Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng chần chừ bán nợ cho VAMC
Hà Tâm - 14/09/2013 08:30
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành liên tiếp 2 thông tư về mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các ngân hàng vẫn e dè với việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). VAMC “tắc” vì điều kiện mua nợ khắt khe

Vì nhiều lý do, các ngân hàng vẫn e dè với việc bán nợ cho VAMC

Ẩn số ngân hàng bán nợ

NHNN vừa ban hành Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC và Thông tư 20/2013/TT-NHNN quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC. Theo đó, điều kiện mua nợ đã dễ thở hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết: “Hai thông tư này đã nới lỏng nhiều về điều kiện mua nợ.

Đặc biệt, việc gỡ bỏ quy định nợ xấu phải có ít nhất 65% tài sản đảm bảo là bất động sản và cho phép trái phiếu đặc biệt được tái cấp vốn tối đa lên tới 70% là điều kiện tốt để VAMC nhanh chóng mua nợ xấu”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cũng cho rằng, quy định về tài sản đảm bảo trước đây khiến ngân hàng chỉ có thể bán “nợ tốt” cho VAMC, nên việc bãi bỏ quy định này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng bán nợ hơn.

Dẫu vậy, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay, dù điều kiện đã nới, song không có nghĩa là ngân hàng dễ bán nợ và VAMC dễ mua nợ.

“Bán nợ cho VAMC có nhiều cái lợi, song nếu giấu được nợ thì vẫn tốt hơn, vì không phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ. Chưa kể, nhiều ngân hàng đang thừa vốn, nên cũng không có nhu cầu bán nợ để vay tái cấp vốn.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên phải bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, ngay sau khi VAMC ra đời, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố nợ xấu dưới 3%/năm. Đến thời điểm này, chỉ có 2 ngân hàng tuyên bố sẵn sàng bán nợ cho VAMC, đó là ACB và Navibank.

“Nhiều ngân hàng chắc sẽ vẫn ngần ngại bán nợ cho VAMC, vì lo ngại uy tín của ngân hàng mình sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Sau mua nợ, VAMC sẽ làm gì?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, VAMC hoạt động chậm hơn 2 tháng so với dự tính, nên năm nay chỉ có thể xử lý được khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu, bằng một nửa so với mục tiêu 70.000 tỷ đồng đề ra trước đây.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, hiện vẫn còn hơn 3 tháng nữa mới hết năm 2013, nên mục tiêu 30.000 tỷ đồng hoàn toàn khả thi. Dù vậy, hiệu quả xử lý của VAMC sẽ chỉ dừng lại ở việc mua nợ, còn việc bán nợ, xử lý các khoản nợ sẽ chỉ được tiến hành từ năm sau.

“Hàng chưa mua được, thì chưa thể nói đến chuyện bán, sớm cũng phải sang năm. Hiện nay, nhiều người đang hy vọng nước ngoài sẽ mua nợ xấu của Việt Nam. Tuy nhiên, NHNN chưa có động thái gì về việc bán nợ cho nước ngoài và muốn bán được cũng không đơn giản, vì Việt Nam chưa hình thành được thị trường mua bán nợ. Trước mắt, VAMC bắt tay vào mua nợ để lấy kinh nghiệm đã, rồi sẽ tính đến chuyện bán sau”, ông Hiếu phân tích.

Một vấn đề nữa khiến nhiều người băn khoăn là hiện chưa có thông tư liên tịch giữa NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp về xử lý tài sản đảm bảo. Khi chưa có thông tư này, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ rất khó thực hiện.

“Vướng nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay là quy định về xử lý tài sản đảm bảo quá rối rắm, phức tạp và kéo dài. Thậm chí, nhiều trường hợp chúng tôi kiện ra Tòa, Tòa án đã có phán quyết, nhưng vẫn không thể thu hồi được nợ, bởi tắc ở khâu thi hành án. Vì vậy, nếu có sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương về xử lý tài sản đảm bảo, tôi tin rằng, không chỉ VAMC có thể xử lý nhanh nợ xấu, mà các ngân hàng thương mại cũng có thể tự xử lý được một phần đáng kể nợ xấu của mình”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại kiến nghị.

Pvcombank dự kiến sẽ bán nợ cho VAMC
Theo nội dung của Đề án hợp nhất vừa được công bố, ngân hàng hợp nhất giữa PVFC và Western Bank dự kiến hoạt động vào tháng 10/2013. Năm 2013,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư