Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Tôi dám hy sinh vì nghề”
Hồ Hạ - 04/02/2023 09:35
 
Nghệ nhân, doanh nhân, “phù thủy sơn mài” Nguyễn Tấn Phát Gây ấn tượng mạnh với những bộ sưu tập tượng điêu khắc sơn mài đồ sộ như 1010 tượng trâu, 2022 tượng hổ và năm nay là 2023 tượng mèo.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát và những chú mèo trong bộ sưu tập 2023 tượng mèo điêu khắc sơn mài
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát và những chú mèo trong bộ sưu tập 2023 tượng mèo điêu khắc sơn mài. (Ảnh: Hồ Hạ)

Gây ấn tượng mạnh với những bộ sưu tập tượng điêu khắc sơn mài đồ sộ như 1010 tượng trâu, 2022 tượng hổ và năm nay là 2023 tượng mèo, nghệ nhân, doanh nhân, “phù thủy sơn mài” Nguyễn Tấn Phát là người có sức sáng tạo phi thường, dám hy sinh vì nghề, nỗ lực gìn giữ, quảng bá nghề sơn mài truyền thống, thổi hồn văn hóa để nâng tầm sản phẩm mỹ thuật...

Nỗ lực tôn vinh sức sáng tạo của người Việt

Bước vào không gian trưng bày, cũng là nơi dạy nghề sơn mài miễn phí của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), hương trầm tỏa an yên, khách tới thăm sẽ ấn tượng mạnh với vườn tượng điêu khắc sơn mài 2023 chú mèo muôn hình vạn trạng. Mèo nhà béo tròn. Mèo cổng làng gắn với bóng dáng làng quê Việt Nam. Mèo đĩa nằm khoan thai. Mèo chuông nhí nhảnh. Mèo con sưởi nắng bên hiên…

Đặc biệt, bộ ghế mèo “bữa tiệc ngày xuân” gồm 7 ghế và 1 bàn cá trưng giữa khoảng sân rộng mang đậm phong cách tranh Đông Hồ, gửi gắm tình đoàn kết cùng những hy vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người Việt trong năm mới… Không gian “đặc quánh” nghệ thuật mãn nhãn ấy khiến người xem muốn nhìn ngắm mãi không thôi.

Nếu như điêu khắc sơn mài mèo trên gỗ mít và tre chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, thì sự kết hợp với chất liệu đá ong là một sự đột phá mang nhiều mỹ cảm. Nguyễn Tấn Phát đã chắt lọc, liên nối các chất liệu với văn hóa dân gian, với biểu tượng kiến trúc, phù điêu Bắc bộ để làm nên bộ tượng mèo đồ sộ, độc bản và nguyên bản.

Tôi mong muốn phá vỡ sự nhàm chán, rập khuôn, khi mà cuộc sống thị trường ngày càng chạy theo lợi nhuận, khuôn mẫu, khô khan và công nghiệp.

- Nghệ nhân, doanh nhân Nguyễn Tấn Phát

Anh chia sẻ: “Tôi là người dám hy sinh vì nghề và luôn nỗ lực tôn vinh sức sáng tạo, khả năng sáng tạo vô tận của người Việt. Tôi mong muốn phá vỡ sự nhàm chán, rập khuôn, khi mà cuộc sống thị trường ngày càng chạy theo lợi nhuận, khuôn mẫu, khô khan và công nghiệp”.

Cũng bởi thế, mỗi sản phẩm tượng điêu khắc sơn mài mèo của Nguyễn Tấn Phát đều mang trong mình một câu chuyện, một nét văn hóa, một cuộc đời riêng. “Qua bộ sưu tập, tôi muốn gửi thông điệp tôn vinh tính sáng tạo, vì chỉ có sáng tạo mới giúp phát huy được giá trị trong mỗi con người”, nghệ nhân sinh năm 1983 tự hào nói.

Quan điểm làm nghệ thuật của Nguyễn Tấn Phát là mong muốn nghệ thuật thủ công phải bằng một cách nào đó dễ dàng tiếp cận với đời sống của người Việt. Muốn vậy, người nghệ sĩ sáng tác phải tạo nên những sự khác thường. Số lượng tác phẩm lớn và có ý nghĩa chính là sự khác thường anh tạo ra. Sáng tạo 2023 tác phẩm, mà mỗi tác phẩm đều là độc bản và thực hiện thủ công hoàn toàn một cách tỉ mỉ, đều đặn hàng năm, là điều rất hiếm nghệ sĩ, nghệ nhân có thể làm được.

Chọn gắn chặt với nghề thủ công truyền thống

Các tác phẩm tượng điêu khắc sơn mài của Nguyễn Tấn Phát ngày càng được yêu thích bởi người nghệ nhân tài ba luôn kết hợp với công năng sử dụng như làm đèn ngủ, đốt trầm, khay đựng trái cây, lọ cắm hoa… vào trong đó. Mong muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình những câu chuyện sống động về văn hóa Việt Nam, “phù thủy sơn mài” luôn cố gắng đưa tạo hình cổng làng, gác chuông, hoa văn cổ... vào tượng mèo một cách sinh động.

“Tôi luôn chọn cách nhấn mạnh văn hóa quê hương xứ Đoài như một lời tri ân. Có lẽ vì thế mà các tác phẩm điêu khắc sơn mài của tôi được nhận xét là mang hơi thở của làng quê Việt Nam”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bộc bạch.

Từ nhỏ, Nguyễn Tấn Phát đã theo ông và bố ra sân đình, đến nhiều đền, chùa. Dần dần, anh yêu nghệ thuật điêu khắc, yêu những hoa văn thuần Việt. Phát vẽ mọi lúc, mọi nơi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh theo học Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, rồi bén duyên với sơn mài truyền thống.


Từ năm 2010 đến nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát liên tục được nhận những giải thưởng uy tín của Hà Nội và nhiều địa phương, trong đó phải kể đến giải cao nhất tại Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội các năm 2014, 2019, 2020, 2021, 2022... Năm 2017, ở tuổi 34, Nguyễn Tấn Phát được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.

Làm nghề thủ công, mỗi người thường chọn một lối đi riêng. Ngay từ đầu, anh đã chọn gắn chặt với nghề thủ công truyền thống, mỗi tác phẩm luôn chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp gửi đến cộng đồng. Sáng tạo những tác phẩm độc bản, gắn với nghệ thuật thủ công và những sự kiện lớn của đất nước là hướng đi không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn, lại không đạt lợi nhuận cao như sản xuất hàng loạt. Nhưng đổi lại, những tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát có sự lan tỏa đến với cộng đồng bền vững hơn.

“Đó cũng là cách tôi đưa nghệ thuật thủ công, nghệ thuật sơn mài ra quốc tế nhanh hơn”, anh khẳng định.

Mỗi tác phẩm điêu khắc sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chứa đựng nhiều tâm huyết, kỳ công, thường phải mất cả tháng mới hoàn thành, vì phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đến đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên cả chục lớp sơn, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo phần hồn… Nhọc nhằn là thế, nhưng anh vẫn bền bỉ với sơn mài truyền thống.

Không phải ai cũng dám hy sinh vì nghề như Nguyễn Tấn Phát. Bởi không phải lúc nào việc kết hợp sơn mài với các chất liệu khác cũng thành công. Nghệ nhân làng cổ tâm sự: “Tôi có cả kho tác phẩm bị hỏng hoặc làm ra chỉ để hỏng. Nhưng tôi tự hào vì mình là người dám mạo hiểm, dám thử nghiệm, dám chấp nhận thất bại, nên đã có được nhiều kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới và sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn”.

Là họa sĩ, nghệ nhân, đồng thời cũng là doanh nhân, Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh thành lập Công ty TNHH Dola Việt Nam không nhằm sản xuất hàng hóa hàng loạt, mà để đưa sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam ra thế giới. Giai đoạn Covid-19 bùng phát, mảng xuất khẩu và kinh doanh quà lưu niệm phục vụ khách nước ngoài gần như đóng băng. Trong cái khó ló cái khôn. Sau nửa năm chống đỡ và xoay xở tìm con đường mới, Nguyễn Tấn Phát đã chủ động đẩy mạnh sáng tác những bức tượng điêu khắc sơn mài con giáp để phục vụ thị trường trong nước.

Có thể nói, 3 năm vừa qua là khoảng thời gian Nguyễn Tấn Phát thăng hoa trong sáng tạo và khá thành công với những bức tượng điêu khắc sơn mài. Tác phẩm của anh mang trong mình hơi thở của người Việt, đậm chất dân gian, khơi gợi, lan tỏa giá trị, niềm tự hào của người Việt, nên đã nhanh chóng đi vào đời sống.

“Covid-19 đã khiến tôi và rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nhận ra mình đang mải mê với thị trường xuất khẩu mà quên mất thị trường trong nước gần 100 triệu dân đầy tiềm năng”, Nguyễn Tấn Phát nói. Anh nhận thấy, tư duy, gu thẩm mỹ, “phông” mỹ thuật đời sống của người Việt đã được nâng cao hơn rất nhiều. Cho nên, sản phẩm đạt đủ yếu tố về tính thẩm mỹ, giá trị sử dụng và giá trị về tinh thần luôn được khách hàng đón nhận.

Một trong những yếu tố để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có được thành công là bởi, tác phẩm của anh thuận theo dòng chảy nghệ thuật ứng dụng đương đại. “Trước đây, tác phẩm nghệ thuật bị ấn định là để nhìn, chứ không phải ứng dụng. Tuy nhiên, tôi luôn đưa tính ứng dụng vào tác phẩm của mình. Các sản phẩm, tác phẩm làm ra phải có tính ứng dụng. Tôi có may mắn là hoạt động trong cả hai vai trò họa sĩ và nghệ nhân, nên luôn chủ động đứng vững trước khá nhiều thách thức, quan trọng nhất vẫn là tự mình làm chủ công việc, tự tìm hướng phát triển”. 

Mỗi ngày, Nguyễn Tấn Phát dành khoảng 18 giờ để làm việc. Với triết lý làm nghề vì cộng đồng, ngoài việc theo đuổi đam mê, nghệ nhân làng cổ luôn phát triển nghề lồng ghép với việc truyền nghề. Năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát khai giảng lớp học về sơn mài cho những người yêu nghệ thuật và muốn phát triển nghề thủ công. Hiện anh còn đứng lớp truyền nghề cho một số người dân địa phương hoàn toàn miễn phí. Anh mong muốn giúp thế hệ trẻ có khát khao học nghề có thể nắm được cách làm sơn mài, hiểu rõ lịch sử của nghề sơn mài, qua đó thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, đời sống của người Việt và thêm trân quý, nâng niu nghề thủ công truyền thống của cha ông, đồng thời làm tốt hơn nữa sứ mệnh quảng bá, gìn giữ những vốn quý của dân tộc.

Riêng với việc truyền nghề cho người dân làng cổ Đường Lâm, anh mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ, để du khách đến đây có nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp. “Việc truyền nghề đã tiếp cận được nhiều người, nhưng khó lòng giữ họ ở lại và bền bỉ theo đuổi nghề sơn mài. Trong thời gian tới, tôi mong được địa phương hỗ trợ, để việc dạy và học nghề miễn phí được đẩy mạnh, góp phần giữ được làng nghề truyền thống”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.

Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn được sự giúp sức của chính quyền, cơ quan quản lý trong việc liên kết với các công ty du lịch để cùng xây dựng điểm đến, hình thành tour du lịch làng nghề tại Sơn Tây (Hà Nội). Bởi, việc phát triển du lịch đồng nghĩa với thúc đẩy kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ đào tạo nghề…

Sau 20 năm làm nghề, Nguyễn Tấn Phát khẳng định: “Đến giờ phút này, thành quả lớn nhất của tôi không phải là giá trị vật chất hay số lượng tác phẩm, mà là đã góp phần giới thiệu những tinh hoa nghề thủ công, những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến với đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế”.

Khát khao lớn nhất của Nguyễn Tấn Phát là đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu. Anh luôn đau đáu làm sao để không chỉ phát triển bản thân và doanh nghiệp của mình, mà còn hỗ trợ nghệ nhân ở các làng nghề thiết kế, tạo ra những sản phẩm đẹp, độc, lạ, mang đậm bản sắc để chiếm lĩnh thị trường quà lưu niệm thế giới. Và chắc chắn, anh vẫn sẽ miệt mài, bền bỉ với con đường đã chọn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư