Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng lo con nợ ngày càng chây ỳ với nợ xấu
T.L - 26/05/2017 10:13
 
Các ngân hàng đang nín thở chờ Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu, với kỳ vọng các vướng mắc về hành lang pháp lý hiện nay sẽ được gỡ bỏ.

Chủ nợ khốn khổ, con nợ bình chân

Trong khi khoảng 600.000 tỷ đồng vẫn nằm im, thì nhiều con nợ vẫn đi xe sang và kiếm lời hàng trăm tỷ đồng từ khối tài sản đã mang đi thế chấp ngân hàng. Thiếu các hành lang pháp lý khiến ngân hàng mỏi mòn đi kiện nhằm thu hồi số tiền đã cho vay.

Nợ xấu đang là gánh nặng lớn của các ngân hàng. Ảnh: Đ.T
Nợ xấu đang là gánh nặng lớn của các ngân hàng. Ảnh: Đ.T

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay: "Tại Vietcombank, có khách hàng vay 1.000 tỷ đồng để xây khách sạn, nhưng quá hạn trả nợ đã lâu mà vẫn không chịu trả nợ và cũng không chịu bàn giao tài sản cho Ngân hàng, trong khi nếu bàn giao, chúng tôi có thể ngay lập tức thu hồi nợ gốc. Chúng tôi khởi kiện ra tòa, nhưng sau 18 tháng, tòa mới tổ chức phiên hòa giải đầu tiên và có thể kéo dài vài năm nữa. Khách hàng vẫn giữ tài sản và mỗi năm khai thác cho thuê thu về 70 - 100 tỷ đồng, trong khi tài sản của ngân hàng ngày càng hao mòn", ông Thành chia sẻ.

Hiện tại, đa phần nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Theo hợp đồng thế chấp ký kết giữa hai bên, khi khách hàng mất khả năng trả nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo. Thế nhưng, thực tế lại không như vậy.

Theo ông Hà Sỹ Vịnh, Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro của Ngân hàng Agribank, trên thực tế, quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm, dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), nếu người thế chấp tài sản không đồng ý bàn giao, thì ngân hàng phải kiện ra tòa.

Tuy vậy, các ngân hàng đều thừa nhận, “vô phúc đáo tụng đình”, bởi khởi kiện tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian.

Việc tòa án xử lý quá chậm, kéo dài khiến nhiều con nợ ngày càng chây ỳ, không chịu trả nợ ngân hàng.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu là nếu con nợ không chịu bàn giao tài sản cho ngân hàng, thì ngân hàng có thể khởi kiện ra tòa. Theo đó, tòa sẽ xử lý theo hồ sơ rút gọn và thi hành án cũng sẽ tiến hành với trình tự rút gọn.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của LienVietPostBank lo ngại, quy định này thực chất không mới so với quy định hiện hành và có thể sẽ khiến tình trạng con nợ chây ỳ tiếp tục tái diễn.

Giải pháp cấp bách để xử lý nợ xấu

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội đưa ra rất nhiều điểm mới, đã tháo gỡ phần nào những vướng mắc về hành lang pháp lý trong xử lý nợ xấu hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, một số quy định trong Dự thảo chưa đáp ứng được kỳ vọng của các ngân hàng trong xử lý dứt điểm nợ xấu, nhất là vấn đề quyền chủ nợ. Tuy nhiên, Nghị quyết ra đời cũng sẽ giúp ích hệ thống ngân hàng rất nhiều trong xử lý nợ xấu.

Ở một khía cạnh khác, dù nhất trí cao với chủ trương ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, song điều làm các đại biểu băn khoăn nhất là liệu có để lọt những “tội đồ” gây ra nợ xấu hoặc quy định quá “thoáng” về quyền chủ nợ sẽ vi phạm quyền sở hữu nhà ở của công dân.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc xử lý nợ xấu và xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Các cá nhân sai phạm vẫn bị xử lý bình thường theo quy định pháp luật.

Riêng về quyền sở hữu tư nhân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự năm 2015, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, việc áp dụng quyền thu giữ tài sản đảm hoàn toàn không xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ tài sản. Quyền sở hữu tài sản sẽ bị vi phạm khi tự dưng bị thu giữ, còn nếu đã đem đi thế chấp mà không trả được nợ thì việc tài sản đảm bảo bị phát mại là đương nhiên.

Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, nền kinh tế đã có 5 năm để phân tích tội đồ nợ xấu. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay không phải là luận tội, mà phải có giải pháp cấp bách để xử lý nợ xấu. Nếu tiếp tục chậm trễ, nợ xấu sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế, như có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô; chi phí xử lý nợ xấu sẽ ngày càng tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, dẫn tới lãi suất khó giảm, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn; ngân hàng sẽ khó phát triển lành mạnh, khó chống đỡ các cú sốc bên trong cũng như từ bên ngoài.

Được bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đề xuất việc cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư