Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Ngành công thương quyết liệt chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển
Thế Hoàng - 23/12/2024 15:12
 
"Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu song Bộ Công thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", sáng 23/12/2024.

Sáng 23/12 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", do Báo Công thương tổ chức.

Theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu về tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổng công ty, công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ.

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị; xử lý nghiêm các hành vi gây ra thất thoát lãng phí; làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức.

Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: "là một Bộ kinh tế đa ngành, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ luôn thực hành công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động của ngành Công thương, tạo nguồn lực phát triển kinh tế".

Trong năm 2021, Bộ tiết kiệm 4,5 tỷ đồng công tác phí, 1,2 tỷ đồng chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỷ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. 

Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Tổng công ty và công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm tới 10,9 tỷ đồng.

Đến năm 2022, các tổng công ty đã tiết kiệm chi phí quản lý 290,479 tỷ đồng. Năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 13,190 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao). Cùng với đó, các tổng công ty tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765,9 tỷ đồng.

Trên cơ sở tổng hợp dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của các đơn vị, Bộ đã chủ động cắt giảm khi xây dựng dự toán của Bộ Công thương như: tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên.

"Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu song Bộ Công thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương cho rằng: "Tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều khâu trong quá trình phát triển".

TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung ương
TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung ương.


Nhận diện một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, theo TS Trường: "Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Đó là lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả".

Việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm, đây cũng là một dạng lãng phí.

Cùng đó là lãng phí trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Dẫn chứng, TS Trường nói: "Vẫn còn tình trạng lập dự án để tranh thủ nguồn vốn tài trợ, vốn vay, vốn đầu tư công trong khi chưa có nhu cầu cấp thiết, dẫn đến công trình sau khi hoàn thành không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Tình trạng tính toán tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư không phù hợp, quyết định đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian do không bố trí đủ nguồn vốn, làm đội vốn lên gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, phát sinh nhiều tranh chấp trong quá trình triển khai dự án, dẫn đến một số dự án phải dừng thi công, sau nhiều năm không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nghiêm trọng tài sản nhà nước.

"Thời gian qua, “xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo; chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí; việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức”, ông Trường nêu rõ.

Cho rằng, tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc căn bản trong quản lý, gia tăng nguồn lực để phát triển của nhiều nước trên thế giới, PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: "Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó".

Công tác phòng, chống lãng phí theo PGS.TS Lê Hải Bình cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Theo đó, Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư