Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Ngân hàng phải vào cuộc chống khủng bố
Hà Tâm - 21/05/2013 14:44
 
Khi phát hiện khách hàng giao dịch nằm trong "danh sách đen", ngân hàng phải báo cáo với lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tài khoản của đối tượng khủng bố sẽ bị phong tỏa.
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam quyết tâm chống khủng bố

Thảo luận về Dự thảo Luật phòng, chống khủng bố sáng 21/5, các đại biểu quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã làm bật được quyết tâm chống khủng bố của Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo luật cũng phải phải đưa ra quy định chặt chẽ hơn về phong tỏa tài sản đối tượng khủng bố. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải vào cuộc chống khủng bố.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố và phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào nước ta.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) khẳng định, sự ra đời của Luật Phòng, chống khủng bố là hết sức cần thiết, thể hiện sự quyết tâm và hành động rõ ràng của Việt Nam trong cuộc chiến chống khủng bố, không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn thể hiện sự cam kết với cộng đồng quốc tế.

Hệ thống ngân hàng phải vào cuộc

Về nội dung cụ thể của Dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm phối hợp của hệ thống ngân hàng trong phòng, chống khủng bố và phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường
(Ảnh: Đức Thanh)

Dự thảo luật quy định, các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng.

Các tổ chức tài chính này, khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong Danh sách đen thì báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Với Ngân hàng Nhà nước, khi tiếp nhận thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố từ tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, khi có cơ sở để nghi ngờ giao dịch liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì báo cáo kịp thời cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an và phối hợp xác minh làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) cho rằng, khi phát hiện đối tượng khủng bố, cần phong tỏa tài sản của đối tượng này, đồng thời phối hợp với các nước để xử lý tài sản liên quan của đối tượng.

Có nên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố?

Một nội dung nữa được các đại biểu tranh luận gay gắt sáng nay là thành lập Ban chỉ đạo chống khủng bố cấp trung ương và cấp tỉnh. Đa số kiến cho rằng, việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp Trung ương và cấp tỉnh hoạt động thường xuyên là phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, nên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp Quốc gia và cấp tỉnh và hoạt động thường xuyên, chứ không phải khi cần thiết mới thành lập. Thậm chí, các các bộ, ngành cũng cần phải thành lập cơ quan phòng, chống khủng bố, đặc biệt là các bộ, ngành có trách nhiệm phòng chống khủng bố và có nguy cơ cao như quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) không tán thành việc thành lập riêng Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố mà chỉ nên thành lập một bộ phận chống khủng bố, nằm trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ.

“Khủng bố, tài trợ khủng bố cũng là tội phạm. Nếu lập thêm Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố thì thành phần cũng không khác Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm”, đại biểu Nguyễn Công Hồng lập luận.

Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu tập trung thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống khủng bố sáng nay là: trách nhiệm người đứng đầu nơi xảy ra khủng bố, người đứng đầu cơ quan phòng chống khủng bố, việc trưng dụng, thu mua phương tiện chống khủng bố trong điều kiện khẩn cấp…

Được biết, dự thảo Luật Phòng chống khủng bố đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 4 vừa qua và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư