ về quy định pháp luật, không nắm được trình tự thủ tục và cần phải làm gì. Tiếp đến, là doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ điều kiện để có thể đầu tư ra nước ngoài.

Chẳng hạn, nhiều khi doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần có một đối tác để đầu tư ra nước ngoài, hoặc ký hợp đồng hợp tác là được, trong khi còn phải có nhiều điều kiện khác đi kèm, như phải có số vốn bao nhiêu, năng lực tài chính như thế nào và phải được thẩm tra về năng lực tài chính thì mới được cấp phép…

Với vai trò là đơn vị tư vấn, công ty bà có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

Trước hết, công ty cần phải tư vấn rõ ràng về thủ tục xin giấp phép đầu tư ra nước ngoài. Ở Việt Nam, phải làm gì, phải đáp ứng những điều kiện nào; cơ sở pháp lý và điều kiện pháp luật để đáp ứng các điều kiện này như thế nào. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn họ cách xin giấy phép đầu tư ở nước ngoài và phải có địa chỉ đầu tư cụ thể ở nước ngoài, vì có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài, nhưng mới chỉ dừng ở ý tưởng, nên họ cần được tư vấn cả lộ trình.

Nếu cần đưa ra một lời khuyên cho doanh nghiệp các bước cần thực hiện trong đầu tư ra nước ngoài, thì bà sẽ nói gì?

Doanh nghiệp phải tiến hành theo một số bước cần thiết nhất định.

Bước một, doanh nghiệp cần phải xác định địa điểm đầu tư, quy mô đầu tư, xây dựng trước phương án đầu tư ở nước ngoài, dự báo về tính khả thi của dự án.

Bước hai, doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư tại nước ngoài và xin giấy phép tại Việt Nam.

Một điều rất quan trọng là khi thực hiện đầu tư, hoặc có ý định đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần phải nắm vững 4 nguyên tắc.

Đó là nắm vững luật pháp nước sở tại; nắm vững luật pháp, văn bản hướng dẫn và ưu đãi của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài; hiểu rõ các hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định song phương và đa phương và cuối cùng là phải có một đơn vị tư vấn đầu tư một cách tận tâm, có năng lực và có trách nhiệm.

Đơn vị tư vấn là người đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Nói cách khác, đơn vị tư vấn chính là “bạn đồng hành” cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án đầu tư.

Việc hiểu biết và tranh thủ các hiệp định bảo hộ đầu tư, các hiệp định song phương, đa phương của Việt Nam với các nước là điều còn mới với nhiều doanh nghiệp. Theo bà, công ty tư vấn có thể tư vấn hoặc tìm những văn bản này ở đâu?

Cần lưu ý và đặc biệt quan tâm đến các hiệp định song phương, vì chúng rất có ích cho nhà đầu tư. Điểm đặc biệt là các hiệp định này chỉ ra được các lĩnh vực khuyến khích đầu tư cụ thể, các chính sách ưu đãi đầu tư hoặc được bảo hộ một cách cụ thể.

Ở góc độ tư vấn, chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt hoặc chúng tôi sẽ tìm hiểu và cung cấp cho doanh nghiệp thông tin này một cách đầy đủ và thiết thực nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm các văn bản cần thiết ở Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công thương.

Viettel Global với ván cờ tăng vốn
Viettel Global đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thêm 300 triệu USD cho kế hoạch đầu tư ra nước ngoài.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư