Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nghị quyết về FDI và hiệu lực thực thi
Nguyên Đức - 02/10/2013 17:42
 
Nhìn vào con số trên 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được trong 9 tháng đầu năm, có thể lấy làm mừng về sự hồi phục của dòng vốn này sau mấy năm suy giảm. Nhưng để thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI theo đúng mục tiêu, định hướng và có thể tối hóa lợi ích dòng vốn FDI, thì còn nhiều việc phải làm.

Có lẽ sát sườn nhất là việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Nghị quyết 103/NQ-CP đã được Chính phủ ban hành từ hơn 1 tháng trước (ngày 29/8) và để thực hiện Nghị quyết, 60 nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Tới thời điểm này, tức là hết quý III/2013, đã có một số phần việc phải hoàn tất, như hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng ký lại, chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp FDI, xây dựng Quy chế Quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư, nghiên cứu xu hướng đầu tư của một số đối tác chiến lược…

Gối đầu quý IV/2013, có trên 30 phần việc, bao gồm xây dựng và trình Chính phủ hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc xây dựng danh mục dự án kêu gọi thu hút FDI, nghiên cứu cơ chế để chống chuyển giá, hay xây dựng đề án thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, xây dựng Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi FDI… Sau nữa là các phần việc liên quan đến sửa Luật Đầu tư, nghiên cứu và xây dựng Luật Khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ… Hạn định là năm 2014.

Rất nhiều việc phải làm, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu hiệu lực thực thi của Nghị quyết 103/NQ-CP có được đảm bảo?

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cách đây 2 năm, ngày 19/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1617 về Tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI trong thời gian tới. Cũng đã có 32 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, với thời hạn cụ thể. Nhưng để kiểm điểm lại, một điều chắc chắn rằng, nhiều nhiệm vụ trong số này chưa hoàn thành. Việc xây dựng cơ chế phối hợp quản lý FDI giữa Trung ương và địa phương là một ví dụ.

Vốn FDI vào Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng chưa có gì để đảm bảo chắc chắn ưu thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam là cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, nếu không muốn nói là có phần thua sút. Khi mà ngay cả người đứng đầu ngành kế hoạch cũng phải thừa nhận môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam có vấn đề, thì một điều rõ ràng là không thể không tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nếu không muốn bị chậm chân trong cuộc đua thu hút FDI.

Nghị quyết 103/NQ-CP được coi là “kim chỉ nam” cho các hành động này. Nhưng sẽ không là gì cả nếu như các bộ, ngành, địa phương không thực sự vào cuộc và nghiêm túc thực thi Nghị quyết.

Đã có chuyên gia trong lĩnh vực FDI nhắc đến việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là vấn đề thời gian, tiến độ. Lý do là cơ hội kinh doanh chỉ mang tính thời điểm, và chúng ta chỉ có thể thu hút được luồng vốn FDI nếu đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư đúng lúc, đúng chỗ.

Tính thời điểm, sự đúng lúc và đúng chỗ; nghị quyết và hiệu lực thực thi... Đó là điều cần nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư