Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới: Lỗ lớn, doanh nghiệp "sợ đến già"
 
Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tăng đã gây thua lỗ không nhỏ ở nghiệp vụ này tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016. Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, câu chuyện siết lại nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đã được nhiều doanh nghiệp trong ngành đề cập.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm “méo mặt” với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm “méo mặt” với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất tại khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đây cũng chính là nghiệp vụ tạo đà tăng trưởng cao cho các doanh nghiệp trong ngành, nên bồi thường cao và chi phí lớn cũng là điều dễ hiểu, nhất là với các doanh nghiệp ở thời kỳ đầu dồn sức cho mảng này.

Chưa kể, việc áp phí bảo hiểm vật chất xe tăng theo quy định của Bộ Tài chính từ cách đây 2 năm, trong đó mức phí bảo hiểm vật chất xe và trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới năm 2016 đã tăng 10% vẫn chưa được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ triển khai triệt để.

Dù lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn có tình trạng đơn vị thành viên tiếp tục hạ phí do lo sợ khách hàng “chạy” sang mua bảo hiểm của công ty khác.

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường ước đạt 11.994 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, đóng góp 32% tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ.

Dẫn đầu về doanh thu là Bảo hiểm Bảo Việt (ước đạt trên 2.175 tỷ đồng), thứ 2 là PTI (ước trên 1.855 tỷ đồng), thứ 3 là Bảo hiểm PVI (ước trên 1.710 tỷ đồng), PJICO đứng thứ 4 (ước đạt 1.081 tỷ đồng), Bảo Minh đứng thứ 5 (ước đạt hơn 832 tỷ đồng).

Những doanh nghiệp có doanh thu cao nhất từ mảng bảo hiểm xe cơ giới cũng nằm trong Top có chi phí bồi thường cao nhất. Theo báo cáo nhanh của IAV, năm qua, chi phí bồi thường của Bảo hiểm PVI là 1.096 tỷ đồng, tương đương chiếm 64% doanh thu phí.

Bảo hiểm Bảo Việt ước bồi thường 1.098,3 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 50% doanh thu. PTI ước bồi thường năm 2016 hơn 854 tỷ đồng, tương đương 46% doanh thu...

Năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường ước đạt 11.994 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, đóng góp 32% tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. 

IAV chưa công bố số lỗ chính thức từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trên toàn thị trường năm 2016, nhưng theo một chuyên gia trong ngành, nếu tỷ lệ bồi thường/doanh thu từ mảng này vượt 50%, doanh nghiệp khó lòng có lãi nếu như không kiểm soát tốt các chi phí khác.

Một thông tin được nhiều người trong ngành chia sẻ là, lỗ lớn từ mảng này cộng thêm với việc chưa đạt hiệu quả ở mảng bảo hiểm sức khỏe đã buộc Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành phải ký gần 30 quyết định sa thải, điều chuyển công việc đối với các nhân sự trong đơn vị thành viên, bộ phận có liên quan ngay trước thời điểm Tết Âm lịch vừa qua.

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 CTCP PVI (PVI) mới đây, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc Bảo hiểm PVI (công ty con của PVI) sẽ kiểm soát hiệu quả kinh doanh từ mảng xe ra sao khi năm 2016 lỗ lớn từ mảng này, với ước tính lỗ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe khoảng 500 tỷ đồng.

Ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI khẳng định, đúng là mảng bảo hiểm xe cơ giới hiện tại chưa mang lại hiệu quả cao, nhưng PVI kỳ vọng sẽ có những tín hiệu tích cực hơn trong 2 năm tới và chủ trương PVI vẫn là tập trung hiệu quả hoạt động, chứ không phải là tăng trưởng doanh số và mảng bảo hiểm công nghiệp vẫn là thế mạnh cốt lõi.

Năm 2017, giá xe ô tô dự báo giảm 10%, nhu cầu tiêu thụ xe tăng theo, và theo dự báo của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, nhu cầu bảo hiểm và tỷ lệ phí cũng như giá sửa chữa xe chính hãng dự kiến tăng 10%… Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Thực tế, có tình trạng các cố vấn dịch vụ bị giao cả chỉ tiêu doanh thu sửa chữa nên phát sinh tình trạng thông đồng với chủ xe “vẽ ra” chi phí. Năm 2016, theo tìm hiểu của phóng viên, có doanh nghiệp lỗ lớn do ảnh hưởng qua đại lý qua các hãng xe như Huyndai, Toyota (có tỷ lệ bồi thường/doanh thu phí lên đến 100%).

Ghi nhận từ một doanh nghiệp từng đứng nhất, nhì về doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới thì khoản lỗ 80 tỷ đồng từ mảng này vào năm 2013 đã khiến doanh nghiệp “sợ đến già” và đang cố kiểm soát lỗ nghiệp vụ này quanh ngưỡng 10 tỷ đồng.

Với PTI, theo Tổng giám đốc Bùi Xuân Thu, năm nay, nâng cao hiệu quả nghiệp vụ bảo hiểm ô tô là 1 trong 7 nhóm giải pháp chính của Tổng công ty để nâng cao hiệu hoạt động kinh doanh. Theo đó, PTI không đặt tốc độ tăng trưởng “nóng” như năm trước, với chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu chung của các mảng nghiệp vụ là 7,2%, so với mức 26% năm 2016.                   

Từ 1/4, phí bảo hiểm xe cơ giới tăng "phi mã" 20%
Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ đầu tháng 4/2016 tới đây.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư