Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng rầm rộ thu hộ phí, thuế
Hà Tâm - 07/08/2015 14:30
 
Trong vòng 3-4 năm gần đây, các ngân hàng đua nhau bắt tay doanh nghiệp để triển khai dịch vụ thu hộ miễn phí. Tại nhiều ngân hàng, tốc độ tăng trưởng dịch vụ này từ 200 đến 300%.

Ngân hàng thu hộ không công

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bắt tay với Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPAY) ra mắt Dịch vụ thanh toán tiền điện trực tuyến 24/7. Dịch vụ này được triển khai miễn phí cho toàn bộ khách hàng của TPBank thông qua eBank.

Ngoài TPBank, trên thị trường có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thu hộ miễn phí điện, nước, điện thoại, cước viễn thông, học phí… Làn sóng thu hộ phí đã được các ngân hàng và doanh nghiệp triển khai nhiều năm gần đây. Lãnh đạo nhiều ngân hàng nhận định, tiềm năng của dịch vụ này là rất lớn, bởi nhu cầu sử dụng Internet Banking và Mobile Banking đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.

.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc dự án Ebanking, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng

(VPBank) cho biết, dịch vụ thu hộ phí dịch vụ qua ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng các tháng tại VPBank đều hơn 200%. Điều này thể hiện khách hàng đã nhận thấy tính tiện dụng và lợi ích khi sử dụng loại hình dịch vụ này.

“Qua theo dõi tại VPbank, khi khách hàng đã thực hiện thành công một giao dịch thanh toán phí dịch vụ qua ngân hàng, đặc biệt qua các kênh điện tử, thì đến hơn 95% khách hàng sẽ tiếp tục sử dụng lần sau”, ông Thắng nói.

Dịch vụ thu hộ chỉ là một trong vô số dịch vụ tiện ích mà ngân hàng phải áp dụng để cạnh tranh trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Đào Minh Tuấn cho biết, với sự phát triển của ngành viễn thông, sự phổ cập của các thiết bị điện tử, công nghệ hiện đại và các ứng dụng hỗ trợ, người dân đang có xu hướng dịch chuyển từ dịch vụ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng hiện đại.

Theo lãnh đạo Vietcombank, khách hàng trẻ là nguồn tiềm năng lớn cho các ngân hàng chào bán các sản phẩm dịch vụ có ứng dụng công nghệ cao. Số khách hàng sử dụng dịch vụ thu hộ của ngân hàng này cũng tăng mạnh từng năm. Hiện có khoảng 50% tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng được sử dụng để thanh toán các loại tiền điện, nước, Internet và thuế.

Nhà băng được gì?

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, khi áp dụng dịch vụ thu hộ, phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (điện lực, viễn thông, các trường học…) thường cam kết chia sẻ phí dịch vụ với ngân hàng, không tính phí với khách hàng, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với ngân hàng, cái lợi lớn nhất là giúp khách hàng gắn bó với ngân hàng nhờ các giá trị gia tăng, bởi nếu thiếu các dịch vụ này, khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của ngân hàng khác.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm: “Dịch vụ thu hộ không chỉ là một công cụ hữu hiệu để ngân hàng tạo được sự trung thành của khách hàng, mà còn giúp ngân hàng mở rộng cơ hội bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác”.

Được biết, hiện nay, 100% ngân hàng đã triển khai Internet Banking và đang hướng tới các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Việc triển khai các dịch vụ thu hộ chỉ là bước đầu để các ngân hàng hình thành thói quen không sử dụng tiền mặt ở người dân, tiến tới chiếm lĩnh thị phần về mảng bán lẻ, nhất là khi thị trường thương mại điện tử phát triển.

Ngoài ra, theo các chuyên gia ngân hàng, khi áp dụng dịch vụ thu hộ, ngân hàng được hưởng lợi kép. Cụ thể, khách hàng muốn thanh toán dịch vụ điện, nước, thuế… qua ngân hàng thì phải mở tài khoản thanh toán và duy trì số dư nhất định trong đó. Số tiền khi được thanh toán sẽ được chuyển sang tài khoản của nhà cung cấp cũng tại ngân hàng đó. Cả hai khoản này đều thuộc nguồn vốn huy động không kỳ hạn với lãi suất thấp. 

Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đang ra sức khuyến khích hình thức thanh toán này, giảm thói quen dùng tiền mặt.  Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, ngân hàng cần tăng cường giám sát hệ thống thanh toán, chú trọng các lỗ hổng bảo mật để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thanh toán qua mạng.

Nợ xấu ngân hàng: “Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
“Khi ký hợp đồng thì cả hai bên cùng tay bắt mặt mừng nhưng khi đến kỳ trả nợ thì vô cùng khó khăn, thậm chí có cả nước mắt” đó là tâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư