Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Ngân hàng chuyển nguy cơ đổ vỡ sang doanh nghiệp?
Mạnh Bôn - 29/09/2014 18:21
 
() Đánh giá rất cao kết quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, song chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào chiều nay, 29/9, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự lo lắng, thiếu an tâm khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng, tái cơ cấu chưa đạt hiệu quả rõ rệt
TIN LIÊN QUAN

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Huỳnh Nghĩa khẳng định hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi, tốc độ tăng trưởng của hầu hết lĩnh vực có nhiều dấu hiệu khả quan có công sức đóng góp rất lớn của chính sách tiền tệ.

  Ngân hàng chuyển nguy cơ đổ vỡ sang doanh nghiệp?  
  Đại biểu Huỳnh Nghĩa  

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong những tháng đầu năm nợ xấu có xu hướng gia tăng, nếu không giải quyết quyết liệt nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay khó đạt được, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế không chỉ năm nay mà còn cả những năm tiếp theo.

“Theo thông lệ quốc tế, nợ xấu của ngân hàng dưới 3% mới được coi là an toàn. Trong khi đó, nợ xấu của chúng ta sau một thời gian được kiểm soát, tính đến cuối tháng 7 là 4,11%/tổng dư nợ, với con số tuyệt đối là 162,2 ngàn tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2013 là 3,61%. Điều này cho thấy việc kiểm soát nợ xấu chưa thực sự hiệu quả”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó theo Đại biểu Phùng Văn Hùng, trong số khoảng 50 ngàn doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động trong những 9 tháng đầu năm có tỷ lệ không nhỏ phải đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động là do không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, mà nguyên nhân sâu sa là do nợ xấu.

Ông Hùng cũng ghi nhận và đánh giá rất cao kết quả đạt được trong xử lý nợ xấu thời gian vừa qua, song ông vẫn giữ nguyên quan điểm “nợ xấu vẫn tiếp tục là cục máu đông đang cản trở doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng".

“Phải chăng chúng ta chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu để thanh toán nợ xấu?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

“Có thể khẳng định hệ thống ngân hàng đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất cho vay, tăng dự trữ ngoại hối, kiềm chế lạm phát… nhưng tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm vẫn thấp, có thời điểm tăng trưởng tín dụng hầu như không tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến không tăng được tín dụng là do nợ xấu vẫn cao, ngân hàng vẫn dè dặt cho vay khiến doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn”, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh lên tiếng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, so với thời điểm 31/12/2013, tính đến ngày 22/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93%; huy động vốn tăng 9,79%; tín dụng tăng 6,62%.

Tín dụng tăng trưởng chưa cao, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình có nguyên nhân chủ yếu là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh…

Với tình hình này, ông Bình dự báo, đến cuối năm nay, tín dụng chỉ có thể tăng trưởng 10%, tức là thấp hơn mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 12%.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, năm nay đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng 12% là rất khó khăn, bởi muốn đạt được mục tiêu này thì tốc độ tăng trưởng 3 tháng cuối năm phải tăng 5,38%, bình quân mỗi tháng phải tăng 1,8% tức là tăng hơn 2,4 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của 9 tháng đầu năm (0,74%/tháng).

“Thừa nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp có nguyên nhân quan trọng là sức cầu yếu, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng không kém là trước đây các ngân hàng quá dễ dãi cho vay khiến nợ xấu gia tăng. Nhưng hiện nay, thay vì cho nhiều doanh nghiệp vay, ngân hàng chỉ chăm chăm cho vay đối với doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, có dự án đầu tư hiệu quả còn lại là đầu tư vào trái phiếu chính phủ và từ chối các khách hàng khác, kể cả khác hàng “ruột” trước đây đã từng gắn bó với ngân hàng”, ông Cương cho biết.

  Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  
  Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  

Vừa trở về từ Diễn đàn Kinh tế mùa thu (tổ chức tại Ninh Bình), ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đem khá nhiều thông tin của các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn này để chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

“Tín dụng tăng trưởng thấp không chỉ khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại mà họ còn lo ngại hơn nữa là hiện tại nguồn vốn đang chảy lòng vòng, luẩn quẩn chứ không đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Minh chứng là, huy động tăng cao hơn cho vay rất nhiều, chứng tỏ đã có một nguồn vốn khổng lồ được đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ”, ông Phúc dẫn chứng.

Theo ông Phúc, việc ngân hàng tập trung vào kênh trái phiếu chính phủ là do lo ngại đổ vỡ một khi nợ xấu gia tăng.

“Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ thống ngân hàng đang đẩy nguy cơ đổ vỡ, đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt động từ ngân hàng sang cộng đồng doanh nghiệp. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động gia tăng trong khi tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng ngày càng vững chắc vì thắt chặt cho vay, đồng thời gia tăng đầu tư vào kênh đầu tư tuyệt đối an toàn là trái phiếu chính phủ”, ông Phúc dẫn chứng.

Ông Phúc cho rằng nguyên nhân khiến nền kinh tế hấp thụ vốn ngân hàng không như kỳ vọng là lãi suất vẫn còn cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh hiện nay. “Thống đốc có tự tin trong việc kiềm chế lạm phát, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế không?”, ông Phúc đặt câu hỏi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư