Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Người nghỉ hưu trước năm 1993 hưởng lương thấp: Bộ trưởng "day dứt", đại biểu sốt ruột
Nguyễn Lê - 06/11/2020 16:26
 
Mức lương của người nghỉ hưu trước năm 1993 thấp nhất hiện nay là 3 triệu/người, cao nhất là 8 triệu/người. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói ông "day dứt" về điều này.
.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Hiện nay lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 và sau năm1993 có khoảng chênh lệch rất lớn, lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, đời sống rất khó khăn, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) nêu vấn đề trong phiên chất vấn sáng 6/11 của Quốc hội.

Từ hiện trạng này, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội về lý do và giải pháp cơ bản điều chỉnh chế độ tiền lương đối với người nghỉ hưu trước năm 1993 để có thể bảo đảm được cuộc sống.

"Về câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Liên, chúng tôi thấy rất là đúng và đây cũng là một day dứt của chúng tôi trong quá trình làm chính sách" -  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ trước khi trả lời vào vấn đề chính.

Ông cho biết, số người hưởng lương hưu, trước 1993 hiện nay là 592.000 người. Lý do căn bản khiến số người này hưởng lương thấp là vì phần đa số này thời gian hưởng lương trước đây rất thấp. Thứ hai, 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi, còn lại 1/3 là trong lực lượng vũ trang.

"Thời gian vừa qua ý thức được chuyện này, từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân. Tuy nhiên, mức lương hưu hiện nay trong lực lượng trước năm 1993 rất là thấp, thấp nhất hiện nay là 3 triệu/người, cao nhất là 8 triệu/người" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, vấn đề này chỉ có thể giải quyết căn bản khi điều chỉnh thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng về chính sách bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, sẽ tính toán thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc.

Thứ ba, điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch tiền lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhấn mạnh vấn đề tiền lương của cán bộ hưu trí trước năm 1993 ở Quốc hội khóa XIII có nhiều đại biểu đã đưa ra và Quốc hội khóa XIV cũng tiếp tục có nhiều ý kiến.

Đồng ý với Bộ trưởng Dung về giải pháp nhưng đại biểu Tâm cho rằng "ý chí của Bộ trưởng chưa rõ". Cho nên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa vấn đề này ra sớm hơn. Bởi vì những người nghỉ trước năm 1993 thì đến bây giờ đã cao tuổi và số lượng còn lại không phải là nhiều.

"Đặc biệt, tôi muốn nói bản chất của vấn đề này đó là các đối tượng nghỉ trước năm 1993 đa số là tham gia trong thời kỳ kháng chiến, thời buổi đó rất khó khăn, nền kinh tế của đất nước khó khăn, các đồng chí này cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình"- bà Tâm nhấn mạnh.

Về lý do nghỉ trước tuổi nên lương thấp, đại biểu Tâm nhấn mạnh đó là thực hiện chính sách chung của Đảng, của Nhà nước và của Chính phủ để tinh gọn bộ máy thời bấy giờ, điều này dẫn đến thiệt thòi là rất lớn, dù cống hiến cuả họ cũng rất là lớn.

Như vậy, theo đại biểu, chính sách cần phải nhanh hơn. "Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người? Tuổi đời của các đồng chí đó không còn nhiều, ta cần phải có chính sách nhanh hơn. Tôi nghĩ rằng đất nước ta khó khăn nhưng chính sách đối với người đi trước không thể chậm hơn nữa. Tôi đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể" - đại biểu Tâm sốt ruột.

Bộ Lao động đưa ra lộ trình cụ thể tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ bắt đầu từ năm 2021 với lộ trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư