Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng tất bật đóng trạng thái cho vay vàng
Thùy Vinh - 12/07/2013 12:34
 
Sau khi hoàn tất việc tất toán trạng thái huy động vàng, các ngân hàng đang phải đẩy nhanh tiến độ tất toán trạng thái cho vay vàng.
TIN LIÊN QUAN

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, với các hợp đồng tín dụng cho vay bằng vàng trung, dài hạn trước đây, đến thời điểm này vẫn chưa thu hồi được, thì DongA Bank phải từng bước chủ động trao đổi với khách hàng để khuyến khích họ chuyển sang trả bằng tiền đồng.

Ước tính, lượng vàng cho vay của các ngân hàng chưa thể thu hồi được, hoặc chuyển sang tiền đồng để tất toán hiện vào khoảng 9 tấn. Với sự nỗ lực đàm phán, các ngân hàng cũng kỳ vọng sớm tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng.

Thế nhưng, đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, không phải khách hàng nào cũng đồng ý chuyển đổi trả nợ vàng bằng tiền đồng hoặc trả nợ vay trước hạn, trong khi hợp đồng cho vay là hợp đồng dân sự, nên phía ngân hàng khó có thể đơn phương chấm dứt để có thể tất toán trạng thái cho vay vàng.

Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho biết, nếu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải sớm tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng, thì ngân hàng chỉ còn cách mua vàng vào để cân bằng, chứ không thể thu nợ trước hạn, hoặc ép người vay chuyển sang tiền đồng. Tuy nhiên, việc mua vàng nhằm tất toán trạng thái cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. “Trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, ngân hàng chúng tôi buộc phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua vàng cân đối trạng thái theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khiến lợi nhuận sụt giảm khoảng 500 tỷ đồng”, vị này tiết lộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng và khách hàng vay bằng vàng đã tiến hành thương thảo, đàm phán và ít nhiều tìm được sự đồng thuận, nên kết quả đạt được là khoảng 35% dư nợ cho vay bằng vàng đã được tất toán bằng cách chuyển sang tiền đồng hoặc thu hồi nợ trước hạn. Phần còn lại, các ngân hàng đang tiếp tục thương thảo với khách hàng để thu hồi nợ trước hạn, hoặc chuyển sang tiền đồng để thực hiện việc tất toán theo đúng chỉ đạo của NHNN.

“Hiện NHNN chỉ khuyến khích các ngân hàng chủ động, tích cực trong việc đàm phán với khách hàng để chuyển đổi dư nợ bằng vàng sang tiền đồng hay trả nợ trước hạn. Do các hợp đồng tín dụng là hợp đồng dân sự, nên ngân hàng không thể ép khách hàng trả nợ trước”, ông Minh nói.

Được biết. NHNN cũng đang tích cực thanh tra, kiểm tra vấn đề trên tại các ngân hàng còn dư nợ cho vay bằng vàng chưa thể tất toán được. Trường hợp đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và NHNN sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Tính đến thời điểm này, dư nợ bằng vàng tại các ngân hàng chưa thể tất toán được vào khoảng 9 tấn và các ngân hàng đang tích cực mua vàng để có thể sớm tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, nếu không thể thu hồi dư nợ cho vay bằng vàng trước hạn, hoặc không đàm phán được khách hàng chuyển sang bằng tiền đồng, thì các ngân hàng buộc phải mua vàng vào để cân bằng nội bảng.

Trong khi đó, NHNN tiếp tục bán vàng qua các phiên đấu thầu. Các ngân hàng có quyền mua vàng qua các phiên đấu thầu để có thể tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Do đó, trong các phiên đấu thầu vàng gần đây, ngân hàng tiếp tục mua vào.

Lực cầu về vàng chưa có dấu hiệu sụt giảm, khiến áp lực lên nguồn cung và giá khó dịu lại. Giá chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước tiếp tục kéo giãn, có thời điểm lên đến gần 7 triệu đồng/lượng, khiến người dân mua vàng chịu thiệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư