Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu: "Có nhà thầu bị cướp hồ sơ, gói thầu vẫn mở bình thường"
Quang Hưng - 14/06/2017 14:39
 
Vụ việc cụ thể xảy ra tại Gói thầu Bình Định 05 – XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu (tỉnh Bình Định) với trị giá là 32,762 tỷ đồng.
.
Ông Lê Văn Tăng, Trưởng khoa danh dự Khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Chia sẻ thực tiễn công tác kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ở Việt Nam tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội sáng ngày hôm nay (14/6), ông Lê Văn Tăng, Trưởng khoa danh dự Khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: "Thời gian qua, mặc dù những cải cách trong công tác mua sắm công đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác đấu thầu vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều trường hợp, những bất cập chỉ được giải quyết khi có áp lực của công luận và cơ quan cấp trên".

Cụ thể, theo thống kê từ năm 2016 đến 25/4/2017, cả nước có 146 vụ việc bị phát hiện sai phạm, khuất tất trong quá trình tham gia đấu thầu chờ được giải thích và có sự can thiệp, vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giải quyết kiến nghị của nhà thầu.

Ví dụ “kinh điển” được ông Tăng đưa ra tại Hội thảo là tại Gói thầu Bình Định 05 – XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu (tỉnh Bình Định) có giá là 32,762 tỷ đồng (trong đó giá gói thầu chưa có dự phòng 29,784 tỷ đồng, chi phí dự phòng 2,978 tỷ đồng). Gói thầu này bên mời thầu thông báo thời điểm đóng thầu là 7h sáng ngày 20/6/2016 (Thứ 2). Có nghĩa là nhà thầu muốn nộp hồ sơ dự thầu phải nộp từ cuối giờ làm việc ngày 18/6/2016 (Thứ 6), đến trước 7h sáng trong khi đó là khoảng thời gian chủ đầu tư không làm việc.

Trước 7h sáng ngày 20/6/2016, có 5 nhà thầu khi đến nộp hồ sơ bị cướp hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, bên mời thầu đưa ra lý do là nhà thầu bị cướp hồ sơ trước giờ làm việc nên họ không biết và không chịu trách nhiệm. Sau đó, chỉ có 3 nhà thầu địa phương nộp được hồ sơ dự thầu, bên mời thầu vẫn tiến hành mở thầu và nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất là Liên danh Công ty TNHH Nhật Minh và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc có giá dự thầu thấp nhất là 32,384 tỷ đồng.

Ngay sau khi dự việc xảy ra, các nhà thầu đã có thư kiến nghị đến chủ đầu tư và cơ quan báo chí. Sau khi công luận lên tiếng cùng sức ép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng ADB thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đình mới có văn bản hủy kết quả đấu thầu để tổ chức đấu thầu lại.

Việc đấu thầu lại (lần 2) được phát hành hồ sơ mời thầu cả ở Bình Định và Hà Nội (Ban Quản lý các dự án nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đóng thầu vào 30/8/2016 có 14 nhà thầu tham dự. Lần này, giá dự thầu của Công ty TNHH Nhật Minh chỉ còn 25,927 tỷ đồng, giảm 6,457 tỷ đồng so với giá dự thầu của Liên danh Công ty TNHH Nhật Minh – Hiếu Ngọc khi tham dự thầu lần đầu. Mặc dù đã giảm tới 6,,457 tỷ đồng nhưng nhà thầu này vẫn trượt thầu.

Nhà thầu được kiến nghị trúng thầu lần này là Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Biển Đông với giá trị trao thầu là 22,762 tỷ đồng, trong đó, giá chưa có chi phí dự phòng là 20,693 tỷ đồng, chi phí dự phòng là hơn 2.069 tỷ đồng.

Như vậy, so với giá gói thầu được duyệt 32,762 tỷ đồng, trong đó giá gói thầu chưa có dự phòng là 29,784 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 2,978 tỷ đồng, giá trúng thầu của Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Biên Đông giảm 10 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm hơn 30,5%.

Tương tự là trường hợp Gói thầu DL01 – XL01: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh chính là Ea Kao thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Gói thầu được đóng thầu lần đầu vào 9h ngày 8/7/2016. Trước thời điểm đóng thầu khoảng 1 tiếng, liên danh nhà thầu đến từ địa phương khác đã bị cướp hồ sơ dự thầu ngay trước cổng trụ sở cơ quan chủ đầu tư, trong khi các nhà thầu địa phương vẫn nộp đươc hồ sơ dự thầu. Gói thầu sau đó đã không được tiến hành mở thầu để chờ chỉ đạo xử lý.

Sau phản ánh của báo chí, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Gói thầu sau đó được mời thầu lại. Để đảm bảo công khai, minh bạch hơn, hồ sơ mời thầu được phát hành tại 2 địa điểm là trụ sở của chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắk và trụ sở cơ quan chủ dự án là Ban Quản lý các dự án nông nghiệp. Gói thầu đóng thầu vào ngày 6/9/2016 và mở thầu tại Ban Quản lý các dự án nông nghiệp.

Trong lần mời thầu đầu tiên có 11 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (không kể nhà thầu bị cướp hồ sơ dự thầu), bao gồm 9 nhà thầu Đắc Lắk, 2 nhà thầu từ địa phương khác. Trong lần mới thứ 2, có 13 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có 7 nhà thầu đến từ Đắc Lắk, còn lại là cá nhà thầu từ Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh. Những nhà thầu đưa ra giá dự thầu thấp nhất đều không phải là những nhà thầu đã tham dự thầu trong lần mời thầu đầu tiên.

Gói thầu DL01 – XL01 có giá 81,112 tỷ đồng, chia thành 3 lô: Lô 1 có giá 22,18 tỷ đồng, Lô 2 có giá 26,47 tỷ đồng và Lô 3 có giá 32,46 tỷ đồng.

Kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố sau đó, 2 nhà thầu trúng Lô 1 và Lô 2 là các nhà thầu tham dự thầu trong lần mời thầu thứ 2, đó là Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam (trúng Lô 1) và Công ty Xây dựng 68 Hà Tĩnh có địa chỉ tại Hà Tĩnh (trúng thầu Lô 2).

Giá trúng thầu Lô 1 của Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP là 16,098 tỷ đồng, giảm khoảng 6 tỷ đồng (tương đương hơn 27%). Giá trúng thầu Lô 2 của Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh là 19,055 tỷ đồng, giảm giá khoảng 7,4 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 28%).

Những “mánh khóe” của chủ đầu tư trong việc mời thầu, đấu thầu, theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là trả lời vòng vo làm cho nhà thầu mệt mỏi, chán nản, bỏ cuộc.

“Bên mời thầu, chủ đầu tư còn thực hiện nhiều hành vi tiêu cực, không minh bạch trong quá trinh lựa chọn nhà thầu như: Gây khó khăn khi mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu (lý do đưa ra là hết hồ sơ mời thầu, chưa in kịp); thông báo địa điểm bán hồ sơ mời thầu không chính xác; đùn đẩy trách nhiệm vòng vo cho tư vấn đấu thầu; cán bộ bán hồ sơ mời thầu bận họp, thuê xã hội đen đe dọa, đòi kiểm tra năng lực nhà thầu trước khi bán hồ sơ mời thầu, bố trí thời điểm đóng thầu bất lợi cho các nhà thầu ở xa, cướp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu, gọi điện đe dọa và nhiều thủ đoạn khác”, ông Tăng cho biết.

Điều kiện xét duyệt trúng thầu gói thầu tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu
Điều kiện xét duyệt trúng thầu gói thầu tư vấn là có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; có giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư