Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ngày 15/2: Đại hội cổ đông Eximbank có gì đáng chú ý?
T.V - 14/02/2022 08:06
 
Eximbank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2 để tiến hành bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên NHNN vào ngày 24/1/2022.

Bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới

Trước đó, Eximbank cũng đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ VII (2020- 2025) trong ngày 24/11/2021.

Số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Trong khi số lượng nhân sự ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.

Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ túc số tham dự.

Theo tài liệu của cuộc họp này, Eximbank dự kiến bầu mới 4 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là các lãnh đạo của Thành Công Group, Chứng khoán Rồng Việt gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi.

Trong khi đó, cả 9 thành viên HĐQT hiện nay gồm các ông bà Yasuhiro Saitoh, Nguyễn Quang Thông, Lê Quốc Minh, Cao Xuân Ninh, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Lương Thị Cẩm Tú đều không có tên trong danh sách đề cử.

Vào cuối tháng 7/2021, Eximbank đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 và một cuộc họp bất thường, tuy nhiên vẫn bất thành do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông dự định trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Tuy nhiên, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2021.

Trong kỳ ĐHCĐ thường niên lần thứ 2 dự kiến diễn ra ngày 15/2 tới, HĐQT Eximbank đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản Eximbank đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Eximbank, lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động bởi làn sóng Covid-19 thứ 4. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.

Chia tay Eximbank, SMCB sẽ nên duyên với ngân hàng nào?

Đáng chú ý, trong một diễn biến mới đây, Eximbank cũng cho biết đã chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC, kết thúc 14 năm hợp tác. 

Eximbank đồng ý "chia tay" đối tác ngoại, nhưng SMBC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank nắm giữ 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ Ngân hàng.

Tuy nhiên, các thông tin xuất hiện trên thị trường cho rằng, khả năng đối tác ngoại sớm "thoái" vốn khỏi Eximbank để chuyển sang hợp tác với một ngân hàng khác trong nước mà không ai khác là VPBank.

Trong một diễn biến khác, mới đây, tại buổi gặp gỡ trao đổi về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, lãnh đạo VPBank cho biết, việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.

Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm dẫn đầu toàn ngành.

Vào tháng 1 vừa qua, VPBank đã trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Phía ngân hàng này cũng cho biết, việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, việc hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% vốn cổ phần từ FE Credit đã mang về cho VPBank một lượng vốn đáng kể. Thương vụ này đã nâng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên gần 86.500 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu quy mô vốn chủ sở hữu.

Sau hoàn tất phát hành tăng vốn, hệ số an toàn vốn CAR theo chuẩn Basel II của VPBank đạt gần 14,3%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020.

Nhận định được đưa ra từ một số công ty chứng khoán, Tập đoàn tài chính Nhật Bản SMBC là một trong những đối tác tiềm năng trở thành cổ đông chiến lược của VPBank trong thời gian tới, sau khi hoàn tất với thương vụ mùa 49% cổ phần của FE Credit.

EIB là mã cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao nhất nhì nhóm cổ phiếu “vua” trong khoảng một quý trở lại đây, với mức tăng gần 50%.

Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng đột biến khi gấp 2-3 lần giai đoạn trước đó. Đáng chú ý hơn, ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây.

Trong phiên giao dịch ngày 10/2 xuất hiện giao dịch thoả thuận gần 12 triệu cổ phiếu EIB tại mức giá sàn 32.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 39,5 tỷ đồng. 

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EIB của Eximbank kết phiên ngày 11/2 đạt mức 35.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 27% trong một quý vừa qua.

Lợi nhuận năm 2021 của Eximbank giảm gần 18%
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, Mã: EIB) vừa có Nghị quyết thông qua đề xuất của ban điều hành về kế hoạch kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư