
-
Vietinbank, BIDV lùi thời gian họp cổ đông thường niên 2025
-
Giá vàng SJC tăng thêm 1 triệu đồng lên gần 102 triệu đồng/lượng
-
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước
-
Doanh nghiệp lo ngân hàng “mua rẻ, bán đắt” USD
-
Tín dụng sẽ tăng dần trong các quý tới -
ĐHĐCĐ NCB: Tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 19.000 tỷ đồng năm 2025
Vốn rẻ, “hòn than” bất động sản lại nóng
Nếu không khẩn trương cơ cấu lại phân khúc thị trường bất động sản và kiểm soát chặt dòng vốn, thì “hòn than” bất động sản đầu cơ lại cháy, rủi ro không chỉ với người mua cuối cùng, mà còn gây hệ lụy cho cả nền kinh tế.
![]() |
Dù hiện nay vốn chưa thật rẻ, song lãi suất cho vay đã giảm nhiệt khá nhiều so với trước và đang ở vùng thấp nhất trong vòng 20 năm. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, triển vọng thị trường bất động sản phục hồi… khiến làn sóng đầu cơ bất động sản bắt đầu tăng nhiệt.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau 2 năm vật lộn vì lãi suất cao và tín dụng bị siết chặt, thị trường bất động sản đã dần hồi phục và có dấu hiệu bật tăng khi ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặt bằng lãi suất giảm và chủ trương bơm mạnh vốn hơn vào nền kinh tế đang kích thích kênh đầu tư bất động sản.
Tuy vậy, VARS cho rằng, cơn sốt đất đang xảy ra có sự tác động của các nhóm đầu cơ và cảnh báo hiện tượng sốt ảo, nhà đầu tư cần thận trọng. Cụ thể, thời gian gần đây, lợi dụng việc điều chỉnh bảng giá đất mới, nhất là thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng FOMO (sợ bị đứng ngoài cuộc), kích thích nhu cầu mua bất động sản.
Xu hướng “săn” đất tại những khu vực có quy hoạch sáp nhập, phát triển hạ tầng là rõ rệt nhất. Tại một số địa phương có kế hoạch sáp nhập vào các tỉnh, thành phố lớn có mặt bằng giá đất cao hơn hoặc dự kiến là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập, giá đất không ngừng nhảy múa, thậm chí thiết lập “đỉnh” mới.
Từ đầu năm đến nay, “cò đất” hoạt động nhộn nhịp, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố vùng ven Hà Nội, như tuyến huyện/xã tại Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương... Tại phía Nam, các khu vực có dòng vốn hạ tầng lớn, như Bình Thạnh, Long An, Bình Dương, cũng đang ghi nhận làn sóng giao dịch tăng trở lại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, việc tiền đang chảy mạnh vào bất động sản không hẳn xấu, bởi muốn tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, không thể không phát triển thị trường bất động sản, xây dựng. Tuy vậy, chuyên gia này cũng thừa nhận, đang có tình trạng vốn chảy vào bất động sản đầu cơ.
“Điều này cho thấy, việc cấu trúc lại phân khúc thị trường bất động sản rất quan trọng. Nếu thị trường bất động sản thiếu sản phẩm để đầu tư và tiêu dùng, người dân sẽ lao vào đầu cơ”, TS. Bình cảnh báo.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu nóng trở lại như trước thời điểm xảy ra đổ vỡ trái phiếu Tân Hoàng Minh năm 2022, song việc sốt nóng cục bộ hơn và chỉ diễn ra ở một số phân khúc. Các chuyên gia cảnh báo, một số phân khúc bất động sản đầu cơ đang như “hòn than” cháy trở lại, được chuyền tay nhau với độ nóng ngày càng gia tăng và hậu quả người cầm cuối cùng sẽ phải gánh chịu, kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo ngại, nếu thị trường bất động sản, vàng tiếp tục nóng như từ đầu năm đến nay, thì không loại trừ tiền nhàn rỗi sẽ chảy khỏi ngân hàng, khi đó mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế rất khó khăn. Thêm vào đó, việc giá nhà đất quá cao sẽ khiến cầu vay mua nhà ở thực chậm lại.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm nay, thị trường bất động sản đứng trước triển vọng phục hồi tốt hơn năm ngoái. Tuy nhiên, giá bất động sản đang khá cao và cần có giải pháp để mặt bằng giá điều chỉnh phù hợp hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng tốt, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành, song chủ yếu tăng ở bất động sản kinh doanh (cho vay chủ đầu tư). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản (cho vay cá nhân mua, sửa nhà) vẫn phục hồi chậm.
Mặc dù thị trường bất động sản phục hồi ở một số phân khúc, song với giá nhà, giá đất tăng phi mã, thu nhập tăng chậm, mức lãi vay thấp (3-5%/năm) chủ yếu áp dụng 3-6 tháng đầu, sau đó thả nổi (9-13%/năm), thì người vay mua nhà dễ rơi vào bẫy nợ nần.
Hiện nay, theo tính toán của VARS, để mua một chung cư 60 m2 ở Hà Nội, hộ gia đình trẻ phải bỏ ra 5 tỷ đồng. Nếu chọn vay ngân hàng khoảng 2,5 tỷ đồng (một nửa giá trị ngôi nhà) trong vòng 20 năm, người mua phải trả ngân hàng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Muốn đảm bảo được an toàn tài chính cho khoản vay này, mỗi tháng hộ gia đình hoặc cá nhân mua nhà phải “kiếm” được 90 triệu đồng. Đây là điều bất khả thi với đa phần hộ gia đình, đặc biệt là giới trẻ.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP.HCM cảnh báo, người mua nhà nên cân nhắc kỹ về khả năng trả nợ trước khi vay tiền mua nhà, nếu không sẽ “vỡ” phương án tài chính, khiến cuộc sống gặp khủng hoảng vì áp lực nợ nần. Nếu không có điều kiện tài chính, nên cân nhắc thuê nhà thay vì vay mua nhà.
Ở góc độ ngân hàng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc nhiều người mua đất đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời gây rủi ro tương lai không chỉ riêng với nhà đầu tư hay doanh nghiệp, mà với toàn bộ nền kinh tế. Nếu các bên cứ tiếp tục đẩy giá lên cao, kỳ vọng vào giá ảo, giao dịch ảo mà không đánh giá đúng, thì đến một thời điểm nào đó, thị trường sẽ không có thanh khoản.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần gấp rút ban hành các giải pháp thực sự hiệu quả để thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở phân khúc bình dân. Thêm vào đó, ngành ngân hàng cần tham mưu đề xuất Chính phủ gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cố định dài hạn phù hợp cho người trẻ, với sự tham gia của ngân sách. Với các gói tín dụng ưu đãi và giá nhà như hiện nay, giấc mơ an cư vẫn ngoài tầm với của đa số người trẻ.
ĐHĐCĐ Nam A Bank: Chia cổ tức 25%, mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng
Năm 2025, Ngân hàng TMCP Nam Á - Nam A Bank (mã: NAB) đặt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm rồi, cổ tức chia 25%.
![]() |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra ngày 28/3, Đại hội đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2024, cổ tức dự chia 25% bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ.
Đồng thời, tổng tài sản dự kiến ở mức 270.000 tỷ đồng, tăng 10% với dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 194.000 tỷ đồng, tăng 16%. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 209.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng không vượt quá 2,5%, trong khi các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định.
Các tháng đầu năm 2025, Nam A Bank vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Lần đầu tiên ngân hàng này có quy mô tổng tài sản vượt hơn 10 tỷ USD, đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 20.700 tỷ đồng, tương đương 8,5% so cuối năm 2024. Các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 201.000 tỷ đồng, tăng 22.700 tỷ đồng (tương đương 13% so với cuối năm 2024).
Trong khi đó, dư nợ cho vay đạt gần 175.000 tỷ đồng (tăng gần 4% so với cuối năm 2024); Hoạt động đầu tư giấy tờ có giá đạt gần 27.400 tỷ đồng (tăng trưởng 31% so với cuối năm 2024); Lợi nhuận 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 900 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 18% kế hoạch năm 2025 - kế hoạch năm nay là 5.000 tỷ đồng).
Bên cạnh, Nam A Bank cũng trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2024. Cụ thể, với lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 3.607 tỷ đồng, Nam A Bank sẽ trích hơn 721 tỷ đồng cho các quỹ theo quy định và hơn 47 tỷ đồng cho các quỹ khác. Sau trích lập các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối còn lại năm 2024 của ngân hàng là hơn 2.838 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, Nam A Bank trình cổ đông kế hoạch nâng vốn điều lệ thêm hơn 4.281 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP). Trong đó, về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng dự định phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác theo quy định của pháp luật tại ngày 31/12/2024 căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024).
Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2025, sau khi ngân hàng nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Về phương án ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 85 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm 850 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng và công ty con của ngân hàng Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, bằng đúng mệnh giá.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng một năm và 50% trong năm tiếp theo kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2025, sau khi được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi Nam A Bank đã hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Sau khi hoàn thành cả hai kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.736 tỷ đồng lên 18.007 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hợp nhất sẽ lên 13,77%, tăng 1,11 điểm % so với cuối năm 2024. Nguồn vốn điều lệ được tăng thêm sẽ sử dụng vào mục đích: mua sắm tài sản cố định, công cụ lao động, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Nam A Bank cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ESOP tăng thêm vốn là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính của Nam A Bank cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Cổ phiếu NAB của Nam A Bank đã được niêm yết trên sàn chứng khoán, thể hiện sự minh bạch và nâng tầm hoạt động của ngân hàng.
Trong thời gian qua, cổ phiếu NAB cũng đã tạo được thanh khoản trên thị trường và thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Vì thế, với phương án chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm nay của Nam A Bank nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hoạt động kinh doanh… khi tiềm lực vốn được tăng lên ở mức cao hơn.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Nam A Bank cũng thống nhất phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng (hoặc giá trị ngoại tệ tương đương), khối lượng phát hành là 20.000 trái phiếu, kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm, là loại hình trái phiếu chuyển đổi, thị trường chào bán trong nước hoặc quốc tế, ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thị trường phát hành.
Hoạt động này nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm nay, Nam A Bank tiếp tục chủ trương phát triển mạng lưới kinh doanh ra thị trường quốc tế, mục tiêu mở rộng thị trường hoạt động, đa dạng hóa tệp khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính và thu hút nguồn vốn đầu tư, ngoại tệ từ nước ngoài, tiếp tục khẳng định uy tín thương hiệu, năng lực quản trị và tiềm lực tài chính của ngân hàng.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ĐHĐCĐ thường niên 2025 cũng đã đồng thuận chủ trương tham gia tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân, ủy quyền cho HĐQT trong việc lựa chọn và quyết định phương án trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt. Song song đó, cổ đông cũng đã thống nhất thông qua các tờ trình như: góp vốn, mua cổ phần; niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng...
ĐHĐCĐ VIB: Mục tiêu lợi nhuận trên 11.000 tỷ đồng, cổ tức 21%
VIB đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với mức thực hiện năm 2024. Đồng thời, ngân hàng dự chia cổ tức 21% bằng tiền mặt, cổ phiếu.
ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam -VIB (mã: VIB) tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 sáng ngày 27/3 tại TP.HCM để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
![]() |
Theo đó, HĐQT VIB đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với mức thực hiện của năm 2024. Ngoài ra, VIB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 22%, đạt 600.350 tỷ đồng vào cuối năm 2025, trong đó tổng dư nợ tín dụng tăng 22%, đạt 395.800 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 377.300 tỷ đồng, tăng 26% trong khi tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 3%.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB cho biết, năm 2024 là một năm nhiều thách thức với ngành ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Tình hình khó khăn của thị trường bất động sản và lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, áp lực tỷ giá, lãi suất và nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước qua các chính sách tiền tệ chủ động - linh hoạt và những giải pháp kịp thời, ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
Theo ông Vỹ, định hướng chiến lược năm 2025 là VIB sẽ tiếp tục lộ trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026) với tầm nhìn trở thành "ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam" và định vị là "Ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô" và "Ngân hàng đối tác hàng đầu của các doanh nghiệp và định chế tài chính". Các mục tiêu chuyển đổi chiến lược đã được truyền thông một cách nhất quán và triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao trong nhiều năm qua, bao gồm: Tăng trưởng hàng năm (CAGR) về các chỉ tiêu kinh doanh cho vay, huy động, thẻ, bảo hiểm và cơ sở khách hàng 20%-30%/ năm trong 10 năm chuyển đổi; Tăng trưởng hàng năm (CAGR) về doanh thu và lợi nhuận kép 20%-30%/năm; Gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.
Cũng tại đại hội lần này, VIB trình cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Với kết quả đạt được trong năm qua, sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận hợp nhất còn lại của VIB là hơn 4.059 tỷ đồng, lợi nhuận riêng lẻ là hơn 3.963 tỷ đồng.
Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ bằng tiền với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng). Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng. Nhưng ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.
Theo đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, VIB phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.
Toàn bộ vốn điều lệ tăng thêm sẽ được VIB sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đẩy mạnh cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh…
Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ: VIB đang tìm kiếm đối tác ngoại sau khi CBA thoái vốn
Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ sáng 27/3, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, hiện nay, room ngoại tại VIB trống 25% và ngân hàng đang tìm đối tác ngoại.
Theo ông Vỹ, về cổ đông chiến lược CBA, VIB đã có được một cổ đông rất tốn và huy động được nguồn lực hiệu quả. Ngược lại, cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia (CBA) cũng đã thu được hiệu quả từ khoản đầu tư vào VIB.
CBA đầu tư vào VIB từ năm 2010, với khoản vốn ban đầu 75 triệu USD, nhưng khi thoái vốn đã thu về (tính cả cổ tức) gần khoảng 500 triệu USD, theo chia sẻ của Chủ tịch VIB.
Ông Vỹ cũng cho hay, sau khi CBA thoái vốn, room ngoại tại VIB còn trống khoảng 25%. VIB đang trong quá trình tìm hiểu các đối tác nước ngoài để có thể chọn được nhà đầu tư đem lại được hiệu quả cho ngân hàng cũng như mang lại lợi ích tốt cho cổ đông. Sau khi hoàn thành, HĐQT ngân hàng sẽ trình xin ý kiến cổ đông.
CBA bắt đầu rót vốn vào VIB kể từ năm 2010 với tỷ lệ góp ban đầu là 15% và nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% một năm sau đó. Cổ đông chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển đổi chiến lược của VIB từ ngân hàng chuyên về doanh nghiệp trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.
Trước đó, trong thông cáo phát đi vào tháng 9/2024 sau lần bán ra cổ phiếu đầu tiên của CBA (bán gần 5% vốn của VIB), tổ chức này cho biết việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Tổng số tiền mà CBA dự kiến thu về ở lần này là khoảng 160 triệu USD (gần 2.700 tỷ đồng thời điểm đó).
Tiếp đó, tháng 10/2024, CBA xác nhận đã bán ra 300 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 29/10, thu về khoảng 5.400 tỷ đồng và bán ra gần 150 triệu cổ phiếu trong phiên 24/9, ước thu về là khoảng 160 triệu AUD (khoảng 2.700 tỷ đồng). Và mới đây nhất trong tháng 3/2025, CBA đã bán ra hơn 120 triệu cổ phiếu VIB, ước thu về gần 2.600 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh trong quý đầu năm nay, Chủ tịch VIB cũng chia sẻ, lợi nhuận quý I/2025 dự ước đạt khoảng 20-22% trong tổng mục tiêu lợi nhuận trên 11.000 tỷ đồng trước thuế năm nay. Tuy nhiên, theo ông Vỹ, quý I/2025 là trong thời gian Tết và khơi vào thời điểm ngắn như tháng 2/205 chỉ có 28 ngày nên chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng dần trong các quý tới.
Chủ tịch VIB kỳ vọng lợi nhuận của ngân hàng trong các quý sau, nhất là các quý cuối năm sẽ cao hơn 30-40% so với quý đầu năm nay nên với mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay, VIB có cơ sở để hoàn thành. Bởi hiện tín dụng của VIB đang tăng trưởng tốt so với toàn hàng. Tính đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng khoảng 1,2% dự báo đến hết quý I/2025 tăng gần 2% thì VIB tăng khoảng 3%.
Theo đánh giá của Chủ tịch VIB, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm cũng là một thách thức. Tuy nhiên, với những quốc gia cần tăng trưởng tín dụng để đẩy mạnh thúc đẩy tăng trưởng hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% khả thi Đặc biệt, với các quốc gia như Việt Nam khi tín dụng chiếm đến 40% GDP thì mục tiêu đưa ra cho năm này là hợp lý.
Đối với tăng trưởng tín dụng lâu nay các ngân hàng luôn phải duy trì trog hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhưng ngay đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tín dụng 16% cho các ngân hàng nên dư địa cho vay cũng sẽ được mở rộng. VIB mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra năm nay ở mức 22% và trung bình trong 10 năm tới sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 20%.
Trong đó, ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc bán lẻ, hiện bán lẻ chiếm 80% trong tổng dư nợ của VIB. Điều này cũng đã được VIB chuẩn bị và đưa ra chiến lược từ lâu nên không ngại cạnh tranh khi thị trường ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới đây. Năng lực VIB hiện nay rất tốt nên có nhiều khả năng để mở rộng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về NIM (biên lãi ròng) trong bối cảnh hiện nay cũng như thời gian tới khả năng sẽ giảm, do giá vốn huy động không giảm, nhưng lãi suất cho vay ra phải giảm để hỗ trợ khách hàng, kích cầu tín dụng. Nhưng khi tín dụng tăng sẽ kéo theo nguồn thu ngoài lãi.
Vàng lập đỉnh lịch sử, giá vàng SJC lên trên mốc 100 triệu đồng/lượng
Giá vàng quốc tế sáng nay (28/3) bật tăng mạnh lên trên 3.050 USD/ounce khi căng thẳng thương mại leo thang và nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn là vàng.
![]() |
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới đối với ô tô nhập khẩu đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Chốt phiên giao dịch tối qua, giá vàng giao ngay tăng lên đến 3.060 USD/ounce sau khi giảm nhẹ xuống 3.051 USD/ounce. Thậm chí, giá vàng giao tháng 6/2025 còn lên đến mức 3.100 USD/ounce. Như vậy, mặt hàng kim quý vàng một lần nữa xác lập kỷ lục mới.
Nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng cao được giới phân tích cho là hoạt động mua vào là để trú ẩn an toàn trước căng thẳng của thương mại toàn cầu và các nước phương Tây cho là sẽ trả đũa chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Pháp đã đe dọa trả đũa sau khi ông Trump công bố mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu sẽ có hiệu lực sau ngày ông công bố các mức thuế đối ứng, nhắm vào các quốc gia mà ông cho là chịu trách nhiệm phần lớn cho thâm hụt thương mại của Mỹ.
Đồng thời, vàng cũng nhận được hỗ trợ từ dòng mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và nhu cầu từ các quỹ ETF. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), quỹ vàng ETF đã chứng kiến dòng vốn chảy vào khoảng 31 tấn vào tuần trước trị giá 3 tỷ USD. Đây là tuần thứ tám liên tiếp có dòng vốn chảy vào và các quỹ ở Bắc Mỹ chiếm phần lớn mức tăng. Các quỹ đầu tư vàng tăng đáng kể khối lượng trong những tuần gần đây.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ công bố vào hôm nay (28/3) để đánh giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tiếp tục giảm lãi suất hay không, sau khi cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn vào tuần trước. Trung tuần tháng 3/2025, Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản và dự báo sẽ cắt giảm 2 lần mỗi lần 0,25% trong năm nay.
Thực tế, vàng từ lâu đã được xem là hàng rào chống lại sự bất ổn kinh tế, chính trị và thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp. Vì thế, khi vàng điều chỉnh đầu tuần này, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định rằng, khó có thể giảm sâu khi những bất ổn về thuế quan trên thế giới tăng lên. Giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ tốt ở mức cao này là nhà đầu tư hiện mới bắt đầu chuyển sang nhiều quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư khỏi các thị trường chứng khoán ảm đạm.
Các tổ chức tài chính trên toàn cầu cũng đưa ra dự báo, giá vàng sẽ còn duy trì ở mức cao trước áp lực thuế quan của Tổng thống Mỹ khiến căng thằng thương mại toán cầu leo thang. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng vào cuối năm 2025 lên 3.300 USD/ounce, từ mức trước đó là 3.100 USD, với lý do dòng tiền đổ vào ETF mạnh hơn dự kiến và nhu cầu bền vững từ các ngân hàng trung ương.
Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, UOB (Singapore) đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2025 dự kiến sẽ chậm lại nhưng vẫn trong giai đoạn mở rộng, triển vọng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Tổng thống Trump, vốn vẫn chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại và sự phân hóa tăng trưởng có thể xảy ra theo hướng. Mỹ dự kiến tiếp tục phát triển, trong khi đó các nền kinh tế khác phải đối mặt với trở ngại thương mại. Các chính sách của Tổng thống Trump theo hướng “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên kinh tế thế giới từ các khía cạnh khác nhau.
Đồng thời, ông Lim cũng nhận định vàng có thể đóng vai trò là tài sản đa dạng hóa và hàng rào phòng vệ trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và những bất ổn trên thị trường. Nhìn chung, nhu cầu dài hạn đối với vàng như một tài sản trú ẩn an toàn được kỳ vọng sẽ tiếp tục mạnh mẽ, dự báo giá vàng có thể lên đến là 3.200 USD/ounce trong quý I/2026.
Thực tế giá vàng đã vượt 3.000 USD/ounce. Bởi lạm phát có nguy cơ gia tăng do thuế quan làm tăng chi phí đầu vào, đẩy giá hàng tiêu dùng như thiết bị điện tử và đồ gia dụng lên cao. Nếu Fed phải nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, động thái này cũng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại có lợi đối với vàng. Trên thực tế, vàng luôn đảm bảo trước bối cảnh lạm phát tăng nên nhu cầu về vàng của các nhà đầu tư, đầu cơ, quỹ đầu tư cũng sẽ gia tăng khi lạm phát cao.
Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng mua vàng như trong hai năm qua. Điều này cũng phần nào tác động lên giá vàng. Tuy nhiên, Abel Lim khuyến nghị nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào tỷ lệ sinh lời từ kênh đầu tư này. Do giá vàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua, đạt đỉnh 3.050 USD/ounce trong thời gian gần đây.
Đối với USD, quan điểm của UOB cho rằng, Fed dự kiến sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong quý II/2025. Về diễn biến của đồng USD, ông Abel Lim cho rằng, những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của USD gần đây, khi thị trường ngày càng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay.
USD trên thị trường quốc tế sáng nay giảm nhẹ khi thị trường chỉ phản ứng với các thông tin áp thuế. Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm về lại mức 104,28 điểm. Tỷ giá USD đã giao dịch hỗn loạn khi thị trường cân nhắc mức thuế quan nghiêm trọng dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.843 VND/USD, giảm 3 đồng so hôm qua. Trong khi, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại tăng 10 đồng. Tại Vietcombank, sáng nay tỷ giá được niêm yết ở mức 25.370 đồng mua (tiền mặt), 25.400 đồng (chuyển khoản) và bán ra ở mức 25.760 đồng.
Còn giá vàng SJC niêm yết ở mức 98,4 - 100,4 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng mạnh so với những ngày trước đó. Khoảng cách mua bán gần 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng lên 98-100 triệu đồng/lượng (mua-bán). Những ngày gần đây, các doanh nghiệp vàng tăng mạnh giá mua vào.
Đã có 24 ngân hàng hạ lãi suất trong một tháng qua, mức giảm cao nhất lên tới 1,05%
Tròn một tháng tính từ sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới nay (25/2 - 25/3), đã có 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Riêng trong tháng 3/2025 có 19 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
![]() |
NHNN cho hay, từ sau cuộc họp với NHNN (25/2/2025) đến 25/3/2025, đã 24 NHTM trong nước điều chỉnh giảm lãi suất gồm Bản Việt, Hàng Hải, Việt Nam Thương Tín, Sài Gòn công thương, Quốc tế, Bảo Việt, Kiên Long, Bắc Á, Việt Á, Thịnh Vượng và Phát triển (PGbank), Xuất nhập khẩu, Lộc phát, Nam Á, Sài Gòn Hà Nội (SHB), Quốc dân (NCB), VCBNeo, BIDV, Techcombank, Công nghệ số Vikki, Việt Nam Hiện đại (MBV), Phương Đông (OCB), Công thương, An Bình, Nông nghiệp và PTNT với mức giảm từ 0,1-1.05%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Trong đó, từ đầu tháng 3 tới nay có 19 ngân hàng trong nước đã thực hiện giảm lãi suất bao gồm: Kiên Long, Bắc Á, Việt Á, PGbank, Lộc Phát, Quốc dân, Sài gòn- Hà nội, Nam á, VIB, VCBNeo, Eximbank, BIDV, Techcombank, Vikki, MBV, OCB Công thương Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, An Bình.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích VCBS, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. \
Theo đó, VCBS nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới; trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho rằng, NHNN có thể tiến hành các bước nới lỏng chính sách mạnh mẽ hơn thông qua phương án giảm lãi suất OMO từ mức 4,0% hiện tại nhằm giảm chi phí huy động qua kênh liên ngân hàng để góp phần duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp và thúc đẩy hoạt động tín dụng.
Nhìn chung, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ duy trì ổn định ở mức này, và điều chỉnh dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng xuống còn 4,8- 5,0%/năm, giảm so với mức dự báo trước đó là 5,4%, nhằm phản ánh định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Nhà nước.
"Trong thời gian tới, nếu Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong kịch bản tích cực, nếu Fed cắt giảm lãi suất điều hành hai đến ba lần trong năm nay, bắt đầu từ cuộc họp T6/25, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản, bao gồm cả lãi suất tái cấp vốn trong Q3/25 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8%", ông Đinh Quang Hinh kỳ vọng.
Vay 2 bao tải tiền khởi nghiệp: Nông dân thành tỷ phú nhờ ngân hàng dám cho vay "tay không bắt giặc"
Năm 1993, khi giá vàng chưa đến 500.000 đồng/chỉ, một nông dân tại Hà Tĩnh đã được Agribank mạnh dạn cho vay tín chấp tới 100 triệu đồng - đây cũng là nông dân đầu tiên đầu tiên tại Hà Tĩnh dám đầu tư 100 triệu đồng vào nông nghiệp.
Nông dân dám làm, ngân hàng dám cho vay
Doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, HTX Nga Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không chỉ là nổi tiếng là điển hình đầu tư nông nghiệp nhanh nhạy, thành công mà ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải còn là một tấm gương truyền cảm hứng trong đầu tư nông nghiệp.
![]() |
Ông Trần Văn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Hà Tĩnh (trái) tại trang trại của HTX Nga Hải |
Với quy mô 100ha, HTX Nga Hải hiện nay có hơn 90 ha trồng cây lâm nghiệp, 10 ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi và du lịch trải nghiệm. HTX còn có khu chăn nuôi quy mô 2.500 lợn thịt (2 lứa/năm) và 30.000 gà thịt (5 lứa/năm) theo hợp đồng với Công ty C.P và Công ty Japfa Việt Nam cùng 8 ao nuôi cá.
HTX Nga Hải cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel, thuê cả chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn. Từ năm 2024, HTX chuyển một phần nhà màng sang trồng nho Hạ đen, nho xanh và nho sữa. Ngoài ra, trang trại còn có 3 ha cây ăn quả, trong đó có 1.000 gốc cam Phủ Quỳ, gần 1.000 gốc bưởi da xanh…
Ít ai biết, trang trại bạc tỷ này từng là vùng rừng núi hoang vu, chỉ có muỗi, vắt, dê bò cũng khó sống vì bệnh sốt rét. Trước khi ông Bình vào khai hoang, nhiều đơn vị từng vào thử khai khẩn trồng dược liệu, nuôi dê, đóng gạch song đều lần lượt bỏ cuộc. Năm 1986, khi đi bộ đội về và xin chính quyền được vào khai hoang, ông Bình được nhiều cán bộ xã ngăn cản vì lo lắng ông sẽ thất bại.
“Nhìn trang trại bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại tôi vẫn rùng mình vì quá vất vả, không biết làm sao có thể vượt qua được. Khi đó, cả gia đình, anh em họ hàng hỗ trợ gùi cõng dựng được một khung nhà gỗ 16-17 m2 để có chỗ ở, mà đến này tôi vẫn giữ ngôi nhà này giữa trang trại như một “di tích”. Bao tháng ngày vật lộn, nuôi bò - bò bị bệnh vì muỗi, nuôi dê - dê bị bệnh thần kinh mắt, cứ cắm mặt lao vào vách đá mà chết…”, ông Bình nhớ lại.
Dấu mốc trong cuộc đời ông Lê Văn Bình là năm 1993, chớp thời cơ đổi mới, ông Bình cùng một số trang trại liên kết, thành HTX và tìm đến Agribank để vay vốn.
“Tôi không bao giờ quên, Giám đốc Agribank Nghi Xuân lúc đó là ông Nguyễn Sỹ Hàn khi vào thẩm định, nhìn thấy trang trại chỉ là một vùng rừng núi lau lách hoang vu đã cảm khái nói: Anh Bình ơi, không cho anh vay thì chúng tôi mất đi “một chiến sỹ cộng sản” - vì sợ người lính không ngại khó, không ngại khổ như anh nản chí. Mà cho anh vay thì không biết khi mô ngân hàng lấy lại được tiền. Nhưng tôi tin vào một người chiến sĩ như anh, tin anh sẽ làm được, nên Agribank sẽ cho vay tín chấp. Tôi còn biết, sau đó, Agribank Nghi Xuân đã họp lên họp xuống về trường hợp của tôi, cuối cùng “phá rào” quyết cho tôi vay tín chấp 100 triệu vì cần những người táo bạo như tôi để xây dựng quê hương”, ông Bình kể.
Thời điểm năm 1993, khi hầu hết các món vay của người dân chỉ 500 nghìn đồng tới vài triệu đồng, thì khoản vay 100 triệu đồng của ông Bình (tương đương hàng chục lượng vàng lúc đó) là một khoản vay lớn. Khi đó, ông Bình phải cho tiền vào 2 bao tải để chở về nhà cất dưới gầm giường (khi đó tiền chủ yếu mệnh giá 5.000 đồng).
Chính hai bao tải tiền này đã làm thay đổi cuộc đời ông Bình và cũng làm thay đổi cả bức tranh nông nghiệp của cả huyện Nghi Xuân, gợi lên cảm hứng làm giàu cho nhiều người dân. Cũng nhờ công lớn của ông Bình, Nghi Xuân sau đó trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Tĩnh.
Từ khoản vốn vay 100 triệu đầu tiên, đến nay, ông Bình và Agribank đã đồng hành 32 năm. Tất cả Dự án phát triển của HTX Nga Hải đều có Agribank hậu thuẫn về vốn, từ trang trại chăn nuôi đến đầu tư nhà màng trồng dưa lưới, trồng nho...
"Hiện nay, gia đình tôi vẫn còn dư nợ 7 tỷ đồng tại Agribank. Suốt mấy chục năm nay, gia đình tôi và HTX cũng chỉ quan hệ tín dụng với duy nhất Agribank, bởi Agribank hiểu nông dân nhất, hiểu cả cơ hội và rủi ro của ngành nông nghiệp, mong muốn nông dân làm giàu và cũng chấp nhận rủi ro của nông dân", ông Bình tâm sự.
Tất nhiên, con đường làm giàu từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhất là tại vùng đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều, nơi trồng rau đủ ăn còn khó khăn.
Ông Bình tâm sự, từ khi đầu tư vào nông nghiệp, gia đình ông nhiều lần trắng tay sau một đêm. Đơn cử, năm 1998, mấy ao cá đang sắp đến độ thu hoạch, đang yên đang lành bỗng dưng bị bệnh đua nhau lao đầu vào bờ đá, chết trắng cả đàn. Hay năm 2010, Hà Tĩnh hứng chịu trận lụt lịch sử, trang trại của ông tan hoang, gia đình ông lần đầu tiên phải ăn gạo cứu trợ.
“Đầu tư vào nông nghiệp, giàu thì phải rất lâu mà nghèo thì rất nhanh. Thế nhưng, may mắn là Agribank luôn bên cạnh hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để chúng tôi làm lại từ đầu. Cứ có dự án khả thi là ngân hàng đồng ý cho vay, thậm chí ngân hàng còn động viên vay nhiều hơn để đầu tư lớn. Nhờ sự đồng hành cùng ngân hàng, chúng tôi rất yên tâm đầu tư vào nông nghiệp”, ông Bình tin tưởng.
Vốn ngân hàng: Thành trì vững chắc của tam nông
Ông Trần Văn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ các khoản vay hàng tỷ đồng đến những món vay nhỏ, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là Agribank sẽ sẵn sàng cho vay, thậm chí chỉ từ những khoản vay 5 -10 triệu đồng. Bình quân mỗi cán bộ tín dụng của Agribank Hà Tĩnh phụ trách tới 600 khách hàng. Rất nhiều hộ, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đã làm nên cơ nghiệp từ những món vay nhỏ bé ban đầu của Agribank…
Được biết, tại địa bàn Hà Tĩnh, Agribank đang dẫn đầu cả về thị phần cho vay lẫn huy động vốn. Theo ông Tài, hiện nay, lãi suất cho vay tại Agribank đang thấp nhất thị trường. Ngân hàng có nhiều gói vay ưu đãi, đặc biệt là với lĩnh vực tam nông – lĩnh vực chủ chốt của Agribank.
Không chỉ tại Hà Tĩnh, các gói vay ưu đãi cũng được Agribank triển khai trên khắp cả nước. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2025, Agribank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13%, tương đương khoảng 230.000 tỷ đồng cung ứng ra nền kinh tế. Để hỗ trợ hơn nữa cho khách hàng, trong hai tháng đầu năm 2025, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2%-0,5% sàn lãi suất cho vay ngắn hạn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, ngân hàng triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô hơn 350.000 tỷ đồng được triển khai tới tất cả các đối tượng, tập trung vào các nhóm: doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân vay tiêu dùng, vay kinh doanh,... Lãi suất cho vay của các chương trình này đang thấp hơn lãi suất thông thường 1-2%/năm. Đặc biệt, có những đối tượng khách hàng ưu đãi xuất nhập khẩu hoặc cho vay theo chuỗi giá trị, Agribank có chương trình giảm đến 3% lãi suất so với lãi suất cho vay thông thường.
“Các đối tượng này chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% như Đảng và Nhà nước đã đề ra”, bà Phùng Thị Bình khẳng định.
Hiện Agribank là ngân hàng duy nhất trên thị trường có quy mô dư nợ tam nông đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Thấu hiểu và chia sẻ với khách hàng, bám sát địa bàn nông thôn, am hiểu nông nghiệp... chính là lý do khiến Agribank giữ vững thị phần số 1 trên trận địa tam nông suốt 37 năm qua. Dòng vốn của Agribank bền bỉ chảy vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 26 về tam nông của Đảng và Chính phủ, tạo nên những cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp, khiến nông nghiệp luôn trở thành trụ đỡ vững vàng của nền kinh tế.
Lợi nhuận ngân hàng quý I/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ
Mặc dù giảm tốc so với quý IV/2024 song nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của đa phần ngân hàng vẫn tăng mạnh.
SSI Research vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý I/2025 của 39 doanh nghiệp trong đó có 13 ngân hàng, bao gồm: Sacombank, VietinBank, VPBank, HDBank, BIDV, MB, ACB, MSB, TPBank, Techcombank, Vietcombank, VIB, OCB.
![]() |
Trong số này, ngoại trừ OCB dự báo lợi nhuận quý I/2025 giảm 18% so với cùng kỳ, các ngân hàng còn lại đều được dự báo tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ, trong đó, tăng trưởng cao nhất thuộc về Sacombank: tăng 51% so với cùng kỳ, tiếp đến là VietinBank (tăng 42%) và VPBank (tăng 32%).
Tuy vậy, nếu so với quý trước, Techcombank là ngân hàng có mức tăng trưởng nhất (tăng 77%), HDBank (tăng 18%), VIB và Vietcombank (tăng 3-4%), các ngân hàng còn lại đều tăng trưởng âm.
Cụ thể, với Sacombank, SSI Research cho rằng chi phí dự phòng của Sacombank trong quý I/2025 sẽ ở mức thấp do chất lượng tài sản được duy trì ổn định trong kỳ. Ngoài ra, NIM dự kiến có thể phục hồi nhẹ so với quý trước giúp lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng tăng 51% so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 14% so với quý trước.
Tại VPB, dựa trên những dấu hiệu hồi phục rõ rệt kể từ quý IV/2024 của FeCredit, SSI Research cho rằng tiến độ giải ngân mới và thu từ nợ xấu đã xóa của công ty sẽ khá tích cực trong quý I/2025. Đối với ngân hàng mẹ, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 5% so với thời điểm đầu năm và chất lượng tài sản tốt hơn sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận nhuận. Từ đó, kỳ vọng VPB có thể đạt 5,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025, tăng 32% so với cùng kỳ nhưng giảm 11% so với quý trước.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của HDB dự kiến đạt 4,8 nghìn tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ và tăng 18% so với quý trước, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% tính từ đầu năm, Trong khi đó, NIM dự báo vẫn duy trì ổn định so với quý IV/2024.
SSI Research dự báo BIDV sẽ đạt 8 - 8,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025, tăng 8% đến 15% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định (tăng 2% so với đầu năm) và NIM cải thiện nhẹ từ mức thấp trong quý I/2024.
MBB ước đạt 6,5 - 6,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 tăng 15% so với cùng kỳ giảm 17% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức khá NIM tương đối ổn định và gánh nặng trích lập dự phòng giảm.
Lợi nhuận trước thuế ước tính của ACB đạt 5,5 nghìn tỷ đồng trong quý I/2025 tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng giảm 3% so với quý trước nhờ vào tăng trưởi đầu năm. Chất lượng tài sản vẫn duy trì ở mức hợp lý với tỷ lệ nợ xấu ổn định, trong khi NIM có thể giảm nhẹ so với quý trước.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của MSB dự kiến đạt 1,7 nghìn tỷ đồng tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng giảm 15% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh tăng 6% so với đầu năm.
Dự báo lợi nhuận trước thuế TPBank đạt 2 nghìn tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng giảm 1% so với quý trước, do tăng trưởng tín dụng ở mức khá 4% so với đầu năm, và chi phí hoạt động được kiểm soát hiệu quả.
Techcombank được ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 8,3 nghìn tỷ đồng tăng 6% so với cùng kỳ và 77% so với quý trước được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ khoảng 6,5% trong khi NIM phục hồi so với quý IV/2024.
SSI Research kỳ vọng VCB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế từ 11 đến 11,3 nghìn tỷ đồng tăng 3-5% so với cùng kỳ và tăng 3% so với đầu năm, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng khá tốt +3% từ đầu năm, NIM duy trì ổn định so với quý IV/2024 và chất lượng tài sản được kiểm soát.
Với VIB, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng trong quý II/2025 đi ngang so với cùng kỳ nhờ vào tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% từ đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng nhẹ trong quý I/2025 so với năm 2024.
Trong khi đó, OCB được ước tính lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 31% so với quý trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu cao có thể sẽ tiếp tục áp lực lên chi phí trích lập dự phòng của OCB trong quý I/2025. Do đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt một nghìn tỷ đồng.

-
Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh -
Doanh nghiệp lo ngân hàng “mua rẻ, bán đắt” USD -
Tín dụng sẽ tăng dần trong các quý tới -
ĐHĐCĐ NCB: Tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 19.000 tỷ đồng năm 2025 -
Thêm tuần xô đổ kỷ lục, vàng tiến gần mốc 101 triệu đồng/lượng -
Ngân hàng khởi động mùa đại hội cổ đông; Hòn than bất động sản lại nóng -
Giải pháp số toàn diện cho doanh nghiệp của TPBank được The Asian Banker đánh giá cao
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Logistics
-
Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng đến sân bay lớn nhất thế giới Đại Hưng
-
Ba loại mặt nạ chống khói phù hợp cho gia đình
-
Tập đoàn Giáo dục Quốc tế KinderWorld khẳng định cam kết đầu tư vào tỉnh Đồng Nai
-
Đất nền trong KĐT tại thủ phủ công nghiệp hứa hẹn khả năng thanh khoản cao
-
Nhận diện chất lượng không khí - Nâng tầm sức khỏe với điều hòa Panasonic thế hệ mới