Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nghệ An: Bản Diềm thoát nghèo từ nghề mây tre đan truyền thống
T.H - 23/12/2018 20:31
 
Đi lên từ nghề truyền thống của cha ông, sản phẩm mây tre đan Bản Diềm (huyện Con Cuông, Nghệ An) là một gợi ý hay về lối thoát nghèo của người dân nơi miền núi xa xôi.

Từ trung tâm xã Châu Khê (huyện Con Cuông) đi thêm gần 10 km đường đất mới đến Bản Diềm - một bản vùng sâu biên giới Việt - Lào, nơi sinh sống của hơn 150 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai.

Chị Lang Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ mây tre đan Bản Diềm trình diễn kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Bá Hậu
Chị Lang Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ mây tre đan Bản Diềm trình diễn kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Bá Hậu

Chị Lang Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ mây tre đan Bản Diềm cho biết, Bản Diềm là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Thái và người Đan Lai. Nghề đan lát sản phẩm thủ công từ mây tre gắn liền với đời sống người dân từ xa xưa, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi… Tuy nhiên, lợi ích kinh tế từ việc sản xuất sản phẩm mây tre đan là không đáng kể.

Năm 2014, với sự hỗ trợ của các Dự án VIE 028, Dự án Oxfam Hồng Kong, Dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm ra đời với 22 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân, sức khỏe yếu, không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy. Sau một thời gian hoạt động, các thành viên hợp tác xã đã sáng tạo ra những hoa văn độc đáo trên các sản phẩm mây tre đan, giống hoa văn trên những tấm thổ cẩm xưa. 

“Hiện tại, chúng tôi đã mua máy gọt mây, chẻ mây, thu nhập của mỗi thành viên HTX đã được 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy chưa phải là mức thu nhập cao, nhưng ở một bản nghèo như Bản Diềm thì đây là thu nhập mơ ước với người dân”, chị Hoa cho biết.

Sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm chủ yếu được dùng làm đồ lưu niệm, trang trí độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều khách du lịch châu Âu như Anh, Đức, Pháp… rất yêu thích sản phẩm lưu niệm này. Đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, nghề đan của người dân ở Bản Diềm trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nên nhiều hộ gia đình đã phải chuyển sang nghề khác, thời điểm sản phẩm tiêu thụ được thì thiếu nguyên liệu sản xuất do rừng đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình quản lý, nên sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập không ổn định…

Trước thực trạng đó, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà tài trợ nước ngoài để bảo tồn và đưa làng nghề đan lát ở Bản Diềm phát triển theo hướng bền vững, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chính quyền huyện Con Cuông đã xây dựng đề án riêng cho làng nghề đan ở Bản Diềm. Thành lập các tổ hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm, bảo tồn, phát triển gắn với du lịch cộng đồng của huyện.

Đi lên từ nghề truyền thống của cha ông, Bản Diềm hiện là điểm sáng trong việc khai thác tiềm năng hợp lý từ rừng và phát triển du lịch ở huyện miền núi Con Cuông.

[Infographic] Nông dân Việt Nam thi đua xây dựng nông thôn mới
Với chủ đề “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư