Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Ngành game tỷ USD khát nhân lực
Tú Ân - 04/11/2023 09:00
 
Ngành công nghiệp game quy mô tỷ USD của Việt Nam đang gặp rào cản lớn khi thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Đồ họa: Thanh Huyền

Thiếu tới 30.000 nhân lực

Báo cáo tổng quan game thế giới và Việt Nam của Công ty cổ phần VNG tại Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt năm 2023 cho thấy, năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game, doanh thu ngành game đạt 182,9 tỷ USD. Tính đến hết năm 2023, doanh thu ước đạt 187,7 tỷ USD; trong đó game di động chiếm phần lớn, với 92,6 tỷ USD. Dự báo năm 2026, thế giới sẽ có khoảng 3,79 tỷ người chơi game, doanh thu ngành ước đạt 212,4 tỷ USD.

Tại khu vực Đông Nam Á, báo cáo Newzoo cho thấy, doanh thu ngành game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019, lên 4,5 tỷ USD năm 2022 và ước đạt hơn 5,3 tỷ USD trong năm 2023, mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến khoảng 7,4%.

Tại Việt Nam, năm 2022, doanh thu ngành game đã vượt mốc 500 triệu USD. Đây là con số thống kê chính thức từ các bảng xếp hạng được công bố, nếu thống kê cả ở thanh toán nội địa, thì con số doanh thu ngành này còn lớn hơn nhiều.

Theo nhận định của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trong 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Điều này được thể hiện qua những con số: doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD, đứng thứ 5 tại Đông Nam Á; hơn 1/2 dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với ngành game. Hệ sinh thái game Việt cũng từng bước có tên tuổi dẫn đầu như: VNG, Amanotes, VTC. Trong đó có những tên tuổi tầm cỡ quốc tế như Amanotes… Ngành game Việt tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao, cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt cho mảng lập trình game, thiết kế game, đồ họa game.

“Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game có cơ hội trở thành một ngành xuất khẩu có giá trị, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo của khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC đánh giá.

Theo ông Huy, dù có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh, nhưng toàn ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa hình thành hệ sinh thái game thực sự, các công ty chưa tận dụng lợi thế hợp tác cùng nhau, các kỹ sư công nghệ giỏi làm game còn thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận đông đảo người dùng. Để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn, cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế và hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

“Việt Nam đang cần khoảng 30.000 nhân lực trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ. Chúng tôi đã nhận được một số tín hiệu tích cực từ một số bộ, ngành trong việc hỗ trợ ngành game phát triển. Đó chính là nguồn động viên, giúp các start-up Việt trở thành kỳ lân”, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG chia sẻ.

Còn bà Gaby Hiền, Giám đốc phát triển kinh doanh của Google Play cho rằng, kể từ sau “cơn sốt” do Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird tạo ra, chưa khi nào ngành game Việt lại nhận được nhiều sự chú ý như bây giờ. Nhu cầu của thị trường ngày một tăng lên, song nguồn nhân lực game không đáp ứng đủ.

Chưa có chuyên ngành đào tạo làm game

Lý giải cho vấn đề ngành game khát nhân lực, bà Gaby Hiền cho rằng, nguyên nhân chính là vấn đề định kiến đối với game, khi nhiều người vẫn cho rằng game là xấu. Điều đó đã tạo ra rào cản tâm lý, hạn chế khả năng tiếp cận với ngành game của nhiều bạn trẻ.

“Nhiều người làm trong ngành game đã 10 năm, nhưng không dám nói với bố mẹ về công việc của mình”, bà Hiền nói.

Tương tự, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, công nghiệp game mang về ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng lại nhận nhiều định kiến xã hội. Những nhân tài kiệt xuất trong ngành game có xu hướng ẩn mình, không muốn xuất đầu lộ diện. Chính những người đi học, đi làm trong ngành game cũng e ngại về những định kiến đó. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực làm game.

Ở dưới góc độ khác, ông Lã Xuân Thắng chỉ ra thực tế, Việt Nam chưa có đào tạo chuyên ngành về game. Nguồn nhân lực dành cho ngành game hiện nay thường là từ các “ngành gần" như CNTT, thiết kế đồ họa... Chúng ta vẫn chưa có mã ngành đào tạo bậc đại học cho ngành game. Trong khi đó, trong top 100 chương trình đào tạo bậc đại học về ngành game trên thế giới, thì tại châu Âu và Mỹ chiếm trên 60%.

Mới đây, một số trường đại học quốc tế ở Việt Nam như RMIT, Đại học Anh quốc (BUV) đã có các ngành và chuyên ngành về thiết kế game, thiết kế đồ hoạ cho game... nhưng vẫn chưa phổ biến, còn lại là các khóa học ngắn hạn.

“Vì là tuyển dụng từ ‘ngành gần’ nên chúng ta có đội ngũ nhân lực tương đối tốt cho các vị trí lập trình game, game artist..., nhưng game designer - những nhà thiết kế game thì còn rất thiếu, vì không có trường lớp đào tạo. Vị trí này gồm nhiều chuyên ngành hẹp bên trong, cần được đào tạo bài bản, bởi bao gồm cả yếu tố công nghệ, yếu tố văn hoá, lịch sử, nắm bắt nhu cầu, tâm lý người dùng để có  kịch bản game tốt”, ông Thắng phân tích.

Lãnh đạo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, sẽ phát triển nguồn nhân lực cho ngành game thông qua các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu cho ngành game, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đang làm các thủ tục để xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game. Trong khi đó, một  đơn vị khác thuộc Bộ là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cũng sẽ mở trung tâm đào tạo các khóa làm game ngắn hạn nhằm phục vụ những ai muốn học nhanh từ 3 đến 6 tháng để gia nhập ngay thị trường.

Gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp game tỷ USD
Dù mang lại lợi ích lớn, nhưng ngành game Việt Nam đang chật vật với nhiều rào cản từ sự kỳ thị của xã hội, các điểm nghẽn chính sách, sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư