Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Ngân hàng Việt nhận định sai đối thủ?
Thùy Liên - 14/08/2014 09:28
 
 Khảo sát của Ernst & Young (EY) cho thấy, 50% ngân hàng Việt Nam lo ngại đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật và Châu Âu mà chưa nhận thấy đối thủ nặng ký từ các nước ASEAN. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ông lớn Vietcombank ra tay cứu trợ Ngân hàng xây dựng
KPMG khuyến nghị ngân hàng Việt về tuân thủ FATCA
Đối tác ngoại muốn gì ở ngân hàng Việt Nam?
Ngân hàng Việt coi chừng mất tiền với tài khoản khách Mỹ
Vietcombank hợp tác với ngân hàng Nhật Aichi Bank
  Ngân hàng Việt nhận định sai đối thủ?  
  Theo ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của EY khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhà băng Việt "sợ" nhất là các ngân hàng đến từ Nhật Bản, trong khi đối thủ chính đến từ ASEAN  

Công ty kiểm toán EY vừa công bố Báo cáo "Khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi". Tại Việt Nam, cuộc khảo sát được tiến hành tại 17 ngân hàng tiêu biểu vừa đưa lại nhiều kết quả bất ngờ

Xác định "nhầm" đối thủ cạnh tranh

Kết quả nghiên cứu của EY cho thấy, khi xem xét sự cạnh tranh từ nước ngoài, trong số 17 ngân hàng khảo sát, có tới 9 ngân hàng xem ngân hàng Nhật là đối thủ cạnh tranh và 8 ngân hàng còn lại xem ngân hàng châu Âu là đối thủ cạnh tranh. Không có ngân hàng nào lo ngại về các đối thủ trong khu vực.

Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện các ngân hàng nước ngoài hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là các ngân hàng đến từ Châu Âu và Nhật. Có tới 3 ngân hàng Nhật đã trở thành đối tác chiến lược của những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của EY khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không đồng ý với nhận định về đối thủ cạnh tranh của các ngân hàng Việt. 

“Tôi không đồng ý với đánh giá này bởi tiềm năng lớn nhất của ngân hàng Việt Nam là mảng bán lẻ trong khi các ngân hàng Nhật không mạnh về lĩnh vực này. Tôi cho rằng, đối thủ mạnh nhất của ngân hàng Việt Nam thời gian tới chính là các ngân hàng trong khu vực ASEAN”

Cụ thể, theo ông Keith, năm 2015, cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành. Đến năm 2020, rất có thể nhiều ngân hàng lớn trong khu vực sẽ tràn sang Việt Nam. Đây là các ngân hàng mạnh về bán lẻ. Chính vì vậy, ngân hàng Việt nên lo lắng với các đối thủ đến từ Thái Lan, Malaisia... hơn là Nhật.

Một cuộc khảo sát tương tự được EY tiến hành tại Malaysia cho thấy, không có ngân hàng nào của Malaysia coi Nhật là đối thủ cạnh tranh chính trong khi có tới 66% ngân hàng lo ngại đối thủ từ các nước láng giềng. Tương tự, có tới 33% ngân hàng tại Indonesia coi ngân hàng các nước trong khu vực và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh.

Sự khác biệt về nhận định đối thủ cạnh tranh như trên có lẽ là một trong những lý do khiến EY xếp hệ thống ngân hàng Việt Nam vào mức độ thị trường sơ khai.

Lo về nợ xấu nhưng không thờ ơ bán nợ cho VAMC

Cũng theo kết quả khảo sát của EY, có tới 76% ngân hàng đang lo lắng về nợ xấu, viễn cảnh cho vay mới chưa có nhiều tích cực. Các ngân hàng cũng đang lo lắng về quản trị rủi ro, duy trì thu nhập lãi suất và tìm kiếm những nguồn thu mới. Nhiều ngân hàng đã tính tới cắt giảm chi phí dài hạn và ngắn hạn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 24% ngânhàng nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất mà nền kinh tế phải đối mặt. 76% ngân hàng còn lại cho rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng. Chỉ 17% ngân hàng tại Malaysia có suy nghĩ tương tự.

Lo ngại rủi ro nhưng mong muốn cải thiện thu nhập, nhiều ngân hàng đang tăng cường bán thêm nhiều loại sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng hiện hữu hơn là tìm kiếm khách hàng mới.

Do quan ngại về nợ xấu tăng cao, hầu hết ngân hàng tham gia khảo sát đều cho rằng quản trị rủi ro tín dụng là thách thức lớn nhất. 12/17 ngân hàng đang lên kế hoạch tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong vòng 3 năm tới và việc tăng cường quản trị rủi ro tín dụng được đánh giá là có tính quyết định đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

“Điều thú vị nhất là các NH đánh giá cho việc chuẩn bị cho Basel III không cao, cũng không quá ưu tiên việc bán tài sản cho VAMC. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì trong năm 2014 chúng ta nói rất nhiều đến việc bán nợ xấu cho VAMC. Không biết việc bán tài sản thực tế diễn ra ra sao?” – Ông Keith Pogson nói.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam cho rằng, bán nợ cho VAMC, các ngân hàng nhận chỉ được lại một "tờ giấy" (trái phiếu đặc biệt) trong khi phải trích lập dự phòng tới 20% mỗi năm cho khoản nợ, vẫn phải gánh trách nhiệm xử lý món nợ đó, và nếu món nợ bán được phải trích lại một phần phí cho VAMC... là lý do ngân hàng không mặn mà bán tài sản cho VAMC.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư