Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngành cơ khí còn nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của Samsung, LG, Intel
Hải Hà - 23/09/2017 20:33
 
Nếu như 10 năm trước, Thái Lan là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế thì hiện tại với các nhà đầu tư, Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn. Tuy nhiên, các thiết bị sản xuất trong các doanh nghiệp Việt vẫn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường.
.
Thiết bị sản xuất trong các doanh nghiệp cơ khí Việt vẫn bị xem là nhỏ lẻ và không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu từ thị trường

Đây là khẳng định của ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES - đơn vị tổ chức triển lãm MTA (Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại) Hanoi 2017 trong cuộc họp báo về triển lãm vừa tổ chức tại Hà Nội.

Lý giải về khẳng định này, ông Tee cho rằng, các nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, trong khi Việt Nam có nhiều yếu tố giúp các doanh nghiệp đạt được chi phí tối giản nhất như lao động nhân công giá rẻ, với hơn 90 triệu dân, trong đó độ tuổi trung bình là 29,2 và đặc biệt là lao động Việt Nam ngày càng chứng tỏ trình độ chuyên môn tốt cùng khả năng học hỏi khiến chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên.

“Những doanh nghiệp đa quốc gia của chúng tôi đã từng khảo sát khi đưa cùng 1 dự án với công nghệ như nhau ở tất cả các thị trường có công ty thành viên của họ, câu trả lời là trong khi nhân công các nước khác thường đặt câu hỏi “Tại sao phải thay đổi?” thì nhân công Việt Nam tỏ ra sẵn sàng theo đuổi công nghệ mới. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp điện tử lớn chọn Việt Nam là điểm dừng chân vững chắc cho họ”, ông Tee nói.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh sản xuất công nghiệp toàn cầu của Deloitte mới đây cũng khẳng định, các nước như Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ sẽ tiếp tục là những quốc gia thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp gần đây cũng cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2017 ước tính tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016, chỉ số tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016-2017 là 22,4% đã đạt được vào tháng 2/2017.

Ông Tee dẫn chứng, năm 2014, Samsung đã nhìn được tiềm năng thị trường Việt Nam nên đã công bố nhiều kế hoạch đầu tư nhằm biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất trọng yếu với nhiều nhà máy được thiết lập tại cả khu vực phía Bắc và phía Nam.

Nhiều ông lớn công nghệ khác cũng có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam như LG Electronics, Intel hay Wintek Corp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù, Việt Nam đang đứng trước tiềm năng lớn khi đón nhận làn sóng đầu tư ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài, điều này cũng khiến các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển lớn nhưng thực tế tại các doanh nghiệp Việt cho thấy, phần lớn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất là các thiết bị nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và không được thường xuyên chuyển giao công nghệ mới.

Mặc dù định hướng phát triển của ngành từ nay tới 2020, tầm nhìn tới 2030 đã đặt ra là từng bước hình thành các ngành hỗ trợ phục vụ nhu cầu phát triển của ngành, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật trong khâu thiết kế, chế tạo, về lâu dài tập trung nghiên cứu và phát triển các thế hệ máy mới và chuyển giao công nghệ trong ngành nhằm nâng cấp công nghệ trong gia công cơ khí và mở rộng chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các lĩnh vực đang sử dụng dây chuyền và thiết bị nhập ngoại. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, mặc dù mục tiêu đã rõ nhưng thực tế các kỳ triển lãm về cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại cho thấy một thực tế là phần lớn các nhà cung cấp tham gia triển lãm vẫn là những doanh nghiệp ngoại.

Thông tin từ ban tổ chức MTA Hanoi 2017 vẫn cho thấy có tới 70% gian hàng tham gia triển lãm năm nay là những nhà sản xuất đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Isarel, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Úc, Italia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)….

Là một trong những doanh nghiệp tham gia triển lãm này, ông Michael Wang, Tổng giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Beijing Jingdiao tại Việt Nam cho biết: “Với năng lực sản xuất kinh doanh đang trên đà phát triển, nhu cầu về máy móc, thiết bị và dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam cũng theo đó sẽ gia tăng. Trong khi, MTA là triển lãm hội tụ đủ tất cả các ứng dụng công nghệ cần thiết dùng trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất. Do đó, việc tham gia MTA diễn ra tại Hà Nội được chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp cận nhanh hơn và gần hơn với thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam”.

Triển lãm MTA Hanoi 2017 diễn ra từ ừ 11-13/10 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (I.C.E), Hà Nội.

Tính đến thời điểm hiện tại, MTA Hanoi 2017 đã có 190 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Lượng khách tham quan MTA Hanoi 2017 được ban tổ chức dự kiến là 5.000 khách.

Chi hơn 8 tỷ USD nhập khẩu máy móc Trung Quốc tính từ đầu năm
Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố, chỉ riêng tháng 11, cả nước chi hơn 930 triệu USD nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư