Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguyễn Anh Quân, đồng sáng lập, CEO Gimo: Phá vỡ chu kỳ nhận - trả lương
Hồng Phúc - 29/05/2021 14:28
 
Với ứng dụng Gimo, Nguyễn Anh Quân và đội ngũ mong muốn giúp người lao động nhận lương sớm nhiều lần trong tháng để chủ động chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, hướng tới ổn định tài chính…
Nguyễn Anh Quân, đồng sáng lập, CEO Gimo
Nguyễn Anh Quân, đồng sáng lập, CEO Gimo

Thu hẹp khoảng cách chờ đợi ngày nhận lương

Với sự thay đổi của công nghệ, cách nhận lương của người lao động đã và đang có nhiều thay đổi.

Trả lương người lao động mỗi tháng một lần là cách truyền thống, giúp các công ty dễ dàng quản lý dòng tiền. Nhưng với phương thức này, nếu đột ngột phát sinh khoản chi phí mà chưa đến kỳ lương, trong khi lại không có tiền tích lũy, người lao động thường phải tìm đến những nơi cung cấp khoản vay với lãi suất cao.

Tháng 3/2021, Gimo công bố thông tin về việc hoàn tất gọi vốn đầu tư vòng hạt giống (seeding) từ ThinkZone Ventures, BK Fund và một số nhà đầu tư. Chia

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Thành Đô, thành viên sáng lập, Giám đốc điều hành ThinkZone đánh giá, Gimo có cơ hội tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn với gần 60 triệu lao động. Một trong những điểm nổi bật của Gimo là đội ngũ sáng lập giàu năng lực.

Nguyễn Anh Quân, CEO Gimo đã có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và quỹ đầu tư, từng làm việc tại Citibank Việt Nam, Phó chủ tịch Leadvisors Capital, IDG Capital và là cổ đông sáng lập của Alpha Partners.

 

Trên thế giới, Công ty Payactiv đã tiên phong cho ra đời mô hình EWA (Earned Wage Access) từ năm 2012, cho phép nhân viên nhận một số (hoặc tất cả) tiền mà họ đã kiếm được trước ngày lĩnh lương, nhằm góp phần giúp người lao động quản lý tài chính tốt hơn, cũng là cách để các doanh nghiệp thu hút, giữ chân người lao động.

EWA ngày càng phổ biến và tại Việt Nam, có 2 start-up nổi bật triển khai mô hình này là VUI và Gimo. VUI do ông Dũng Đặng (từng là CEO Uber Việt Nam) đồng sáng lập, thuộc Công ty Nano Việt Nam, còn Gimo được thành lập từ giữa năm 2019 bởi hai thành viên đồng sáng lập là Nguyễn Anh Quân và Nguyễn Ngọc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Anh Quân cho biết, đối tượng khách hàng của Gimo là các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lực lượng lao động phổ thông, với mức lương 7 - 12 triệu đồng/tháng. Start-up này đang phục vụ hơn 3.000 người lao động tại các doanh nghiệp.

Gimo cho phép người sử dụng nhận lương sớm dựa trên việc theo dõi thu nhập và số ngày đi làm thực tế của họ. Số tiền ứng dựa trên tính toán về dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng.

“Không chỉ người lao động, mà doanh nghiệp cũng có lợi khi sử dụng ứng dụng này. Nếu doanh nghiệp đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động một cách toàn diện, thì tỷ lệ thôi việc và các chi phí liên quan như phí tuyển dụng, đào tạo sẽ giảm. Hạnh phúc của nhân viên chính là tiền đề cho sự thành công của doanh nghiệp”, Anh Quân tự tin khi nói về những ưu điểm của ứng dụng Gimo.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết, khi áp dụng cách thức này, doanh nghiệp có thể gặp chút thách thức về công nghệ, thủ tục hành chính và dòng tiền...

Mục tiêu trở thành siêu ứng dụng

Anh Quân chia sẻ, nhóm khách hàng của Gimo là những lao động có “cơ hội tài chính thấp”, ít hoặc không có cơ hội tiếp xúc với những dịch vụ tài chính ngân hàng chính thống, do nhiều yếu tố như thủ tục phức tạp, thiếu kiến thức tài chính… nên dễ bị rơi vào bẫy của các hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

CEO Gimo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, có tới 69% dân số Việt Nam có cơ hội tài chính thấp. Đại dịch Covid-19 càng khiến nhóm này trở nên dễ bị tổn thương hơn. 

“Do đó, chúng tôi hy vọng thu hẹp khoảng cách chờ đợi ngày nhận lương, giúp người lao động có thể nhận lương sớm nhiều lần trong tháng để chủ động chi trả những chi tiêu sinh hoạt hàng ngày”, Anh Quân bày tỏ.

Cụ thể, người dùng Gimo có thể yêu cầu nhận lương và theo dõi thu nhập của mình thông qua ứng dụng di động được tích hợp vào hệ thống quản lý nhân sự và chi trả lương của công ty. Mọi giao dịch đều minh bạch và cập nhật theo thời gian thực.

Anh Quân và đội ngũ dự kiến xây dựng và vận hành một “siêu ứng dụng” với sự tham gia của nhiều bên như doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính, nhà bán lẻ, công ty bảo hiểm...; bổ sung nhiều tính năng tiện lợi cho người lao động như mua sắm trực tuyến, quản lý tài chính cá nhân…

Trước mắt, Gimo đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp cho người dùng một ứng dụng thân thiện hơn với chương trình khách hàng thân thiết được tích hợp sẵn và hệ điều hành được tối ưu hóa hoàn toàn, đồng thời hợp tác với các ngân hàng địa phương, các công ty bảo hiểm và các công ty viễn thông để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn cho người lao động.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, thách thức lớn nhất với đội ngũ Gimo là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về tầm quan trọng của “sức khỏe” tài chính. Anh Quân cho rằng, đây không chỉ là yếu tố quan trọng đối với người lao động, mà còn là một trong những cơ sở quyết định hiệu suất lao động cũng như hình ảnh của doanh nghiệp.

Trong quá trình tiếp cận với các doanh nghiệp, Anh Quân và đội ngũ Gimo nhận thấy, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc xây dựng chương trình phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận đúng cách hoặc có nguồn lực để làm việc này.

“Đây là động lực giúp chúng tôi tiếp tục khai phá thị trường, chung tay giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đảm bảo chính sách, phúc lợi cho người lao động”, Quân chia sẻ.

Phạm Kim Hùng, Sáng lập Base: “Vốn đầu tư sẽ vô nghĩa, nếu startup không được tin tưởng”
Tất cả các founders thực sự xứng đáng có được những nhà đầu tư tin tưởng và tôn trọng ước mơ của họ. Nếu không thì việc đầu tư quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư