Thứ Ba, Ngày 15 tháng 07 năm 2025,
Nhà đầu tư nước ngoài vững cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam
Nguyên Đức - 15/07/2025 12:04
 
Giữa nỗi lo về những ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Nhà máy Coca-Cola miền Nam tại tỉnh Tây Ninh.

Thêm niềm tin, vững cam kết

Cuối tuần trước, Nhà máy Sản xuất nước giải khát Coca-Coca ở Tây Ninh đã được Tập đoàn Swire Coca-Coca (Mỹ, Anh) chính thức khánh thành. Với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD, công suất lên tới 1 tỷ lít đồ uống/năm, đây không chỉ là nhà máy có quy mô lớn nhất của Coca-Cola ở Việt Nam, mà còn là nhà máy thực phẩm và đồ uống đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận công trình xanh LEED (V4: BD+C) cấp độ Vàng.

“Hơn cả việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhà máy này thể hiện sự tận tâm của chúng tôi đối với tầm nhìn phát triển bền vững và khát vọng tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho các cộng đồng nơi chúng tôi gọi là nhà trên khắp Việt Nam”, bà Milly Cheng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam nói.

Cũng theo bà Milly Cheng, lễ khánh thành nhà máy mới tại Tây Ninh đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình của Coca-Cola tại Việt Nam. “Cơ sở sản xuất hiện đại hàng đầu với sự giao thoa giữa đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững - đã thể hiện niềm tin mạnh mẽ của chúng tôi vào tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường Việt Nam và cam kết đầu tư lâu dài tại đây”, bà Milly Cheng nhấn mạnh.

Coca-Coca không phải là nhà đầu tư duy nhất vì tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam mà “cam kết đầu tư lâu dài”. Tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã quyết định đầu tư và hồi đầu tháng 4/2025 chính thức khánh thành nhà máy 1,3 tỷ USD ở Bình Dương (nay là TP.HCM). Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) mới đây đầu tư dự án 1 tỷ USD ở Bình Định (nay là Gia Lai)…

Trước đó, hồi tháng 4/2025, Nestlé đã công bố đầu tư thêm 75 triệu USD để mở rộng Nhà máy Nestlé Trị An ở Đồng Nai, đưa tổng vốn đầu tư của nhà máy này lên 175 triệu USD, đồng thời đưa tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam lên hơn 900 triệu USD.

“Khoản đầu tư mở rộng lần này là minh chứng cho niềm tin của Nestlé vào tiềm năng phát triển của Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói và nhấn mạnh thêm, khoản đầu tư này không chỉ đánh dấu sự đầu tư mở rộng, mà còn là “cam kết dài hạn” về việc đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

Tương tự, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) Jeffrey Perlman, hồi đầu tháng 6/2025, trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đã nhấn mạnh cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đồng thời có tiếng nói tích cực nhằm ủng hộ Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt - Mỹ.

Rất nhiều nhà đầu tư đã đưa ra các cam kết như vậy và đó là lý do bất chấp nỗi lo về những ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2009; còn vốn thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, cao nhất của 6 tháng trong vòng 5 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, hôm dự lễ khánh thành Nhà máy Coca-Cola, một lần nữa nhấn mạnh con số này như lời khẳng định về thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Lời hứa “đồng hành”

Trong 6 tháng qua, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất tích cực, nhưng liệu tình hình phía trước có khả quan khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức thu thuế đối ứng từ ngày 1/8/2025?

Câu trả lời là chưa dễ định lượng, bởi mức thuế quan cuối cùng mà phía Mỹ áp dụng với Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên toàn cầu chưa chính thức được công bố. Theo các chuyên gia của VinaCapital, chỉ cần thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước khác, thì Việt Nam vẫn “hút mạnh” vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế biến, dịch vụ và cả đầu tư tài chính.

- Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc

Hơn nữa, dù những e ngại về vấn đề thuế là có thật và điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), có thể khiến một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong quá trình giải ngân, nhất là với các dự án quy mô lớn, dài hạn, nhưng Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hơn hết là từ các cam kết đồng hành với nhà đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

“Chính phủ cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế biến, dịch vụ và cả đầu tư tài chính”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu như vậy tại Hội nghị Đầu tư quốc tế Techcombank 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần khẳng định điều này. Môi trường đầu tư đã không ngừng được cải cách theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng cho các dự án quy mô lớn; thủ tục đầu tư đặc biệt, “luồng xanh” cũng được áp dụng với một số dự án chiến lược; mô hình trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư một cửa tại chỗ đã và đang được thí điểm thực hiện tại một số địa phương…

Hơn thế, theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam đang tổ chức lại bộ máy hành chính sẽ là yếu tố then chốt củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tạo kỳ vọng về cải cách hành chính sâu rộng và môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong thời gian tới.

Tuy vậy, các khuyến nghị chính sách vẫn tiếp tục được đưa ra, để Việt Nam nắm chắc phần thắng trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kể cả trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây những bất lợi đối với dòng đầu tư toàn cầu.

“Hạ tầng cần được đầu tư đồng bộ, kết nối liên vùng. Cũng cần liên kết, chuyển từ ‘quy hoạch tỉnh’ sang ‘quy hoạch vùng kinh tế động lực’ - như vùng Hà Nội, vùng TP.HCM, vùng Nam Trung bộ… để phát huy lợi thế mạng lưới thay vì từng địa phương đơn lẻ”, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch DVL Ventures, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) đã nói như vậy và cho rằng, chính quyền địa phương nên đồng hành sớm với nhà đầu tư từ khâu ý tưởng, quy hoạch, đến xây dựng nhà xưởng, thay vì chỉ tiếp cận khi nhà đầu tư đã chọn xong vị trí.

Đẩy nhanh cải cách thể chế để thu hút FDI, tăng hiệu quả đầu tư công
Việt Nam đang kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chảy vào nhiều hơn, bên cạnh sự gia tăng đầu tư công trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư