Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Người Sài Gòn trải nghiệm buýt sông miễn phí
Gia Huy - 25/11/2017 16:53
 
Sáng 25/11, hàng trăm người dân Sài Gòn đã được trải nghiệm tuyến buýt sông miễn phí trên sông Sài Gòn.

Lễ khánh thành và đưa tuyến buýt đường sông đầu tiên đã được lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Giao Thông vận tải TP, Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án cùng hàng trăm người dân TP.HCM tham dự cắt băng khánh thành.

Tại lễ khánh thành, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao Thông vận tải TP.HCM cho biết, TP.HCM có nguồn tài nguyên giao thông thủy rất lớn, với hơn 112 tuyến sông, kênh rạch với chiều dài hơn 1.000 km đường sông bao quanh TP. Chính vì vậy, việc xây dựng và đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông này hướng tới phục vụ người dân Thành phố và giảm tải gánh nặng giao thông đường bộ, phục vụ khách du lịch trong và người nước đi thăm quan thành phố bằng đường sông.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cắt băng khánh thành đưa tuyến buýt đường sông đầu tiên vào hoạt động.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cắt băng khánh thành đưa tuyến buýt đường sông đầu tiên vào hoạt động.

“Để có được tuyến buýt đường sông này, TP.HCM đã mất 6 năm chuẩn bị, chúng tôi kỳ vọng đưa tuyến buýt đường sông này vào hoạt động nhằm giúp người dân có thêm giải pháp giao thông, thu hút du lịch sông nước, khuyến khích nâng cao thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo sự đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng, tạo ra một văn hóa giao thông tiến bộ, văn minh”, ông Cường nói.

Còn theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật – chủ đầu tư tuyến buýt đường sông số 1, để thực hiện dự án này, Công ty đã đi nhiều nước trên thế giới có loại hình buýt đường sông để học tập kinh nghiệm khai thác và vận hành buýt đường sông. Sau đó, Công ty mất hơn một năm để chuẩn bị, xây dựng tuyến buýt trước khi đưa vào hoạt động.

Nhân viên tàu đón tiếp khách thăm quan tuyến buýt đường sông đầu tiên.
Nhân viên tàu đón tiếp khách thăm quan tuyến buýt đường sông đầu tiên.

Cũng theo ông Toản, để người dân và du khách trải nghiệm thú vị của tuyến buýt sông này, Công ty Thường Nhật vận chuyển miễn phí trong 10 ngày đầu. Để thuận lợi cho họ, tại các trạm của tuyến buýt đường sông đều có bãi giữ xe. Chủ đầu tư cũng đề xuất thành phố cho mở 3 tuyến xe điện đưa hành khách từ bến tàu đến các địa điểm nổi tiếng như: Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và một số khu vực trên địa bàn quận 2.

"Chúng tôi kỳ vọng hệ thống giao thông công cộng của TP HCM sẽ hoàn thiện khi có cả 3 loại hình: metro (tàu điện đi trên cao và đi ngầm), xe buýt đường bộ và tàu buýt dưới sông. Khi đó, việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện", ông Toản chia sẻ.

Người dân thích thú khi tham gia tuyến buýt đường sông đầu tiên.
Người dân thích thú khi tham gia tuyến buýt đường sông đầu tiên.

Được biết, vốn đầu tư dự án này là 124,5 tỷ đồng, giá vé được chủ đầu tư đề xuất cho mỗi lượt là 15.000 đồng, không tính lộ trình dài hay ngắn. "Với giá vé này, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu hút hành khách và sẽ cố gắng để giá vé được ổn định, lâu dài", ông Toản nói.

Toàn tuyến buýt đường sông số 1 có 5 tàu (mỗi tàu 75 chỗ), trong đó 4 tàu vận chuyển hằng ngày và một tàu dự bị. Tàu có thiết kế dạng cánh ngầm trước mũi, dài 18 m với màu vàng chủ đạo. Bên trong tàu buýt được trang trí hệ thống đèn, còi hiệu, điều hòa, báo cháy...

Trước khi đi vào hoạt động khai thác, tuyến buýt sông được vận hành kỹ thuật (chạy thử nghiệm) trong nhiều tháng.

Với lộ trình dài gần 11 km đi qua 12 bến (9 bến chính thức và 3 bến bổ sung), thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối mất khoảng 30 phút. Thời gian cho tàu cập mỗi bến đón và trả khách là 3 phút.

Tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) dài 10,8 km gồm các bến Bạch Đằng (quận 1) – Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức). Trong khi đó, tuyến số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dài 10,3 km gồm các bến Bạch Đằng – Nguyễn Thái Bình (quận 1) – Khánh Hội (quận 4) – cầu Chữ Y – chợ Hoà Bình – Nguyễn Tri Phương (quận 5) – Bình Đông (quận 8) – Bình Tây (quận 6) – chùa Long Hoà (quận 8) – bến số 2-11 Lò Gốm (quận 6).
Tập đoàn VTG của Canada muốn đầu tư tuyến metro Sân bay Nội Bài - Hồ Tây
VTG đã tiến hành nghiên cứu kỹ và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư