Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Nhà băng dư tiền, tín dụng vẫn âm
Thùy Vinh - 24/04/2013 10:41
 
Vốn khả dụng dôi dư, lãi suất được điều chỉnh giảm dần, nhưng tín dụng tại nhiều ngân hàng lớn vẫn tăng trưởng âm.
TIN LIÊN QUAN
Mục tiêu của DongA Bank năm 2013 là hạn chế tối đa nợ xấu, giảm trích lập dự phòng tài chính

Tín dụng âm

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, kết thúc quý I/2013, tín dụng của Ngân hàng âm 2%, trong khi nguồn vốn huy động khá dồi dào.

“Rào cản trong phát triển tín dụng hiện nay là khó nhận diện rủi ro và không dễ tìm được khách hàng tốt để trao vốn. Mục tiêu của DongA Bank năm nay là tăng trưởng tín dụng 9%, thấp hơn nhiều so với năm trước, nhưng cũng không dễ đạt được mức tăng trưởng này”, ông Bình thừa nhận và cho biết, mục tiêu chính trong phát triển tín dụng năm nay của Ngân hàng là hạn chế tối đa nợ xấu, giảm trích lập dự phòng tài chính.

Không chỉ với DongA Bank, ngay cả ngân hàng có thế mạnh về tài trợ xuất, nhập khẩu như Eximbank cũng không dễ đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ.

Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của Ngân hàng vẫn âm vài phần trăm.

Theo ông Phước, nút thắt trong phát triển tín dụng hiện nay không phải do áp lực lãi suất cao, hay ngân hàng thiếu vốn. Ngược lại, vốn khả dụng đang dôi dư, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm dần, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Nguyên nhân là do sức mua thị trường sụt giảm, hàng tồn kho tăng, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được, nên doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn để

đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới.

“Eximbank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, đồng thời chú trọng chất lượng tín dụng, tập trung xử lý nợ quá hạn, nợ xấu một cách triệt để”, ông Trương Văn Phước nói.

Tại ACB, tín dụng cũng mới đạt mức tăng 2% trong 3 tháng đầu năm và ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay ở mức 12%, cao hơn nhiều so với năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, 3 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng dư nợ tín dụng của BIDV chỉ đạt mức 2,7% (tương đương 8.600 tỷ đồng). Bên cạnh đó, với gói vốn 3.000 tỷ đồng được BIDV triển khai cho khách hàng cá nhân kể từ đầu tháng 4/2013 (lãi suất ưu đãi 6%/năm), đến nay, mới giải ngân được 100 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Hoàng, tiến độ giải ngân vốn trong những tháng đầu năm khá chậm, dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm dần và sẽ giảm thêm. Một trong những lý do khiến tín dụng tăng chậm những tháng đầu năm và khả năng tình trạng này còn kéo dài trong thời gian tới, theo ông Hoàng, là do hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp không có đầu ra, nên doanh nghiệp ngại vay vốn.

Khó kỳ vọng lợi nhuận

Tín dụng khó tăng sẽ kéo theo lợi nhuận giảm là điều được các ngân hàng xác định cho năm tài chính 2013 trước khi xây dựng chỉ tiêu trình cổ đông trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay. Nguyên do là nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận ngân hàng hiện nay vẫn từ tín dụng, nhất là khi các hoạt động dịch vụ (kinh doanh vàng, ngoại hối…) không còn đóng góp nhiều vào tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Mặt khác, nợ xấu vẫn tăng trước bối cảnh thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nên ngân hàng buộc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì thế, các ngân hàng phải cân nhắc kỹ chỉ tiêu lợi nhuận cho năm tài chính 2013.

Tại DongA Bank, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được HĐQT trình cổ đông trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông ngày 27/4 tới chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2012, nhưng thấp hơn 500 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm 2012. Sở dĩ DongA Bank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức thận trọng cho năm nay, theo ông Bình, do tình hình thị trường còn nhiều thách thức và khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến khả năng tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng, nên khó đạt được kết quả lợi nhuận như mong muốn.

Còn theo Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Xuân Hoàng, để có thể đạt được mức lợi nhuận đề ra cho năm nay, đòi hỏi Ngân hàng phải gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và giảm chi phí vận hành. Bởi nếu chỉ kỳ vọng vào tín dụng sẽ rất khó, do dư nợ không thể tăng trưởng. Mục tiêu tín dụng BIDV năm nay sẽ theo chủ trương ngành.

Sacombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 2.800 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với mức thực hiện của năm 2012 và tỷ lệ cổ tức dự kiến 9 - 10%.

Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Phú, HĐQT Sacombank cũng thừa nhận, để đạt được những kết quả trên và đảm bảo mục tiêu năm nay, Sacombank sẽ phải từng bước tăng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi để tạo cơ cấu thu nhập bền vững. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ khách hàng cá nhân, với kế hoạch tăng 35% số lượng khách hàng mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư