Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng đề xuất nới “room” tín dụng
Thùy Vinh - 05/07/2013 07:22
 
Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch xin tăng “room” tín dụng để đón đầu nhu cầu vốn doanh nghiệp sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm.
TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2013, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,1% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ năm 2012 tăng 7,51%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,18%; tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 20/6 ước tăng 3,31%.

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của SeABank mới đạt khoảng 4%

Tính đến thời điểm này, tăng trưởng dư nợ tín dụng của không ít ngân hàng vẫn ở mức thấp và chưa sử dụng hết “room” cho phép.

Nhưng với kỳ vọng nhu cầu vốn của doanh nghiệp dần được cải thiện trong những tháng cuối năm, không ít ngân hàng đã có kế hoạch kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin tăng room.

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của SeABank mới đạt khoảng 4% (chỉ tiêu cả năm là 12%). Tuy nhiên, để đón đầu nhu cầu vốn cuối năm, cũng như tình hình tín dụng đang có chiều hướng cải thiện, SeABank sẽ kiến nghị NHNN tăng “room” tín dụng lên 16% từ sau quý III/2013.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, ông Lê Thành Trung, Phó giám đốc HDBank cho hay, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của HDBank đạt mức 8,2% (chỉ tiêu cả năm là 12%). Vì thế, HDBank cũng đang có kế hoạch trình NHNN xin tăng “room” tín dụng và nếu được, sẽ xin nâng lên 20% để có dư địa mở rộng hoạt động cho vay, nhất là trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2013 khi vụ mùa kinh doanh đang cận kề.

Cũng theo đánh giá của ông Trung, nhu cầu vốn của khách hàng đã có phần cải thiện, xu hướng lãi suất cho vay cũng dần giảm theo diễn biến lãi suất huy động sẽ là cơ hội để tăng trưởng tín dụng.

Tương tự, Sacombank cũng đã có kiến nghị NHNN xin tăng “room” tín dụng từ mức 12% (đầu năm nay) lên 20% để có dư địa cho vay và đã được NHNN chấp thuận vào đầu tháng 6/2013.

Phó chủ tịch HĐQT Sacombank ông Nguyễn Gia Định cho biết, chiến lược của Sacombank là tập trung đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ, nên Ngân hàng chú trọng nhiều vào các khoản vay của khách hàng cá nhân, nhất là đối với tín dụng bất động sản. Lợi thế mà Sacombank có được trong việc đẩy mạnh chiến lược bán lẻ là có mạng lưới rộng.

Không chỉ Sacombank, SeABank, HDBank kiến nghị nới “room” tín dụng, một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang rục rịch xin tăng “room” so với chỉ tiêu.

Nếu năm 2012, “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng được NHNN phân giao ngay từ đầu năm dựa trên năng lực của từng ngân hàng, thì năm nay, đã có sự thay đổi theo hướng mở. Tuy vẫn còn “room” về tăng trưởng tín dụng, song NHNN khuyến khích ngân hàng thương mại đưa vốn ra thị trường để hỗ trợ kịp thời nhu cầu của khách hàng, đồng thời xu hướng lãi suất cho vay cũng theo diễn biến giảm dần xuống mức phù hợp.

Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm hơn so với trước, nhưng các ngân hàng cho biết, lãi suất sẽ còn điều chỉnh giảm thêm, trong đó 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đã đưa lãi suất của các khoản vay xuống dưới 13%/năm. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mặc dù thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa an toàn. “Ngân hàng không nên lo ngại thừa tiền, vì với nguồn vốn huy động dồi dào, cùng sự ổn định thanh khoản của hệ thống sẽ là cơ sở để giảm thêm mặt bằng lãi suất huy động, cho vay”, Thống đốc Bình cho biết.

Trên thực tế, lãi suất đã giảm so với trước đây, nhưng không phải nhà băng nào cũng có thể đẩy mạnh tăng trưởng hoạt động cho vay. Vì thế, dù NHNN sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tăng “room” tín dụng khi ngân hàng có nhu cầu xin thêm, nhưng theo lãnh đạo một số nhà băng, trước diễn biến thị trường hiện nay (hàng tồn kho chưa có dấu hiệu giảm, nhu cầu vốn của khách hàng không tăng), thì dù lãi suất đã giảm xuống mức thấp, tín dụng vẫn ì ạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư