Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng lo trích lập dự phòng rủi ro sớm
Thùy Vinh - 24/05/2013 07:42
 
So với cùng kỳ năm trước, nợ xấu của ngân hàng trong quý I/2013 tiếp tục tăng, kéo theo khoản dự phòng cao hơn, khiến lợi nhuận thu về sụt giảm hơn trước.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, Sacombank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank quý I/2013 đạt 675,7 tỷ đồng, giảm 132 tỷ đồng (tương đương mức giảm 16,36%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải của Sacombank, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm là do chi phí dự phòng tín dụng tăng 170,3 tỷ đồng so với quý I/2012. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đến hết tháng 3/2013 là 2,18%.

Chủ tịch HđQT Sacombank ông Phạm Hữu Phú cho biết, với mục tiêu Ngân hàng đưa ra cho năm nay là quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng, nên lợi nhuận đưa ra chỉ ở mức 2.800 tỷ đồng.

Năm 2012, Sacombank đã phải trích lập cho Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) khoảng 1.042 tỷ đồng và Ngân hàng không kỳ vọng sẽ hoàn nhập được khoản trích lập này. Tuy nhiên, theo ông Phú, nếu còn phải trích lập cho năm 2013, Sacombank có thể phải trích thêm 122 tỷ đồng cho SBS. Do đó, Sacombank chỉ đưa ra mục tiêu lợi nhuận ở con số trên.

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của ACB 3 tháng đầu năm 2013 đạt gần 597 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. ACB cho biết, sở dĩ lợi nhuận sau thuế quý I/2013 giảm hơn 530 tỷ đồng là do số dư nợ xấu tăng, làm cho thu nhập lãi thuần quý I giảm 379 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Về chất lượng nợ, theo thuyết minh báo cáo tài chính, ACB có 3.090 tỷ đồng nợ xấu trong quý I/2013, tăng 20% so với cùng kỳ và chiếm 2,88% trên tổng dư nợ.

Vì thế, dù chi phí hoạt động trong quý đầu năm nay của ACB thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng gần 70% (tương đương 220 tỷ đồng) so với cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng giảm tới 64%, xuống còn 395 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ACB tính đến ngày 31/3 chỉ đạt mức 307 tỷ đồng.

Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cũng cho hay, trong tổng lợi nhuận đạt được của quý I đầu năm nay là 270 tỷ đồng, Ngân hàng đã dành 100 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Mục tiêu của DongA Bank trong năm nay là thành lập một quỹ dự phòng 400 tỷ đồng, do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đưa ra cho năm nay chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng là đã tính đến việc phải quyết liệt trích dự phòng rủi ro ngay từ những tháng đầu năm.

“Trích dự phòng rủi ro là để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng. Nếu cuối năm, tính toán lại nợ xấu giảm sẽ được hoàn nhập các khoản dự phòng, nhưng nếu thiếu sẽ phải trích thêm. Vì thế, chủ trương của DongA Bank là trích lập đầy đủ ngay từ đầu”, ông Bình nói.

Nợ xấu tăng khiến các khoản trích lập dự phòng cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các ngân hàng. Thông tin từ Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong một số ngành có số thu ngân sách giảm trong 3 tháng đầu năm 2013, nổi lên là khu vực ngân hàng có số thu bị giảm mạnh nhất là 55,45% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều ngân hàng lớn trên địa thành phố bị sụt giảm mạnh, như Eximbank trong quý I/2013 chỉ nộp thuế được 53 tỷ đồng, giảm 84,76%; Sacombank 60 tỷ đồng, giảm 61,01%; ACB 6 tỷ đồng, giảm 97,92% so với cùng kỳ năm 2012….

Các ngân hàng cho biết, ngay từ đầu năm, đã ráo riết trích lập dự phòng, đồng thời lên kế hoạch trích lập cao hơn năm trước. Chẳng hạn tại BIDV, dự kiến chi dự phòng cho cả năm nay là 7.800 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2012. Một trong những nguyên nhân buộc các ngân hàng lo ngại dự phòng lớn trong năm nay chính là nợ xấu tăng. Đáng chú ý, với Thông tư 02 của NHNN quy định về việc phân loại nợ, nếu được áp dụng vào ngày 1/6 tới, sẽ khiến dự phòng của các ngân hàng tăng cao hơn rất nhiều.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư