Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nhà băng đẩy nhanh tái cơ cấu để vời vốn ngoại
Thùy Vinh - 02/04/2015 07:10
 
Để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính, các ngân hàng đang ra sức thu hút vốn từ các cổ đông nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Người Nam A Bank ứng cử thành viên HĐQT Eximbank
Bắt đầu cuộc hồi sinh các ngân hàng "xác sống"
Ngân hàng Quốc dân miễn nhiệm 2 phó tổng giám đốc
Năm 2015, sẽ xử lý từ 6 - 8 ngân hàng .
Bổ nhiệm Tổng giám đốc, Agribank hoàn thiện dàn lãnh đạo

Đây cũng là lý do để các ngân hàng đã mua bán, sáp nhập (M&A) và chưa có cổ đông ngoại đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC thời gian qua, “làm sạch” sổ sách để có thể kêu gọi được cổ đông ngoại tham gia trong các đợt tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cấu trúc.

Nhà băng đẩy nhanh tái cơ cấu để vời vốn ngoại
Ngân hàng đang ra sức thu hút vốn từ cổ đông nước ngoài để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính

SCB là một điển hình. Chỉ sau 3 năm hợp nhất (Ficombank, SCB, TinNghiaBank) nhà băng này đã bán một khối lượng lớn nợ xấu cho VAMC lên đến 12.000 tỷ đồng, kéo nợ xấu của Ngân hàng từ mức trên 9% tại thời điểm hợp nhất xuống còn 0,5% vào cuối năm 2014. Chính nhờ nỗ lực trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, SCB sớm thu hút được sự quan tâm của các cổ đông nước ngoài.

Cụ thể, dù thị trường còn khó khăn nhất định và đang quá trình tái cơ cấu, nhưng SCB đã thành công trong 2 đợt tăng vốn điều lệ năm 2013 và cuối năm 2014. Vốn điều lệ của SCB, sau khi hoàn tất đợt tăng vốn mới đây nhất là vào đầu năm 2015 đã đạt mức trên 14.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong đợt tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vừa rồi của SCB, đã có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 15% vốn điều lệ tại CB là 2 quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Hồng Kông.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SCB có định hướng mới, tạo áp lực cho Ngân hàng trong việc minh bạch hóa, tạo tiền đề thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài trong tương lai. Đây được xem là một điểm tích cực cho SCB trong giai đoạn tái cấu trúc để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Vì thế, không chỉ dừng ở tỷ lệ 15%, SCB còn muốn tiếp tục mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia nếu được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Lãnh đạo SCB cho hay, Ngân hàng có kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, thậm chí vượt cả khung room cho phép hiện nay, vì SCB là ngân hàng đang quá trình tái cấu trúc và theo chủ trương, nếu có nhu cầu hút vốn ngoại đẩy mạnh tái cơ cấu, thì sẽ được nâng room. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc quyết định của Chính phủ, NHNN.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cũng cho rằng, một khi sức khỏe được củng cố sau quá trình tái cơ cấu và làm “sạch” nợ xấu, thì sẽ dễ dàng hơn trong việc gọi vốn ngoại. Nhưng việc thu hút đối tác ngoại của các ngân hàng không chỉ đặt nặng vấn đề nâng cao tiềm lực tài chính, mà quan trọng là hỗ trợ chiến lược phát triển.

HDBank cũng lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại trong tương lai gần khi đã xúc tiến việc tìm kiếm đối tác từ 2 năm qua, với các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản được đánh giá cao. Hay tại Sacombank, việc thu hút thêm vốn nước ngoài cũng được nhà băng này xây dựng từ hơn 2 năm qua kể từ khi cổ đông chiến lược ngoại ANZ chuyển nhượng phần vốn nắm giữ gần 10% Sacombank cho Eximbank. Thế nhưng, kế hoạch này đến nay Sacombank vẫn chưa triển khai và ngân hàng này cho biết, phải đợi đến khi sáp nhập Southerbank hoàn tất.

Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cho biết, sau quá trình tái cấu trúc, ngân hàng này sẽ mời vốn ngoại. Tỷ lệ bán dự kiến gần 30% cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và nhiều khả năng đến từ Nhật Bản. Đáng chú ý, không chỉ với ngân hàng, mà ngay cả công ty tài chính do nhà băng này mua lại 100% vốn của nước ngoài cũng sẽ được bán lại cho một đối tác ngoại trong tương lai gần, với tỷ lệ chi phối tương đối lớn.

Nhưng không phải ngân hàng nội nào cũng là đích ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. GBank là điển hình khi thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng UOB đến từ Singapore mua lại nhà băng này với tỷ lệ sở hữu 100%, nhưng điều đó đã không xảy ra. Bởi UOB hiện đã niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, do đó, các cổ đông của Tập đoàn cũng sẽ có kiến nghị khi UOB xem xét mua lại một ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Ông Michel Tosto, Giám đốc Dịch vụ cổ phiếu & trái phiếu, khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, tài chính - ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, song nhà đầu tư phải có sự lựa chọn kỹ trước khi rót vốn vào cổ phiếu nhóm ngành này và muốn hút được vốn ngoại, Chính phủ Việt Nam cần xem xét mở room đối với ngân hàng.

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, sẽ có 3-5 nhà đầu tư có thể đầu tư hơn 51 - 100% cổ phần của ngân hàng Việt Nam nếu được phép, thay vì chỉ 20-30%. Tuy nhiên, việc mở room đối với lĩnh vực ngân hàng luôn được xem xét kỹ, kể cả với nhà băng yếu muốn bán 100% vốn cho nước ngoài để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.

Thông tư 38/2014/TT-NHNN mới được NHNN ban hành cũng yêu cầu, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua cổ phần của nhà băng yếu kém, ngoài các văn bản theo yêu cầu khi mua cổ phần của tổ chức tín dụng, nhà đầu tư phải nộp kèm văn bản cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng yếu kém, hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém trong áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư