Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nghi Sơn gọi vốn đầu tư
Nguyên Đức - 10/10/2013 08:28
 
Trong hai ngày 23 - 24/10/2013, Thanh Hóa sẽ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận. Ngay trước khi Diễn đàn diễn ra, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn 9 tỷ USD, dự án mang ý nghĩa động lực cho Nghi Sơn, chính thức được khởi công xây dựng. >>> Khởi công Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 23/10 >>> Cảng PTSC Thanh Hóa đón tàu 57.000 tấn >>> Nghi Sơn bắt đầu nạo vét các công trình biển

“Chúng tôi hy vọng, việc khởi công Dự án sẽ tạo động lực để Thanh Hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ Nhật Bản và Kuwait”, ông Kazutoshi Shimura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chia sẻ như vậy và cho biết, trách nhiệm của ông là, “đảm bảo cho sự thành công của Dự án và đưa Liên hợp Lọc hóa dầu hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam này hoàn thành vào giữa năm 2017, cung cấp 10 triệu tấn/năm ra thị trường”.

Hạ tầng cảng biển tạo thêm ưu thế trong thu hút đầu tư cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Đức Thanh

Với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, trong đó Công ty Dầu khí Kuwait và Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản cùng nắm giữ mỗi bên 35,1%, sau đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (25,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (4,7%), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đánh giá có ý nghĩa vai trò động lực trong thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, mà cụ thể là Khu kinh tế Nghi Sơn và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Năm ngoái, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên thực hiện việc “chấm điểm” các khu kinh tế để ưu tiên đầu tư hạ tầng, Khu kinh tế Nghi Sơn đã giành điểm cao nhờ có Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng hệ thống cảng biển đã và đang được xây dựng.

“Việc khởi công Lọc dầu Nghi Sơn, cộng với việc triển khai một loạt dự án khác như Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 2.400 MW, các dự án xi măng với quy mô 9,3 triệu tấn/năm, hệ thống cảng tổng hợp, cảng dân dụng nước sâu… sẽ là động lực mới, có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận của tỉnh Thanh Hóa”, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận nói.

Thông tin được ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, tính đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 226 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng và 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 12,25 tỷ USD. Trong đó, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 74 dự án đầu tư, trong đó có 8 dự án FDI, vốn đăng ký 12,1 tỷ USD.

Có thể kể hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã và đang được triển khai xây dựng ở Khu kinh tế Nghi Sơn, ngoài Lọc hóa dầu Nghi Sơn, như Nhiệt điện Nghi Sơn 1, 600 MW, vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; Nhiệt điện Nghi Sơn 2, 2.400 MW, vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, do Liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) triển khai theo hình thức BOT; rồi Nhiệt điện Công Thanh, 600 MW, 900 triệu USD; hay Xi măng Nghi Sơn, 4,3 triệu tấn, 700 triệu USD ; Xi măng Công Thanh, 5 triệu tấn/năm, 700 triệu USD…

“Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, đồng thời cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Thanh Hóa”, ông Hòa nói, như lý giải lý do vì sao lần đầu tiên Thanh Hóa tổ chức một diễn đàn xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư.

Theo dự kiến, trong khuôn khổ Diễn đàn, Thanh Hóa sẽ trao chứng nhận đầu tư và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư cho một số dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Trong số này, theo ông Xứng, đáng chú ý có Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, các dự án hạ tầng giao thông, cảng biển… và đặc biệt có một dự án chăn nuôi bò sữa, vốn đầu tư 100 triệu USD.

“Đến với Thanh Hóa, các nhà đầu tư sẽ được tạo thuận lợi nhất trong làm thủ tục đầu tư, cũng như trong triển khai thực hiện dự án. Chúng tôi cam kết các nhà đầu tư khi đến Nghi Sơn, sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất về quyền lợi và thấp nhất về nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Xứng khẳng định.

Không chỉ định thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, mục tiêu của Thanh Hóa tại Diễn đàn còn là gọi vốn đầu tư vào một loạt khu công nghiệp đã và đang được triển khai trên địa bàn, như các khu công nghiệp Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Lễ Môn, Hoàng Long, Thạch Quảng, Bãi Trành… và Khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư