Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Người dùng sẽ quyết định tiến độ thương mại hóa 5G
Hữu Tuấn - 26/10/2021 06:39
 
Việc thương mại hóa 5G diện rộng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu người dùng và hệ sinh thái các dịch vụ trên nền tảng công nghệ này.

Phổ cập 5G tới lĩnh vực nào

SEA Games 31 dự kiến khai mạc vào tháng 5/2022 tại Hà Nội sẽ là lần đầu tiên, các giải đấu được truyền hình trực tiếp bằng công nghệ 5G với độ trễ gần như bằng không, âm thanh, hình ảnh như nhìn trực tiếp. Tiếp đó, 5G cũng sẽ được đưa vào hoạt động của các doanh nghiệp như xe tự hành, robot tự hành trong khu công nghiệp; hub vận tải, logistics; camera 5G đặt tại nút giao thông… Phổ cập 5G là điều kiện tiên quyết để các nhà mạng “xuống tiền” đầu tư hạ tầng nhằm thương mại hóa diện rộng.

“Chiến lược sắp tới của Viettel là thúc đẩy các dịch vụ trên công nghệ 5G, IoT, điện toán đám mây, AI... Viettel không thể một mình xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, mà cần có sự tham gia của các start-up, nhà phát triển ứng dụng, cộng đồng khoa học công nghệ để mang tới cho doanh nghiệp, khách hàng những ứng dụng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng 5G”, ông Nguyễn Trọng Công, kiến trúc sư trưởng Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) cho biết.

Tại Việt Nam, các nhà mạng vẫn đang loay hoay bài toán đầu tư thương mại hóa 5G. Trong đó, phổ cập công nghệ 5G tới lĩnh vực nào đang được đặt ra.

Ông Alex Orange, Giám đốc cấp cao Qualcomm tại Đông Nam Á khuyến nghị, Việt Nam cần cân nhắc xem 5G sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực nào, khi mà ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nông nghiệp, khai khoáng.

Thực tế, mạng 5G sẽ là nền tảng cho nông nghiệp chính xác, hay thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục số, y tế, khám chữa bệnh từ xa, phẫu thuật, logistics, sản xuất thông minh...

“Hiện nay giá logistics của Việt Nam rất cao, chúng ta có thể ứng dụng 5G để tăng hiệu quả sử dụng kho bãi, giảm chi phí. Về sản xuất, với độ trễ thấp, Việt Nam có thể sử dụng 5G để xây dựng các giải pháp nhà máy thông minh”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia đề xuất.

Còn theo Huawei, trong lĩnh vực doanh nghiệp, đã có 10.000 dự án khai thác các ứng dụng B2B (Business to Busines) của 5G trên khắp thế giới. Ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp như sản xuất, khai thác mỏ và cảng đã qua giai đoạn thử nghiệm và đang được nhân rộng trên quy mô lớn.

Ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei đã chỉ ra 3 lĩnh vực có thể hợp tác để thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của 5G, bao gồm các dịch vụ thực tế ảo mở rộng (XR), thị trường B2B và phát triển carbon thấp. Các nhà mạng cần chuẩn bị mạng lưới, thiết bị và nội dung sẵn sàng cho sự phát triển bùng nổ XR. 

“Mồi lửa” từ nhà mạng

Bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất để chủ động hạ tầng mạng lưới 5G, các nhà mạng là Viettel và VNPT đã có động thái thúc đẩy cộng đồng cùng nghiên cứu, phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ, sản phẩm trên nền tảng công nghệ 5G.

Mới đây nhất, Viettel đã thành lập 2 phòng Lab Viettel Innovation tại Hà Nội và TP.HCM với mô hình lab mở. Viettel Innovation Lab được trang bị thiết bị hiện đại nhất cho các nhà phát triển, start-up, nhà nghiên cứu sử dụng và phát triển ý tưởng, đánh giá phân tích với hạ tầng mạng lưới Viettel, đưa ra mô hình kinh doanh… với chi phí bằng 0.

“Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang nghiên cứu ứng dụng 5G trong Camera Smarthome 5G, xe tự lái, robot tự hành… dự kiến công bố vào đầu năm 2022. Theo đó, các đơn vị được sử dụng miễn phí toàn bộ lab, nơi làm việc, cho sử dụng tài nguyên mà Viettel đang kinh doanh, họ được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để hỗ trợ thực hiện ý tưởng. Viettel cam kết hỗ trợ toàn bộ quá trình nghiên cứu phát triển, đảm bảo việc bảo mật quyền tác giả và kết nối các doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Trọng Công cho hay.

Trước đó, Qualcomm cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đầu tiên ở Đông Nam Á tại Hà Nội, phát triển công nghệ 4G, 5G, IoT.  Trung tâm mới của Qualcomm bên cạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, còn cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho các công ty, start-up Việt Nam. 

Với Samsung, dự kiến cuối năm 2022, Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ đi vào hoạt động. Trung tâm này không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mà còn trong cả các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như 5G, AI, IoT, Big Data… và đây cũng là nơi kiểm chứng các thiết bị mạng 5G. Samsung và Viettel cũng đã ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển thiết bị, cơ sở hạ tầng mạng viễn thông 5G.

Còn VNPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G.

Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) dự đoán, 5G sẽ đóng góp 5.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025, mang lại lợi ích cho tất cả các lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn này, trong đó dịch vụ và sản xuất có tác động mạnh nhất.
Nhà mạng sắp được giải "cơn khát" băng tần 4G, 5G
Dự kiến Nghị định về đấu giá băng tần sẽ được Chính phủ ban hành trong quý IV/2021, khai thông cho các nhà mạng đang "khát" tần số 4G và 5G.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư