Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nguồn năng lượng mới cho hợp tác GMS và CLV
Thanh Huyền - 28/03/2018 09:34
 
Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia lần 10 (CLV 10) sẽ mang lại nguồn năng lượng mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực.

Sự kiện đa phương lớn nhất năm 2018

Ngày mai (29/3), Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị Cấp cao CLV 10 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, đây là những sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018. Dự kiến có hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và 150 phóng viên báo chí tham dự các sự kiện này.

.
.

Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 có chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, mang ý nghĩa kỷ niệm 25 năm thành lập hợp tác GMS; xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mê Kông thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Trong khi đó, Hội nghị Cấp cao CLV 10 sẽ rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về Phát triển kinh tế xã hội Khu vực CLV giai đoạn 2010 - 2020”; thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác nêu trên. Đối với GMS, Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác. Việc đăng cai chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị Cấp cao CLV 10, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong 2 cơ chế hợp tác này.

Trọng tâm là thúc đẩy kinh doanh

Trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6, có một sự kiện đặc biệt là lần đầu tiên, Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Hiện đã có hơn 200 tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đăng ký dự Diễn đàn, trong đó có sự quan tâm rất lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc thuộc các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây… Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh đại diện 6 nước thành viên GMS vừa ký Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA tại Hà Nội.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, bản ghi nhớ trên là một hiệu lệnh để các nước cùng lúc thực hiện theo các cam kết đã thỏa thuận trong khuôn khổ GMS. 6 nước sẽ thống nhất quy trình tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình một cửa/một lần dừng; quy trình bảo lãnh cho phương tiện qua biên giới được thuận tiện; quy định một loại giấy phép chung để phương tiện có thể đi qua tất cả các nước thành viên đã tham gia ký kết trên các tuyến hành lang đã thống nhất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá: “Bản ghi nhớ có vai trò quan trọng vì sẽ tạo một khuôn khổ pháp lý cho phép nhiều loại xe vận chuyển hàng hóa và người xuyên biên giới các nước, nhiều hàng hóa sẽ được vận chuyển đường bộ thay vì đường biển, qua đó sẽ giảm được chi phí logistics”.

Theo ông Alfredo Perdiguero, Trưởng phòng Điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã dẫn đầu trong công tác thu hút sự tham gia của không chỉ các chính phủ mà cả khu vực tư nhân vào các sáng kiến của GMS. Việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS lần này là cơ hội để mang lại nguồn năng lượng, những ý tưởng và nguồn tài chính cho cơ chế hợp tác liên kết khu vực này.

Khai mạc Diễn đàn các hành lang kinh tế khu vực tiểu vùng sông Mekong lần 9
Trong khuôn khổ sáng kiến Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Diễn đàn các hành lang kinh tế GMS lần 9 đã được khai mạc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư