Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Ngành kinh tế xanh cạnh tranh bằng click
Tú Ân - 24/04/2022 17:36
 
Doanh nghiệp du lịch - “ngành kinh tế xanh” đang chạy đua công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng với nhu cầu phát triển mới.

Cuộc đua chuyển đổi số

Ngành du lịch đã có khá nhiều ứng dụng đặt phòng phục vụ du lịch (OTA), như Chudu24, iVivu.com, Tripi, Vntrip OTA… để cạnh tranh với các dịch vụ quốc tế như Agoda, Booking, Trivago, Hotels, Airbnb, Traveloka…, song chưa thực sự lan tỏa khắp ngõ ngách của ngành. Chẳng hạn, vé điện tử được nhiều nước triển khai từ mấy chục năm trước, nhưng ở Việt Nam mới xuất hiện ở vài đơn vị tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hệ thống vé điện tử là một trong 3 hợp phần chuyển đổi số mà Trung tâm đang lập kế hoạch triển khai trong thời gian tới, gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; hệ thống quản lý vé điện tử; sản phẩm du lịch không gian 3 chiều. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bởi đây là đầu vào cho việc xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch.

Tuy chậm, nhưng đây là sự thay đổi tích cực của các đơn vị trong ngành du lịch. Từ chiếc vé điện tử, hành vi chuyển đổi số đơn giản nhất, một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ mới nhất vào du lịch.

Mới đây nhất, Crystabaya Pte Ltd đưa blockchain vào du lịch, giúp khách hàng có thể trực tiếp thấy được tình trạng phòng cùng các dịch vụ mà không phải lo lắng về việc không được xác nhận khi đặt phòng hay dịch vụ. Đồng thời, các chủ khách sạn, các điểm nghỉ dưỡng có thể giảm chi phí vận hành do cơ sở dữ liệu được lưu trữ đầy đủ và an toàn trên blockchain. Trong trường hợp kế hoạch du lịch bị thay đổi hoặc không có nhu cầu sử dụng các đặt phòng bằng NFT (NFT’s bookings), du khách có thể chia sẻ, tặng hoặc bán lại cho khách hàng khác trên sàn giao dịch Crystabaya vào bất kỳ thời điểm nào theo giá mong muốn.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu suất và tăng lượng khách hàng.

Tại Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, trước khi áp dụng chuyển đổi số, nhân viên bán tour mở từng file văn bản để điền thông tin. Việc này phải được thực hiện chính xác theo các mẫu chuẩn. Khi khách có sự thay đổi chương trình, nhân viên phải làm lại mất khoảng 30 phút. Trong khi đó, khi ứng dụng nền tảng công nghệ, toàn bộ mẫu chuẩn được thống nhất, nên nhân viên và quản lý điền trên cùng một  hệ thống quản trị. Trường hợp thay đổi chương trình, nhân viên chỉ mất khoảng 2 phút.

“Trước đây, với 100 booking cần 10 nhân viên xử lý trong 1 ngày, thì với cách làm chuyển đổi số hiện nay, 1 nhân viên có thể xử lý được 50 booking trong ngày và họ có thể làm ở nhà nếu muốn”, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam cho biết.

Cuộc cạnh tranh bằng click

Chỉ tay vào màn hình laptop hiển thị dữ liệu phân tích của Google Destination về tìm kiếm quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hoa, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Hoa nói: “Lượng tìm kiếm của khách du lịch quốc tế về hàng không đến Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng tới 200-250%/tháng, lượng tìm kiếm lưu trú tăng 50-100% /tháng… Cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch sẽ diễn ra trên Internet, trên môi trường số, từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng… Doanh nghiệp du lịch không cạnh tranh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ thì nên bỏ nghề”.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng (17,4 tỷ USD).

Còn ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập nền tảng Gotadi cho biết, nếu không chuyển đổi số, du lịch Việt Nam sẽ lạc hậu, không thể cạnh tranh nổi với nước ngoài. Hiện tại, việc đặt phòng qua trang OTA nước ngoài, các chủ khách sạn phải trả 30%, thậm chí 38% hoa hồng. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch Việt phải làm chủ được công nghệ thông tin để giúp doanh nghiệp cạnh tranh, đứng vững, phát triển.

Sau dịch bệnh, nhu cầu của khách đã thay đổi, với hầu hết hoạt động như đặt phòng, vé tàu xe, lưu trú, trải nghiệm… đều được thực hiện trên môi trường trực tuyến.

“Đó không chỉ là xu thế, mà là hiệu quả kinh doanh. Khi khách hàng chuyển sang đặt dịch vụ qua mạng, mà đơn vị cung cấp không chuyển động theo, thì doanh nghiệp đang tự loại mình ra khỏi cuộc đua”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Một trong 5 định hướng lớn của ngành du lịch trong thời gian tới là thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Do đó, khi hồi phục ngành du lịch, việc chuyển đổi số cần tiếp tục”.

Ngành du lịch đang bước vào một giai đoạn mới, với cuộc cạnh tranh không chỉ là giá cả, chất lượng dịch vụ, mà còn là tiện ích công nghệ, thanh toán online… Hy vọng rằng, cú hích chuyển đổi số sẽ nhanh chóng lan tỏa để giúp các doanh nghiệp vững vàng cạnh tranh và phát triển mạnh trong giai đoạn tới.

Doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số để phát triển đường dài
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, “tiếp sức” cho doanh nghiệp du lịch vượt qua “cơn bão” Covid-19, mà còn là chìa khóa để phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư