Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng ngại niêm yết không vì lo thâu tóm
Vân Linh - 06/05/2013 22:10
 
Thị trường chứng khoán giảm, điều kiện thị trường không thích hợp, lo bị thâu tóm và phải kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... là những lý do khiến ngân hàng ngại niêm yết cổ phiếu trên sàn.
TIN LIÊN QUAN
BIDV tập trung kiểm soát nợ xấu dưới 3%, đẩy mạnh huy động vốn (tăng 13 - 16,5% so với năm 2012)

Lỡ hẹn nhiều năm

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của BIDV năm 2012 đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông BIDV ủy quyền cho HĐQT chọn thời điểm niêm yết, giá chào sàn trong phiên giao dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, trên cơ sở cân nhắc diễn biến thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, BIDV đã quyết định hoãn việc niêm yết cổ phiếu.

Tương tự, sau nhiều lần trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức, nhưng đến nay, DongA Bank vẫn chưa thực hiện được kế hoạch này. Nguyên nhân, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank là do thị trường chứng khoán ảm đảm kéo dài, niêm yết ở thời điểm hiện tại không mang lại lợi ích cho cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2012, Southern Bank cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM. Đồng thời, cam kết với cổ đông sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán chính thức sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm qua. Song đến nay, kế hoạch niêm yết cổ phiếu vẫn chưa được Southern Bank thực hiện và nguyên nhân là do chứng khoán chưa hồi phục, nên việc niêm yết không thuận lợi.

Chờ tín hiệu khởi sắc từ thị trường

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông 2013, Southern Bank đã trình cổ đông xem xét việc lùi thời hạn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và sẽ xem xét lại việc này khi thị trường thuận lợi. Lãnh đạo BIDV cũng nêu lý do tương tự.

“Niêm yết cổ phiếu còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường và chỉ khi thị trường thuận lợi mới thực hiện được”, ông Trần Bắc Hà nói và cho biết, năm 2013, BIDV tập trung kiểm soát nợ xấu dưới 3%, đẩy mạnh huy động vốn (tăng 13 - 16,5% so với năm 2012)...

Trên thực tế, kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được nhiều ngân hàng xây dựng cách đây 2 - 3 năm, nhưng đến nay, vẫn chưa thể thực hiện. Trả lời câu hỏi của cổ đông, có phải ngân hàng ngại niêm yết là do sợ bị thâu tóm như trường hợp của Sacombank rơi vào nhóm cổ đông mới, ông Trần Phương Bình cho rằng, điều đó không hẳn đúng, mà nguyên nhân khiến việc niêm yết của DongA Bank chưa được thực hiện chủ yếu là do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.

Hơn thế, trước xu hướng nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định mới đối với các ngân hàng trong việc thực hiện kế hoạch niêm yết là phải kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Cụ thể, ngày 13/9/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 26/2012/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài của ngân hàng cổ phần. Trong đó quy định rõ điều kiện, thủ tục ngân hàng được chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo quy định của thông tư trên, ngân hàng thương mại cổ phần phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; lãi trong 2 năm liền kề trước năm đề nghị; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị… mới được niêm yết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư